Từ khoá: Hoà giải ở cơ sở, Hoà giải viên, Tổ hoà giải, Bình Thuận
Khẳng định và tiếp tục phát huy vai trò, ý nghĩa quan trọng của hòa giải ở cơ sở, Điều 127 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “Ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật”. Ngày 20/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã ban hành Luật hòa giải ở cơ sở, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
Vai trò, ý nghĩa của Hòa giải ở cơ sở.
Thứ nhất, Hòa giải ở cơ sở góp phần giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.
Trong cuộc sống thường ngày, do sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan niệm, nhận thức lối sống, tình cảm…nên việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa các hộ gia đình và giữa các cá nhân với nhau trong cộng đồng dân cư là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Hơn nữa, có những hành vi vi phạm pháp luật nhưng hành vi vi phạm đó chưa đến mức phải xử lý bằng hình sự hoặc xử lý hành chính. Những hành vi, mâu thuẫn, tranh chấp này không phải lúc nào cũng có thể giải quyết ổn thỏa bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà nhiều khi chỉ được giải quyết ổn thỏa bằng hòa giải ở cơ sở.
Thứ hai, Hòa giải ở cơ sở góp phần phát huy, tăng cường truyền thống đoàn kết, đạo đức dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa ở cơ sở.
Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của một gia đình, họ tộc hay cộng đồng, lúc này lúc khác đã nảy sinh những va chạm, xích mích khó tránh khỏi. Đó có thể là những tranh chấp, mâu thuẫn giữa anh chị em ruột, mẹ chồng nàng dâu, chị dâu em chồng, giữa người làng, người xóm về lối đi, vườn cây, ao cá, về tài sản thừa kế, hoặc gia súc, gia cầm thất lạc…Với truyền thống đoàn kết tốt đẹp từ bao đời nay, trong thực tế nhân dân ta đã tự giúp nhau dàn xếp, khuyên bảo nhau “bớt giận làm lành”, “chín bỏ làm mười” để hòa giải, trở lại hòa thuận, tương thân, tương ái, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Hòa giải sẽ giúp các bên đạt được thỏa thuận, tự giải quyết với nhau tận gốc rễ các mâu thuẫn, tranh chấp, có tác dụng khôi phục, giữ gìn tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư.
Thứ ba, Hòa giải ở cơ sở góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện trong nhân dân, giảm bớt các vụ việc của cơ quan Nhà nước, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của của nhân dân và cơ quan Nhà nước
Các hành vi vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân có thể giải quyết bằng nhiều hình thức: thông qua việc giải quyết của các cơ quan trọng tài; thông qua hòa giải; đặc biệt là thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Tòa án nhân dân, cơ quan hành chính Nhà nước. Trong các hình thức giải quyết các tranh chấp trên, hình thức giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là hình thức đặc biệt quan trọng, nó bảo đảm các quyền, lợi ích của các bên tranh chấp. Tuy nhiên những mâu thuẫn, tranh chấp…của nhân dân nếu được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ dẫn đến việc tổn hao công sức, tiền của…của cả nhân dân và của cả cơ quan Nhà nước như nhân dân ta thường nói: “Vô phúc đáo tụng đình”. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện, tranh chấp của nhân dân, trong đó có nguyên nhân chưa thực hiện tốt hình thức giải quyết bằng hòa giải đặc biệt là hình thức hòa giải ở cơ sở.
Thứ tư, Hòa giải ở cơ sở, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, từng bước xây dựng thói quen, ý thức pháp luật của công dân.
Bằng sự định hướng giáo dục thông qua hoạt động Hòa giải ở cơ sở mà pháp luật đi sâu vào nhận thức, tình cảm của từng cá nhân, từng gia đình, từng nhóm cá nhân một cách sâu sắc, có sức thuyết phục hơn theo phương châm “trăm nghe không bằng một thấy”. Thông qua hoạt động thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các bên tranh chấp, giúp họ hiểu biết về chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó, hình thành thói quen sống và làm việc theo pháp luật của nhân dân.
Kết quả 10 năm thực hiện Hoà giải ở cơ sở tại Bình Thuận (2013-2023).
Qua 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh cho thấy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể ngày càng nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó có sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, đầu tư kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác này nên đã khích lệ, động viên các Hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ, phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng. Kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp với Hội đồng tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tổ chức[1] 286 lớp phổ biến giáo dục, pháp luật với 24.882 lượt người là cán bộ Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cơ sở tham dự; tuyên truyền hơn 2.365 cuộc với 485.884 lượt người tham dự; giải thích, trả lời và tư vấn về pháp luật cho hơn 208.946 công dân tại cụm dân cư, hộ gia đình; chuyển tải cho 24.691 lượt người mượn sách pháp luật để tìm hiểu…
Hàng năm, trên cơ sở Kế hoạch thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, củng cố, kiện toàn các Tổ hòa giải đảm bảo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Theo số liệu thống kê đến năm 2022[2], toàn tỉnh có 694 Tổ hòa giải với 4.295 Hòa giải viên. Trung bình mỗi Tổ hòa giải có từ 05 - 08 tổ viên tùy theo đặc điểm cụ thể của từng địa bàn dân cư; đảm bảo cơ cấu. Đa số Hòa giải viên đều là những người có am hiểu về pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có khả năng vận động, thuyết phục, nhiệt tình, tự nguyện tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, các Tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tiếp nhận 19.645 vụ việc, trong đó đã tổ chức hòa giải thành 14.982 vụ việc (đạt tỷ lệ 76,26 %), hòa giải không thành 4.663 vụ việc (đạt tỷ lệ 23,74 %)[3]. Trong quá trình thụ lý vụ việc hòa giải, bằng sự hiểu biết về kiến thức pháp luật, văn hóa xã hội, kinh nghiệm sống, phong tục, tập quán, ca dao, tục ngữ, truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam, kết hợp với việc vận dụng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải, nhiều Tổ hòa giải đã có những lập luận chặt chẽ, đưa ra phương án giải quyết, xử lý tình huống, mâu thuẫn “thấu tình đạt lý”, đúng theo quy định của pháp luật, qua đó các bên tranh chấp “tâm phục, khẩu phục” hóa giải mâu thuẫn đi đến thỏa thuận, thống nhất và hàn gắn tình cảm.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế sau:
Thứ nhất, một số cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã chưa thật sự nhận thức hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở nên chưa quan tâm đúng mức, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Tổ Hòa giải và Hòa giải viên.
Thứ hai, công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho Hòa giải viên tại một số địa phương chưa được thực hiện thường xuyên. Một số Hòa giải viên chưa nắm vững kiến thức pháp luật; thiếu phương pháp, kỹ năng vận động, thuyết phục các bên hòa giải và chưa thật sự tận tâm, tâm huyết với công tác hòa giải.
Thứ ba, kinh phí bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù ngày 12/3/2015 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND về quy định mức chi và quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm công tác hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, chỉ có một số ít địa phương đảm bảo được các khoản chi này cho Tổ hòa giải.
Trên cơ sở lý luận về Hòa giải ở cơ sở và đặc điểm, tình hình cụ thể của tỉnh Bình Thuận, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.
Từ thực tiễn công tác Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cho thấy, hạn chế của công tác Hòa giải ở cơ sở phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân cơ bản là vẫn còn có địa phương ở đó các cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ, công chức chưa thật sự nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa thực sự tích cực của thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Do đó, để bảo đảm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn hiện nay, cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của Hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục Luật Hòa giải ở cơ sở.
Để nâng cao hiệu quả công tác Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục Luật Hòa giải ở cơ sở.
Phổ biến, giáo dục Luật Hòa giải ở cơ sở phải đổi mới nội dung, hình thức, phù hợp với đối tượng, đặc thù của địa phương; hướng mạnh về cơ sở, nhất là địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kết hợp với việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh ở cơ sở…Đặc biệt hướng vào việc nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội.
Thứ ba, tiếp tục kiện toàn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về hòa giải và Hòa giải viên.
Luật Hòa giải ở cơ sở có bảo đảm thực hiện trong đời sống xã hội hay không, ngoài những yếu tố: luật phù hợp với đời sống xã hội, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…còn phụ thuộc rất nhiều vào chủ thể thực hiện pháp luật. Đối với Hòa giải ở cơ sở thì vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về hòa giải và đội ngũ Hòa giải viên càng có ý nghĩa quan trọng quyết định đến hiệu quả Hòa giải ở cơ sở.
Thứ tư, bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Các cấp chính quyền phải đảm bảo kinh phí cho hoạt động hoà giải ở cơ sở. Cụ thể trong phân khai kinh phí hàng năm theo quy định phải thực hiện nghiêm túc Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND ngày 12/3/2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về quy định mức chi và quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm công tác hòa giải ở cơ sở.
Hoà giải ở cơ sở có vai trò, ý nghĩa quan trọng. Để thực hiện tốt công tác Hoà giải ở cơ sở tại Bình Thuận đòi hỏi các cấp uỷ đảng, chính quyền phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền; cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác Hoà giải ở cơ sở là giải pháp quan trọng, quyết định đến sự thành công, hiệu quả của công tác Hoà giải ở cơ sở./.
Ths Lê Trung Quân
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.