Những chuyển biến tích cực của công tác cán bộ nữ sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết nhấn mạnh, xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng. Nghị quyết đề ra các chỉ tiêu định hướng cho hệ thống chính trị các cấp: Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đạt từ 35% - 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Cần bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước từ 30% trở lên.

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, để tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, đặc biệt là công tác cán bộ nữ, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2023 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Tại Bình Thuận, qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, trong đó công tác cán bộ nữ luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, chính quyền địa phương và đã đạt được những kết quả quan trọng như:

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác cán bộ đảm bảo theo nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi từ khâu quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển đối với cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng giai đoạn; trong đó, quan tâm công tác tạo nguồn cán bộ nữ trẻ, nữ đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo nguồn cho giai đoạn tiếp theo.

Những năm qua, các cấp, các ngành luôn thực hiện đảm bảo chủ trương có cán bộ nữ trong cơ cấu cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện; những nơi không có cán bộ nữ trong quy hoạch, sẽ bổ sung nhân sự từ các cơ quan, đơn vị khác theo quy định; phải có cán bộ nữ trong cơ cấu Ban Thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp.

Tỷ lệ nữ cấp uỷ viên các cấp đạt từ 20 - 25%, trong đó cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) có 08 nữ/49 đồng chí, chiếm 16,33%; Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 01 nữ/14 đồng chí, chiếm tỷ lệ 7,14%; Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh hiện có 46 nữ/242 đồng chí, chiếm tỷ lệ 19%; Cán bộ lãnh đạo là trưởng, phó phòng và tương đương cấp tỉnh có 1.059 nữ/1.954 đồng chí, chiếm tỷ lệ 54,2%; cấp ủy cấp huyện, có 59 nữ/398 đồng chí, chiếm 14,8%; Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 14 nữ/112 đồng chí, chiếm tỷ lệ 12,5%; Lãnh đạo chủ chốt (Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND) các huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 03 nữ/33 đồng chí, chiếm tỷ lệ 9,1%; Cán bộ lãnh đạo là trưởng, phó phòng và tương đương của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp huyện có 2.641 nữ/5.457 đồng chí chiếm tỷ lệ 48,4%. Trong tổng số cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý hiện nay, cán bộ nữ có 50/422 đồng chí, chiếm tỷ lệ 11,84 %; có 24/62 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có cán bộ nữ là lãnh đạo, đạt tỷ lệ 38,70%; có 15 cán bộ nữ/159 cán bộ tham gia Ban Thường vụ cấp ủy và Thường trực HĐND, UBND cấp huyện, chiếm tỷ lệ 9,43%.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt từ 20-28%, trong đó đối với Đại biểu Quốc hội: tỉnh có 01 nữ/07 đại biểu (không tính 02 đại biểu nữ của Trung ương), chiếm 14%; đối với đại biểu HĐND tỉnh có 15 nữ/53 đại biểu, chiếm tỷ lệ 28,3%; Đối với đại biểu HĐND cấp huyện có 486 nữ/2.097 đại biểu, chiếm tỷ lệ 23,17%...

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ nữ ngày càng được quan tâm hơn; tỷ lệ cán bộ nữ các cấp được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ qua từng năm đều tăng; chất lượng đội ngũ cán bộ nữ trong tỉnh ngày càng được nâng lên, phát huy tốt hơn phẩm chất, năng lực cán bộ nữ trên các lĩnh vực công tác. Từ năm 2018 đến nay, có 52 cán bộ nữ được đào tạo cao cấp lý luận chính trị; 22 cán bộ nữ được đào tạo thạc sĩ; 36 cán bộ, công chức nữ theo học các lớp đào tạo đại học tại chức do tỉnh phối hợp với các trường đại học mở.

Cán bộ lãnh đạo là nữ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý hầu hết tốt nghiệp đại học chuyên môn, đã qua đào tạo cao cấp lý luận chính trị, được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành, kiến thức quản lý Nhà nước, kiến thức quốc phòng - an ninh, nêu cao tinh thần, trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Công tác phát triển đảng viên là nữ được quan tâm nhiều hơn, tỷ lệ nữ được kết nạp Đảng hàng năm đều tăng, đạt trên 40,4%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra (chỉ tiêu Nghị quyết là 35-40%); nâng tỷ lệ đảng viên là nữ trong toàn Đảng bộ lên 36,22%. Các cấp hội phụ nữ đã có nhiều cố gắng, chủ động phát hiện, giới thiệu, đề xuất với cấp ủy quy hoạch, đào tạo, sử dụng, phát huy tốt năng lực đội ngũ cán bộ nữ; qua đó, có 32 cán bộ hội phụ nữ được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả được, công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: có nơi, có thời điểm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ và tỷ lệ cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mặc dù được quan tâm hơn, nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu đề ra.

Để tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới đối với công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh cần phải thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, quan tâm công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ nhằm nâng cao tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ trong các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong hệ thống chính trị.

Hai là, tạo điều kiện cho cán bộ nữ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, quan tâm bồi dưỡng và phát triển đảng viên nữ.

Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển; đặc biệt quan tâm đến nội dung thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, nghỉ hưu; chú ý thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ hoạt động có hiệu quả.

Bốn là, vận động, khuyến khích cán bộ, hội viên, phụ nữ tự học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng việc bố trí, phân công công tác để cán bộ nữ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong việc tham mưu, giới thiệu và tạo nguồn cán bộ nữ; đồng thời khắc phục tư tưởng an phận, tình trạng níu kéo, không ủng hộ nhau ngay trong nội bộ cán bộ nữ.

Thực hiện đồng bộ những giải pháp trên là điều kiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển đối với công tác cán bộ nữ, từ đó tạo đà cho sự bình đẳng nhất định giữa nam - nữ trong các hoạt động, góp phần cổ vũ, khích lệ, tạo niềm tin và động lực cho cán bộ nữ cống hiến, phát huy tài năng của mình góp phần tích cực vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.

Trước những đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để phụ nữ Bình Thuận có điều kiện phát huy năng lực, tự tin tham gia và thực hiện tốt vai trò quan trọng của mình trên các lĩnh vực, công tác cán bộ nữ tỉnh nhà cần đổi mới và đột phá hơn nữa. Lãnh đạo địa phương cần tiếp tục quan tâm để có những chính sách phù hợp tạo điều kiện đối với cán bộ nữ để góp phần thực hiện, hoàn thành mục tiêu Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới đến năm 2030, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Để làm được điều này, đòi hỏi cần phải nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cùng với những nỗ lực của bản thân phụ nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng; từ đó cán bộ nữ sẽ có cơ hội đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển đất nước./.

ThS. Văn Thị Thanh Hà

Trưởng phòng QLĐT và NCKH


Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.

3. Báo cáo số 411-NC/TU ngày 31/8/2023 của Tỉnh uỷ Bình Thuận về sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư (khoá XII) về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.

 

 


Các tin khác