HỌC TẬP LỐI SỐNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH QUA MẨU CHUYỆN “NẾP SỐNG GIẢN DỊ VÀ KHOA HỌC”

  • /
  • 29.11.2012 - 9:59

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Cả cuộc đời của Người là tấm gương sáng ngời về những chuẩn mực đạo đức cho các thế hệ noi theo.

Qua những mẩu chuyện viết về Bác của những người đã được sống gần Bác, có dịp tiếp xúc với Bác đã để lại cho mỗi chúng ta biết bao điều cần học tập ở Bác về cách sống, cách làm người, cách làm việc... Trong đó, mẩu chuyện “Nếp sống giản dị và khoa học”[1] đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, về lối sống rất giản dị và một phong cách làm việc rất khoa học của Người.

Điều đầu tiên tôi học được ở Bác qua mẩu chuyện này là một lối sống thanh bạch, giản dị, đặc biệt là trong cách ở, cách ăn mặc của Bác. Là một vị Chủ tịch nước, lẽ ra Bác phải ở nhà cao sang trọng, đi xe hơi đời mới, mặc đồ vest… Bác của chúng ta thì không làm như vậy. Trang phục của Bác là đôi dép cao su, là những bộ ka ki đơn sơ, giản dị, Bác mặc đến hàng chục năm cho dù có phai màu, chỉ đã sờn, vải thì co lại nhưng Bác vẫn không bỏ mà chỉ yêu cầu chị giúp việc vá lại và xuống gấu hộ Bác để Bác mặc tiếp. Chính vì vậy, Bác của chúng ta “thường xuyên chỉ có 2 bộ quần áo mặc ngoài”. Cũng chính sự giản dị đó mà trong những chuyến đi công tác, hành trang của Bác thật gọn nhẹ: “Một bộ mặc, một bộ bỏ vào túi dết mang theo bên người”. Không chỉ có thế, nơi Bác ở cũng rất đơn sơ chỉ có “một chiếc giường con”, “Trong kháng chiến cũng như trong hòa bình sống trong Phủ Chủ tịch giường của Bác bao giờ cũng chỉ trải chiếc chiếu đậu. Không bao giờ Bác nằm chiếu hoa”..., nếu như bề ngoài nhìn vào thì chúng ta khó có thể tin được đó lại là nơi ở của một vị Chủ tịch nước, nhưng Bác của chúng ta đã ở  như vậy đó.

Mẩu chuyện còn cho chúng ta thấy đức tính tiết kiệm của Bác. Với Bác tiết kiệm không có nghĩa là bủn xỉn, là keo kiệt mà cái gì có thể tiết kiệm được là Bác tiết kiệm đến mức tối đa ngay cả những vật dụng nhỏ mà Bác sử dụng hằng ngày, chẳng hạn như khi sử dụng giấy “Bác dùng giấy viết cả hai mặt”, “dùng lại những tờ giấy còn một mặt trắng”, “viết chữ nhỏ cho đỡ tốn giấy”... những việc làm này của Bác tuy rất đơn giản nhưng Bác đã tiết kiệm được tiền của của nhân dân rất nhiều. Bác luôn coi trọng và quý trọng thành quả lao động của người khác, vì Bác biết rằng “Làm ra được của cải vật chất là mất bao công sức của nhiều người. Ta dùng phải hết sức giữ gìn và tiết kiệm”.

Tiết kiệm của Bác còn là tiết kiệm về thời gian. Với Bác để một ngày làm được nhiều việc và đạt hiệu quả cao thì phân chia thời gian một ngày làm việc rất khoa học. Theo Bác, giờ nào thì phải việc đó, có như vậy mới chủ động được trong công việc và làm được nhiều việc trong ngày. Lịch một ngày làm việc của Bác được phân chia rất cụ thể, tỉ mỉ và rất khoa học: “Sáng dậy làm gì? Tiếp ai? Trong bao lâu? Đến hội nghị bao nhiêu phút...”.

Đây là một mẩu chuyện tuy ngắn nhưng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt là trong giai đoạn của đất nước ta mở cửa hội nhập quốc tế thì việc tiết kiệm tiền của và thời gian là cần phải thực hiện một cách triệt để.

Mỗi người phải không ngừng rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng; phải sống thật giản dị; không nên xa hoa lãng phí, cái gì có thể tiết kiệm được là chúng ta phải hết sức tiết kiệm; đặc biệt không tham nhũng, lãng phí tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Làm việc gì chúng ta cũng phải nghĩ đến lợi ích chung của tập thể, của cơ quan, đơn vị; phải luôn phân chia thời gian cho từng công việc cụ thể và khoa học, bên cạnh đó, chúng ta phải biết khắc phục mọi khó khăn, vận dụng một cách linh hoạt cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, có như vậy mới chủ động được trong công việc và làm được nhiều việc trong ngày và đạt hiệu quả cao.

Có thực hiện tốt những vấn đề trên thì mới trở thành một người công dân có ích cho xã hội, một người cán bộ vừa hồng vừa chuyên, hoàn thành tốt nhiệm được tổ chức phân công và góp một phần công sức nhỏ của mình nhằm xây dựng quê hương đất nước chúng ta ngày càng giàu đẹp hơn, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và đất nước chúng ta sẽ sánh vai với cường quốc năm châu mà Bác Hồ đã kỳ vọng vào thế hệ trẻ chúng ta sẽ làm được điều đó./.

Nguyễn Thị Như Yến

                                                                                    Trường Chính trị Bình Thuận


[1] Lưu Quang Huyền: Những mẩu chuyện về đạo đức tác phong của Bác Hồ, Nxb Thanh niên, 2007, trang 36.


  • |
  • 4173
  • |

Các tin khác