YẾU TỐ CẢN TRỞ LÀM HẠN CHẾ VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ

  • /
  • 20.10.2013 - 7:56

Trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành và từng bước hoàn thiện các chính sách nhằm thực hiện bình đẳng nam nữ, nhờ đó đã tạo cơ hội, điều kiện, cho phụ nữ về nhiều mặt. Tuy nhiên, những quan niệm sai lệch do lịch sử để lại đã trở thành yếu tố cản trở làm hạn chế vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Trước hết là định kiến của xã hội, tâm lý “trọng nam khinh nữ”, sinh con trai được coi trọng hơn con gái, bắt nguồn từ truyền thống xã hội nông nghiệp cần sức mạnh cơ bắp, sau đó lại được hỗ trợ bằng tư tưởng lạc hậu, nó trở thành nếp nghĩ, thói quen, lối sống ở một phận dân cư. Dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ luôn bị khép vào khuôn phép, tuân theo đạo “tam tòng, tứ đức”; trong nhiều gia đình, chức năng cơ bản nhất của người phụ nữ là phải sinh cho nhà chồng những đứa con trai để nối dõi tông đường, khi người phụ nữ là dâu cả trong gia đình hoặc là vợ của người trưởng họ thì sức ép của việc sinh con trai là đặc biệt lớn, nếu sinh được con trai sẽ góp phần quan trọng vào việc khẳng định vị thế của người phụ nữ trong gia đình và họ tộc nhà chồng.

Tư tưởng đó hiện nay còn tồn tại không chỉ trong gia đình mà ngay trong bản thân giới nữ, nhiều bà mẹ bộc lộ sự khát khao có con trai đến mức đã nạo phá bỏ những bào thai bé gái hoặc sinh đẻ nhiều lần để có con trai. Theo các nhà dân số học, tỷ lệ giới tính khi sinh khoảng 102 - 103 bé trai/100 bé gái được coi là mức cân bằng giới tính. Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ này là 113 bé trai/100 bé gái, điều đó không chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề mất cân bằng giới tính tự nhiên theo hướng thừa nam thiếu nữ, mà còn ảnh hưởng lớn đến vấn đề xã hội, mất cân đối về lực lượng lao động xã hội.         

Mặt khác, chuẩn mực “công - dung - ngôn - hạnh” bị hiểu một cách méo mó, đòi hỏi người phụ nữ đảm đương mọi công việc gia đình, phục vụ chồng con vô điều kiện. Tư tưởng đó là một định kiến còn ảnh hưởng khá phổ biến ở nước ta hiện nay, làm hạn chế việc nhận thức đầy đủ về vai trò, năng lực của phụ nữ; xã hội lấy đó làm cơ sở để phân biệt đối xử nam nữ trong cuộc sống, cho rằng phụ nữ chỉ nên tập trung tâm sức xây dựng gia đình hạnh phúc; thậm chí ở nông thôn nhiều phụ nữ vẫn chưa thực sự được quyền quyết định việc hôn nhân của mình. Trong một số cơ quan nhà nước, doanh nghiệp không muốn tiếp nhận lao động nữ vào làm việc; nhiều cán bộ lãnh đạo chưa đánh giá đúng vai trò và năng lực của phụ nữ, không chú ý đào tạo, bồi dưỡng và bố trí vào những vị trí xứng đáng; đôi khi còn khắt khe khi đánh giá làm cho phụ nữ đã mặc cảm lại càng không tin vào năng lực của mình.

Bên cạnh đó, bản thân phụ nữ vẫn còn tư tưởng tự ti, an phận, cam chịu và thụ động; một số phụ nữ có xu hướng “nhường bước” nam giới trong việc giữ những chức vụ cao trong kinh doanh và khoa học; một bộ phận khác thiếu tự tin, rụt rè, ít dám phát biểu ý kiến tranh luận với nam giới, tự cho trình độ của mình còn non kém, chấp nhận địa vị thấp hơn các đồng sự là nam giới. Điều này đã hạn chế tính độc lập sáng tạo, khả năng cống hiến của họ…

Xoá bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và bất bình đẳng nam nữ không chỉ là vấn đề kiến thức, sự hiểu biết, mà quan trọng hơn là thiện chí và trách nhiệm của cả nam giới và nữ giới trong xã hội. Việc làm đó không chỉ mang lại lợi ích cho phụ nữ, giải phóng phụ nữ khỏi những định kiến của xã hội, những phong tục, tập quán lạc hậu, những tư tưởng, hủ tục phong kiến đối với phụ nữ, những yếu tố cản trở làm hạn chế vai trò của phụ nữ; mà còn thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Khi trong xã hội những tập quán mang tính nhân văn truyền thống phát triển, tạo cơ hội ngang nhau giữa nam và nữ trong tiếp cận các nguồn lực phát triển; đánh giá công bằng sự cống hiến; hưởng thụ như nhau về lợi ích vật chất, tinh thần; trong điều kiện đó, người phụ nữ có đủ phẩm chất, năng lực và bản lĩnh thực hiện xuất sắc vai trò của mình trong gia đình và xã hội; phát huy cao độ khả năng lao động sáng tạo, phẩm chất đạo đức trong sáng của mình vào xây dựng nền văn hóa dân tộc, phát triển đất nước./.

 

                 Nguyễn Thị Thủy

                                                                                         Trường Chính trị


  • |
  • 2270
  • |

Các tin khác