Biển Đông là của chúng ta

Biển Đông là của chúng ta

Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài quốc tế (PCA) công bố phán quyết về vụ kiện giữa Philipines và Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở biển Động. Trong nhiều vấn đề mà Tòa ra phán quyết, dư luận đặc biệt quan tâm tới 2 nội dung đó là đường chín đoạn (hay còn gọi là đường lưỡi bò) và quy chế pháp lý của các cấu trúc (thường gọi là các đảo) tại quần đảo Trường Sa. PCA  khẳng định “không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn”. Còn đối với quy chế pháp lý các thực thể tại quần đảo Trường Sa, phán quyết nêu rõ “không một cấu trúc nào ở Trường Sa có khả năng duy trì đời sống con người ở đó nên không điểm nào có vùng đặc quyền kinh tế hay vùng thềm lục địa”; đồng thời PCA còn khẳng định các hành động của Trung Quốc như lấn đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo là không phù hợp với nghĩa vụ của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Các hành động này đã gây ra tác hại không thể khắc phục đối với môi trường ở biển Đông.

Như vậy, sau 3 năm hầu kiện đã mang lại kết quả xứng đáng; phần thắng thuộc về Philipines. Đây là phán quyết mang tính lịch sử tại vùng biển có nhiều tranh chấp, không chỉ các nước trong khu vực mà nói rộng hơn là của thế giới.

Hội đồng trọng tài của PCA ra phán quyết là thắng lợi của luật pháp quốc tế, của Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); đồng thời phán quyết đó cũng là tiếng nói của lương tri yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã có phản ứng trái chiều và ngang ngược đưa ra tuyên bố không tuân thủ phán quyết của PCA. Điều Trung Quốc phản ứng như vậy cũng dễ hiểu, bởi chính họ đã ngang nhiên vạch ra "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn", đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Đây là một điều mơ hồ được Trung Quốc thời Quốc dân đảng đưa ra từ thập niên 1940 của thế kỷ trước, không có cơ sở pháp lý nào có thể chấp nhận được. Năm 2009, lần đầu tiên Trung Quốc trình lên LHQ "đường lưỡi bò" và đòi các quyền đối với vùng nước trong phạm vi đường này. Tuyên bố đó của Trung Quốc đã đi ngược lại với UNCLOS 1982. 

Kể từ khi Philipines nộp đơn khởi kiện ra Tòa trọng tài quốc tế năm 2013, Trung Quốc biết mình đuối lý nên không tham gia vụ kiện. Thời gian gần đây, như biết trước phán quyết của PCA sẽ bất lợi cho mình nên ra sức nỗ lực ngoại giao, đi khắp thiên hạ để vận động các nước lên tiếng ủng hộ, nhất là các nước ở Châu Phi, nơi không có liên quan gì đến lợi ích ở biển Đông.

Việc Trung Quốc tuyên bố không tuân thủ phán quyết của PCA là hành động không thể chấp nhận, bởi chính họ là một trong những tác giải kiến tạo nên UNCLOS 1982; đồng thời họ là thành viên tham gia ký kết văn kiện đó. Hung hăng đưa ra tuyên bố như vậy là tự phủ nhận chính mình, tự gạt mình ra khỏi cộng đồng quốc tế; đặc biệt, Trung Quốc là một thành viên Thường trực của LHQ thì điều hết sức cần thiết là phải có trách nhiệm trong thực thi nghiêm minh luật pháp quốc tế. Ngược lại, cậy mình nước lớn, làm những điều trái với Hiến chương của LHQ thì tự hạ thấp uy tín của mình. Và như thế họ cứ phô trương Trung Quốc  “trổi dậy hòa bình” thì ai có thể tin được điều họ nói. Trong quan hệ quốc tế, không chỉ là vấn đề pháp lý, mà lòng tin cũng là điều có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Chính vậy xu thế hiện nay, trong chính sách đối ngoại, các nước đang ra sức xây dựng lòng tin chiến lược đề tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, lấy đối thoại thay cho đối đầu, chứ không phải phương sách ngoại giao cường quyền, nước lớn bắt nạt nước bé và mạnh được, yếu thua.

Là thành viên tham gia ký kết Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982; không phải là bên tham gia vụ kiện này nhưng trước khi PCA đưa ra công bố, Việt Nam đã bày tỏ quan điểm mong muốn một bản phán quyết khách quan, công bằng và đúng với tinh thần Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 để lấy đó làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông hiện nay. Điều mong muốn của Việt Nam cũng là mong muốn chung của các nước trong khu vực và trên thế giới có thiện chí yêu chuộng công lý và chính nghĩa. Điều đó đã trở thành hiện thực. Trung Quốc có tuân thủ phán quyết của PCA hay không là thái độ của riêng họ, song thực tế không ai có thể chối cải được rằng thiên nhiên ban tặng biển Đông cho chúng ta, cho cộng đồng các quốc gia trong khu vực và quốc tế chứ không phải là cái “ao nhà” của Trung Quốc./.  


Các tin khác