Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa VII (1994) của Đảng chính thức đưa ra định nghĩa về CNH, HĐH như sau: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội, từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến hiện đại, dựa trên sự phát triển công nghiệp và tiến bộ khoa học, công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao” [1].
Đảng ta đã xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ. Nhiệm vụ đặt ra là “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.”[2].
Có thể khẳng định công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức là đường lối đúng đắn của Đảng ta xuất phát từ thực tiễn lý luận và điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Lịch sử công nghiệp hóa thế giới cho đến nay đã trải qua hơn 200 năm, kể từ cuộc cách mạng công nghiệp ở nước Anh vào những năm 70 của thế kỷ XVIII. Cuộc cách mạng này sau đó lan rộng ra các nước Tây Âu và trở thành một trào lưu phát triển mới của thế giới. Trong điều kiện đó, công nghiệp hóa được hiểu là quá trình thay thế lao động thủ công bằng lao động sử dụng máy móc, quá trình chuyển nền kinh tế từ nông nghiệp là chủ yếu lên công nghiệp, biến một nước nông nghiệp truyền thống thành nước công nghiệp.
Đến nửa cuối thế kỷ XIX, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai được diễn ra với quy mô và thành quả lớn hơn rất nhiều so với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Trong điều kiện đó, quan niệm về công nghiệp hóa có sự thay đổi. Nó không còn đơn thuần là cơ khí hóa, mà còn được gắn với quá trình điện khí hóa, hóa học hóa và cơ giới hóa.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai (khoảng giữa thế kỷ XX), cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba được diễn ra trên thế giới với sự phát triển vượt bậc và có tính đột phá của khoa học và công nghệ. Trong bối cảnh đó, việc nhận thức phạm trù công nghiệp hóa còn được hiểu đó là quá trình tự động hóa sản xuất và phát triển các công nghệ chất lượng cao…
Từ Đại hội lần thứ III của Đảng (9/1960), Đảng ta xác định: công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm, xuyên suốt thời kỳ quá độ. Ở nước ta, tiến hành cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật phải gắn với việc chuyển giao công nghệ để trang bị kỹ thuật cho nền kinh tế quốc dân. Sự kết hợp đó tiến hành với các hình thức khác nhau: Tự nghiên cứu, tự trang bị công nghệ mới cho sản xuất; Chuyển giao công nghệ; Kết hợp giữa tự nghiên cứu và chuyển giao.
Quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam trước đổi mới chia làm hai giai đoạn: công nghiệp hóa ở miền Bắc (1960-1975) và công nghiệp hóa trên phạm vi cả nước (1975-1986). Giai đoạn này, ta tiến hành công nghiệp hóa theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Việc xác định ngành nghề mũi nhọn, then chốt của công nghiệp hóa chưa thật sự dựa trên điều kiện, hoàn cảnh của đất nước: chúng ta coi công nghiệp nặng là ngành then chốt, mũi nhọn.
Đến cuối Đại hội lần thứ V của Đảng (3/1982), Đảng ta mới xác định coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, phát triển công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến, phát triển công nghiệp nặng một cách có chọn lọc.
Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã cụ thể hóa nội dung chính của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường đầu tiên là thực hiện 3 chương trình: lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ. Như vậy, đường lối chiến lược coi công nghiệp hóa là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là không đổi, nhưng thay vì dồn sức, tập trung trực diện vào thực hiện công nghiệp hóa như trước đây, Đảng quan tâm nhiều hơn đến khâu trước tiên - tạo dựng tiền đề, cơ sở của công nghiệp hóa. Đây là sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng về công nghiệp hóa. Là điểm khởi đầu hết sức quan trọng cho quá trình đổi mới tư duy về công nghiệp hóa ở Việt Nam.
Đại hội VII của Đảng (1991), Đảng ta chủ trương công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa, thực hiện đi tắt đón đầu ở một số ngành nghề, lĩnh vực then chốt, rút ngắn khoảng cách tụt hậu của Việt Nam so với các nước. Đây cũng là bài học đút rút từ thực tiễn công nghiệp hóa của các nước trên thế giới và là kinh nghiệm của các nước công nghiệp mới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa VII của Đảng (1994) chính thức đưa ra định nghĩa về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, coi việc sử dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến là điểm cốt lõi của công nghiệp hóa nhằm tạo ra năng suất lao động xã hội cao.
Vào đầu những năm 90 thế kỷ XX, do nhận thức về vai trò quan trọng hàng đầu của sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức trong tăng trưởng kinh tế, các nhà khoa học và tổ chức thực tiễn đã sử dụng thuật ngữ “kinh tế tri thức”. Năm 2000, tổ chức APEC đã nêu quan niệm về kinh tế tri thức: “Kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó việc tạo ra, truyền bá và sử dụng tri thức là động lực chủ yếu của sự tăng trưởng, của quá trình tạo ra của cải và việc làm trong tất cả các ngành kinh tế”.
Nền kinh tế tri thức có trình độ cao hơn hẳn hai nền kinh tế trước nó là kinh tế nông nghiệp và công nghiệp. Nếu trong quá trình sản xuất của cải của nền kinh tế nông nghiệp dựa chủ yếu vào sức cơ bắp của con người và tài nguyên thiên nhiên, còn trong nền kinh tế công nghiệp tuy đã có sự trợ giúp của máy móc nhưng sức cơ bắp của con người và tài nguyên thiên nhiên vẫn giữ trọng yếu, thì trong nền kinh tế tri thức lại dựa vào phát minh, truyền bá và sử dụng tri thức. Trong nền kinh tế tri thức, tri thức là bộ phận nguồn lực quan trọng nhất, quyết định nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, mà trình độ phát triển của lực lượng sản xuất lại đóng vai trò quyết định sự phát triển xã hội.
Tại các kỳ đại hội: Đại hội IX của Đảng (2001), Đại hội X của Đảng (2006), Đại hội XI của Đảng (2011) và Đại hội XII của Đảng (2016) tiếp tục bổ sung và hoàn thiện nhận thức của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đã đưa ra quan điểm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa cụ thể là: “công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu; huy động và phân bổ có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển. Xây dựng cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động hợp lý, phát huy lợi thế so sánh, có năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cao, tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”[3].
Có thể thấy, việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức ở nước ta là một tất yếu lịch sử. Đó là con đường tất yếu của mọi quốc gia trong quá trình phát triển; Là cách thức để đất nước sớm ra khỏi tình trạng nghèo và kém phát triển; Là yêu cầu bắt buộc để tạo lập cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.
Trải qua 30 năm thực hiện đổi mới, thực tiễn đã chứng minh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu là đường lối đúng đắn của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay để vừa đảm bảo đuổi kịp sự phát triển của thời đại, rút ngắn dần khoảng cách tụt hậu về kinh tế, vừa đảm bảo chủ động hội nhập kinh tế quốc tế./.
[1] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa VII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 65.
[2] ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, H. 2016, tr.90.
[3] ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, H. 2016, tr. 90.