Tổ chức thi hành pháp luật

Xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là hoạt động cơ bản của mọi Nhà nước từ xưa đến nay. Pháp luật dù có hoàn thiện đến đâu nếu không được tổ chức thi hành thì chỉ là pháp luật trên văn bản, tổ chức thi hành pháp luật là yếu tố quan trọng phát huy vai trò, giá trị của pháp luật trong thực tiễn đời sống. 

Xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật luôn được các triều đại phong kiến ở Việt Nam quan tâm. Thời Lý, “năm 1042, Lý Thái Tông sai quan Trung Thư san định lệnh, châm chức những điều thời thế thông dụng, xếp thành môn loại, biên rõ điều mục, làm thành riêng quyển Hình thư một triều đại, để cho người xem dễ biết. Sách làm xong, chiếu ban ra cho thi hành. Dân đều lấy làm tiện”[1]. Trong các nhà nước đương đại (nhà nước tổ chức theo nguyên tắc phân quyền), xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật do các chủ thể khác nhau thực hiện. Xây dựng pháp luật (ban hành luật) do Quốc hội thực hiện, các cơ quan nắm giữ quyền hành pháp tổ chức thi hành pháp luật.

Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều quan tâm, chú trọng công tác tổ chức thi hành pháp luật. Trong các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến nay, đều quy định chức năng và nhiệm vụ về tổ chức thi hành pháp luật.

Hiến pháp năm 1946 quy định Chính phủ Việt Nam Dân chủ có nhiệm vụ thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện[2].

Hiến pháp năm 1960 quy định Hội đồng Chính phủ căn cứ vào Hiến pháp, pháp luật và pháp lệnh mà quy định những biện pháp hành chính, ban bố những nghị định, nghị quyết, chỉ thị và kiểm tra việc thi hành những nghị định, nghị quyết và chỉ thị ấy[3].

Hiến pháp năm 1980 quy định Hội đồng Bộ trưởng là Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có chức năng bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành pháp luật, thi hành Hiến pháp và pháp luật[4].

Hiến pháp năm 1992 quy định Chính phủ bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân; tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân[5].

Đến Hiến pháp năm 2013, với việc quy định Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, Hiến pháp dã quy định Chính phủ có nhiệm vụ tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước[6]; Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo việc tổ chức thi hành pháp luật[7]; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trên phạm vi toàn quốc[8].

Trong các giai đoạn, hoạt động thi hành pháp luật luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Cho đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, điều chỉnh mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, chất lượng các văn bản pháp luật ngày càng được nâng cao, tính khả thi của các văn bản pháp luật ngày càng được đảm bảo. Tuy nhiên pháp luật chỉ phát huy được vai trò trong quản lý nhà nước và xã hội khi nó được thi hành một cách đầy đủ và nghiêm minh. Hiệu quả các công tác tổ chức thi hành pháp luật như công bố, phổ biến giáo dục pháp luật, ban hành văn bản quy định chi tiết văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi, đánh giá hiệu quả tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật v.v. có ý nghĩa quyết định hiệu lực hiệu quả của văn bản pháp luật được ban hành.

Đăng Công báo, công bố, đăng tải, đưa tin văn bản quy phạm pháp luật. Đây là hoạt động đầu tiên, rất quan trọng nhằm truyền tải đến các chủ thể các thông tin và nội dung của văn bản quy phạm pháp luật. Công bố văn bản quy phạm pháp luật là để đảm bảo tính công khai, minh bạch của pháp luật đồng thời đảm bảo quyền bình đẳng của mọi chủ thể trước pháp luật. Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan ở trung ương phải được đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải được đăng Công báo cấp tỉnh. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phải được niêm yết công khai và phải được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương[9]. So với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (gọi tắt là Luật năm 2008), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (gọi tắt là Luật năm 2015) không quy định “văn bản quy phạm pháp luật không đăng công báo thì không có hiệu lực thi hành”[10], trách nhiệm đăng Công báo văn bản quy phạm pháp luật được quy định rõ tại khoản 4 điều 150 Luật năm 2015, việc không đăng Công báo hoặc đăng Công báo chậm không thể coi là căn cứ phủ nhận hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, Luật năm 2015 còn quy định về việc đăng tải văn bản quy phạm pháp luật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật có giá trị sử dụng chính thức. Đăng công báo, công bố, đăng tải, đưa tin văn bản quy phạm pháp luật là quy định văn minh, tiến bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch của pháp luật và quyền tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật của các chủ thể trong xã hội.

Phổ biến, giáo dục văn bản quy phạm pháp luật. Phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm truyền tải nội dung của văn bản pháp luật đến các đối tượng. Phổ biến, giáo dục pháp luật giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, góp phần nâng cao sự hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật từ đó nâng cao hiệu quả thi hành của pháp luật.

Trong thời gian qua, nhiều văn bản, đề án, kế hoạch triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã được ban hành như Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010, Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012, Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Đặc biệt, ngày 20/06/2012 Quốc hội đã ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thực tiễn công tác tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong những năm qua tại Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhìn chung các đơn vị đã xác định các nội dung trọng tâm cần phổ biến, bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội tại địa phương, các văn bản pháp luật mới ban hành được triển khai kịp thời. Cụ thể:

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tổ chức các buổi sinh hoạt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo ở các địa phương, đơn vị. Trong đó, tập trung vào tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật về biển, đảo của Việt Nam và quốc tế; cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy, công tác đấu tranh, tố giác hành vi buôn lậu ma túy trên biển; nhiệm vụ phối hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc giữa các lực lượng vũ trang và ngư dân trên biển và bảo vệ tài nguyên biển.

Sở Tư pháp Bình Thuận đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự...

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã xây dựng nhiều chuyên mục với nhiều hình thức khác nhau nhằm mang đến cho bạn nghe và xem đài những cách tiếp cận mới phong phú và đa dạng về pháp luật.

Các cấp Hội Cựu chiến binh trong tỉnh đã tổ chức được 103 buổi tuyên truyền pháp luật cho trên 21.047 lượt cán bộ, hội viên, cựu quân nhân tham gia. Ban Dân tộc đã phối hợp tổ chức 09 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại 09 xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số với 450 lượt người tham dự. Hội Nông dân tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật 969 cuộc với 115.313 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự. Hội Luật gia tỉnh và Hội Luật gia các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp tổ chức các cuộc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật cho 300.490 lượt người tham dự…

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở cho 10/10 huyện, thị xã, thành phố với 830 đại biểu là hòa giải viên của 714 tổ hòa giải và đại diện lãnh đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2013 - 2016” v.v.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn như có lúc còn hoạt động rời rạc, thiếu tập trung, chưa chủ động trong xây dựng kế hoạch thực hiện các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật; một số thành viên chưa phát huy hết năng lực, trách nhiệm.

Các giải pháp được đề ra để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới trước mắt trong năm 2017 bao gồm:

Thứ nhất, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền miệng về pháp luật của đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên các cấp, ngành tư pháp cần tổ chức nhiều lớp tập huấn để nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Thứ hai, Ban Tuyên giáo các cấp, Mặt trận, các tổ chức chính trị- xã hội và các cơ quan báo chí cần tiến hành thường xuyên công tác tuyên truyền, đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, nhân dân; đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, 07 dự án luật được Quốc hội (khóa XIII) thông qua tại kỳ họp lần thứ 11 và các văn bản pháp luật của nước ta, quốc tế về biển, đảo v.v. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thứ ba, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần đổi mới phù hợp với từng đối tượng; đồng thời đổi mới các hình thức để phổ biến về pháp luật trong các lĩnh vực đang được nhân dân quan tâm; lồng ghép nội dung phổ biến giáo dục pháp luật với các hoạt động sinh hoạt văn hóa, chính trị ở địa phương.

Thứ tư, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời và phân công cụ thể của các ngành liên quan đến công tác tuyên truyền.

Ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ trong việc thực hiện chức năng hành pháp, vừa đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Luật năm 2008 quy định văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi văn bản đó có hiệu lực thì thi hành được ngay, trường hợp trong văn bản có điều, khoản mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, những vấn đề chưa có tính ổn định cao thì ngay tại điều, khoản đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết, văn bản quy định chi tiết phải quy định cụ thể, không lặp lại quy định của văn bản được quy định chi tiết và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết. Trường hợp một cơ quan được giao quy định chi tiết về nhiều nội dung của một văn bản quy phạm pháp luật thì ban hành một văn bản để quy định chi tiết các nội dung đó, trừ trường hợp cần phải quy định trong các văn bản khác nhau. Trường hợp một cơ quan được giao quy định chi tiết các nội dung ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau thì có thể ban hành một văn bản để quy định chi tiết[11]. Để nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cũng như khắc phục tình trạng nợ, đọng văn bản quy định chi tiết, Luật năm 2015 bổ sung một số quy định mới như:

- Khoản 1 Điều 11 quy định: “Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh”.

- Khoản 6 Điều 7 quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết.

- Bỏ sung mục 1 Chương V quy định việc lập danh mục văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và ban hành danh mục văn bản quy định chi tiết. Bộ tư pháp theo dõi, đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết, định kỳ hàng quý và hàng namwbaos cáo Chính phủ. Đáp ứng những đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có những chuyển biến rõ rệt. Chất lượng văn bản được nâng lên, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của văn bản. Tình trạng văn bản có nội dung bức xúc dư luận được hạn chế.

Theo dõi, đánh giá hiệu quả, tình hình thi hành văn bản áp dụng pháp luật. Theo dõi, đánh giá tình hình thi hành cả hệ thống pháp luật là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan nhà nước khác. Tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật này đòi hỏi phải triển khai hoạt động khác nhau với sự phối hợp giữa cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan nhà nước khác với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã hội. Ngày 06/7/2016, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 20/2016/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh. Quy chế này quy định về nội dung, hình thức, nguyên tắc và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, góp phần giải quyết những vướng mắc, khó khăn do thiếu các quy định có hiệu lực pháp lý cao về trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa cơ quan hành chính nhà nước với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã hội.

Những thành tựu trong công tác xây dựng pháp luật góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, pháp luật chỉ thực sự phát huy được vai trò của mình khi pháp luật được thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm minh. Hiệu quả hoạt động thi hành pháp luật có ý nghĩa quyết định hiệu quả, hiệu lực pháp luật./.

 


[1] Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Tập 1, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội 1960, tr. 269-270.

[2] Điểm a Điều thứ 52 Hiến pháp năm 1946.

[3] Điều 73 Hiến pháp năm 1960.

[4] Khoản 1 Điều 107 Hiến pháp năm 1980.

[5] Khoản 2 Điều 112 Hiến pháp năm 1992.

[6] Khoản 1 Điều 96 Hiến pháp năm 2013.

[7] Khoản 1 Điều 98 Hiến pháp năm 2013.

[8] Khoản 1 Điều 99 Hiến pháp năm 2013.

[9] Điều 150 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

[10] Khoản 2 Điều 78 LBHVBQPPL năm 2008.

[11] Điều 8 Luật BHVBQPPL 2008


Các tin khác