Ký ức tháng Tư

Tôi may mắn sinh ra và lớn lên khi quê hương sạch bóng quân thù, cảm nhận về chiến tranh, về nổi khổ đau mất mát còn mờ nhạt. Nói thì như vậy, nhưng thực chất tôi sinh ra trong chiến khu Lê, vừa mở mắt chào đời là lửa đạn của chiến tranh đã bao phủ, nhưng vì còn quá nhỏ nên chưa cảm nhận được những mất mát, đau thương do kẻ thù gây ra.

Cho đến khi đất nước thống nhất, tôi được nghe kể về một thời gian khổ, hào hùng của quân và dân chiến khu Lê trong đó có cha, mẹ tôi những người thoát ly tham gia kháng chiến. Mãi đến khi lớn lên, tận mắt chứng kiến những con em bị ảnh hưởng chất độc dioxin tàn phá, khi ấy tôi mói hiểu được sự mất mát đau thương do chiến tranh để lại. Thông qua những câu chuyện mà mẹ tôi và những đồng đội của mình mỗi lần gặp nhau thường ôn lại những kỷ niệm khó quên trong kháng chiến. Những câu chuyện kể ra trong thời bình nghe rất bình dị nhưng đó là sự hy sinh hết sức lớn lao của những người trong cuộc, trong đó có chuyện gửi tôi về cơ sở nhờ người nuôi dưỡng.

Việc gửi tôi về cơ sở nuôi dưỡng bắt đầu từ những trận càn của địch ngày càng nhiều hơn, có những lần địch đi vào gần nơi đóng quân của ta, mọi người đều lo lắng nếu lúc đó tôi bật khóc, căn cứ đóng quân sẽ bại lộ, và tổn thất sẽ không hề nhỏ. Chính vì vậy, giữa tập thể và cá nhân buộc mẹ tôi phải lựa chọn chấp nhận xa con vì cái lớn hơn là độc lập dân tộc, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Việc móc nối với cơ sở để mang tôi về gửi cũng hết sức vất vả, cứ mỗi lần nghe cơ sở báo tin có tình hình bình yên có thể mang tôi về gửi được. Mẹ tôi lại chuẩn bị mọi thứ để bồng tôi vào cơ sở với một tâm trạng buồn vui lẫn lộn, buồn vì sắp xa con không biết đến ngày nào gặp lại, vui vì con mình được bình yên không phải đối mặt với đạn bom nữa. Cứ mỗi lần đột ấp không thành vì gần đến nơi được báo tin địch phục kích, phải bồng tôi trở về lại chiến khu nhưng mẹ lại rất vui vì được gần con thêm vài ngày nữa, buồn vì con mình phải đối mặt với khó khăn gian khổ và thậm chí sẽ hy sinh để bảo toàn bí mật nơi đóng quân. Phải năm, sáu lần móc nối đi và về như thế tôi mới gửi được cho người nuôi dưỡng tôi. Chiến tranh, ngay cái quyền tối thiểu nhất được nuôi dưỡng con mình, được gần gũi dạy dỗ con nên người cũng không có được, người mẹ phải nuốt nước mắt, hy sinh quyền làm mẹ thiêng liêng để góp sức vào giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Nói đến truyền thồng thống đấu tranh anh dũng của quân và dân Bắc Bình, không thể không nhắc đến chiến khu Lê một thời anh dũng, kiên cường chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nhưng với tinh thần bất khuất, kiên cường không chịu lùi bước trước các thế lực ngoại xâm, và đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, được Đảng bộ huyện Bắc Bình cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn cụ thể giúp cho quân và dân ta có những thắng lợi hết sức vẻ vang. Nói về một thời chiến tranh gian khổ của ông cha, tôi chỉ hiểu qua những câu chuyện, những tác phẩm, những hồi ký và những trang sử hào hùng của huyện nhà.  Nhất là qua đọc truyện ký “Dưới những cánh rừng ô rô” của nhà văn Nam Hà, tôi càng nhận thức sâu sắc hơn về sự tàn ác của chiến tranh, sự gian khổ ác liệt trong chiến tranh, nhưng cũng đầy sáng tạo của những cán bộ, chiến sĩ kiên trung. Khi chúng ta bám trụ ở khu Lê, điều lo nhất của quân và dân ta là nước sinh hoạt, hiểu được điều đó nên bọn Mỹ, ngụy thường xuyên phục kích ở bàu Ông và bàu Bà, đợi chiến sĩ ta ra lấy nước để tiêu diệt. Mặc dù trước khi đi chúng ta đều trinh sát trước, nhưng nhiều lúc cũng phải đổi bằng máu của các chiến sĩ. Chính vì vậy, cán bộ và chiến sĩ của chúng ta đã nghĩ ra một kiểu tắm vô cùng độc đáo, đó là tắm lửa và tắm sương, tắm lửa là dùng hơi nóng của lửa để toát mồ hôi, rồi dùng chính mồ hôi của mình để sạch những vết bẩn, còn tắm sương thì đợi đến khuya khi sương xuống nhiều thì rung cây để hứng những giọt sương cho ướt thân mình để tắm. Chỉ bao nhiêu đó thôi đã nói lên ý chí kiên cường và sáng tạo cúa quân và dân ta, rồi con dông khu Lê chính là thức ăn giúp cán bộ chiến sĩ ta vượt qua những ngày gian khổ.

Hòa vào chiến thắng của đất nước, huyện Bắc Bình đã bắt tay vào xây dựng quê hương mới, chiến khu Lê không còn gian khổ như xưa, đời sống người dân đã từng bước khởi sắc, nhất là hệ thống nước tưới tiêu làm cho nông nghiệp phát triển, du lịch cũng là một bước phát triển mới của vùng đất đầy cát và gió, rồi các dự án du lịch, điện mặt trời thu hút các nhà đầu tư làm cho chiến khu Lê ngày càng sôi động. Tuy nhiên, để Bắc Bình thật sự phát triển vững mạnh, cần tập trung vào hai mũi nhọn là nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. Ở lĩnh vực nông nghiệp tạo môi trường thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư, đối với du lịch cần khôi phục lại rừng ô rô - vừa giáo dục truyền thống, vừa phát triển du lịch bằng chính những sáng tạo của chiến sĩ ta là tắm lửa và tắm sương. Con dông khu Lê từng là đặc sản một thời, bây giờ cần thả tự nhiên trong rừng ô rô khi chúng ta khôi phục, khi du khách tham quan và thưởng thức con dông của khu Lê chính là những điểm nhấn giúp du lịch phát triển, góp phần vào xây dựng quê hương Bắc Bình ngày càng giàu đẹp hơn./.


Các tin khác