ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN VÀ ĐỀN ĐÁP CÔNG LAO CỦA CÁC ANH HÙNG, LIỆT SỸ

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/72023) là dịp để cả dân tộc Việt Nam thành kính tưởng nhớ, tri ân bao lớp người đã ngã xuống, hy sinh xương máu cho nền độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân; cũng là dịp để mỗi người tự nhắc nhở chính mình phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả ấy.

Hằng năm, cứ đến những ngày tháng 7, cả dân tộc Việt Nam lại dâng lên niềm xúc động, lòng thành kính, biết ơn vô hạn, kính cẩn nghiêng mình, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã cống hiến, hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở toàn Ðảng, toàn dân ta: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt”(1). “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”(2). “Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”(3).

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tôn vinh, đền đáp sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Thời gian qua, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành và thực hiện đồng bộ, toàn diện; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, từng bước nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng. Theo đó các chế độ ưu đãi được thực hiện đa dạng gồm trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác như: hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế. Người có công tùy từng đối tượng có các chính sách chăm sóc đặc thù như: Chính sách trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình… và được chăm sóc với nhiều hình thức đa dạng như tại gia đình, cộng đồng, các cơ sở y tế và các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng các tổ chức, cá nhân, cộng đồng chung tay xây dựng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được đẩy mạnh. Năm 2022, cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 công trình ghi công liệt sĩ(4). Các địa phương đều chú trọng việc tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, bảo đảm bền vững, trang trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về việc tôn vinh và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ; đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng.

Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 4.900 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 61.600 sổ với tổng kinh phí là hơn 113,7 tỷ đồng. Xây dựng mới hơn 36.400 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 24.000 nhà tình nghĩa trị giá gần 2.140 tỷ đồng. Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng; tính đến tháng 12/2021 cả nước có 3.736/139.882 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng(5). Trong các dịp lễ, Tết, kỷ niệm ngày 27/7 hằng năm, ngoài quà của Chủ tịch nước, ở tất cả các địa phương đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách.   

Các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội; coi đó là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân. Các phong trào đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực bằng những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình; vun đắp, tô thắm truyền thống nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam; góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội của mỗi người Việt Nam.

Trong trái tim mỗi người Việt Nam mãi mãi khắc ghi công ơn, sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; mãi mãi ghi nhớ, tự hào về ý chí quật cường của các thế hệ cha ông đã viết nên những bản hùng ca “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là tình cảm sâu nặng, rất đỗi thiêng liêng, là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy ý chí tự lực, tự cường, thực hiện thắng lợi khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trước đây, khát vọng Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc chính là lẽ sống, lý tưởng phấn đấu, hy sinh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã kiên định thực hiện. Chính lý tưởng, lẽ sống ấy và niềm tin mãnh liệt được sống trong một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất đã trở thành động lực tinh thần to lớn để các thế hệ đi trước sẵn sàng xả thân vì nước, vì dân, làm nên bao thắng lợi vẻ vang. Ngày nay, phát huy ý chí tự lực, tự cường, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc phải trở thành lẽ sống, lý tưởng phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; để rồi mỗi người tuỳ vào vị trí, nhiệm vụ của mình sẽ xác định, thực hiện những việc làm cụ thể để góp phần thực hiện thắng lợi khát vọng cao đẹp ấy. Làm được điều đó cũng chính là cách thiết thực để tiếp nối sự nghiệp cách mạng, đền đáp công ơn của bao lớp người đi trước.

Đối với đội ngũ viên chức Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận, mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7) lại là một dịp nhắc nhở mỗi viên chức sống và làm việc sao cho xứng đáng với những truyền thống tốt đẹp và sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước. Để phát huy ý chí tự lực, tự cường, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, mỗi viên chức cần  quyết tâm thực hiện ý chí ngày càng hoàn thiện bản thân về mọi mặt, thực hiện tốt nhiệm vụ theo từng cương vị công tác, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường, giữ vững và phát huy những thành tích, truyền thống tốt đẹp của nhà trường, xây dựng Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận ngày càng phát triển vững mạnh, sớm đạt trường chính trị chuẩn.

Mỗi viên chức cần thể hiện tinh thần cầu tiến, vươn lên về mọi mặt: chủ động, tích cực học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, các kỹ năng cần thiết theo mỗi cương vị công tác để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Chủ động, quyết tâm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của bản thân; đồng thời cố gắng phát huy ưu điểm, năng lực, sở trường để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Bên cạnh đó, việc phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phát huy tinh thần dân chủ trong tham gia góp ý xây dựng nhà trường, xây dựng phòng, khoa, tổ chức đảng, đoàn thể mà mình là thành viên chính là sự thể hiện trách nhiệm của mỗi viên chức đối với nhà trường. Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, mỗi viên chức cần có kế hoạch cụ thể của cá nhân, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, sắp xếp thời gian khoa học để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ, đạt chất lượng, phấn đấu vượt tiến độ và ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu gặp phải khó khăn, vướng mắc, bản thân mỗi viên chức cần chủ động, kịp thời trình bày, đề xuất với lãnh đạo hoặc tập thể để kịp thời có phương án giải quyết. 

Để tham gia góp ý xây dựng nhà trường, xây dựng phòng, khoa, tổ chức đảng, đoàn thể, trước hết, mỗi viên chức phải đề cao tinh thần xây dựng tập thể; chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của nhà trường, của phòng, khoa, đoàn thể, từ đó chủ động đề đạt nguyện vọng, kịp thời đề xuất những ý tưởng, sáng kiến để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị, tổ chức. Đối với những hạn chế, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, quản lý, cần thẳng thắn góp ý đúng lúc, đúng chỗ, thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn.

Nhận thức rõ những truyền thống tốt đẹp của nhà trường, đặc biệt là sức mạnh của truyền thống đoàn kết thống nhất, mỗi viên chức có trách nhiệm giữ gìn, nêu cao tinh thần đoàn kết nội bộ; luôn tâm niệm, việc giữ vững, phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất chính là vinh dự và là trách nhiệm của mình, cương quyết chống chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện, giữ gìn đạo đức cách mạng, giữ gìn những phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo.

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/72023) là dịp để cả dân tộc Việt Nam thành kính tưởng nhớ, tri ân bao lớp người đã ngã xuống, hy sinh xương máu cho nền độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân; cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tự nhắc nhở mình phải thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm cụ thể, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, tiếp nối sự nghiệp cách mạng của các thế hệ đi trước./.


(1) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.5, tr.204, 579.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.401.         

(4) (5) Ban Tuyên giáo Trung ương: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2022)


Các tin khác