Tin mới nhất

Vận dụng NQ số 10-NQ/TW của BCH TW Đảng khóa XII về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” trong việc phát triển kinh tế tư nhân tại tỉnh Bình Thuận

Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân", kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 14-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và đến nay, ở các địa phương của cả nước, trong đó có tỉnh Bình Thuận đã quán triệt sâu kỹ Nghị quyết số 10-NQ/TW và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh. Vậy thì, các cấp, các sở, ban, ngành trong tỉnh đã vận dụng Nghị quyết số 10-NQ/TW đối với sự phát triển kinh tế tư nhân ở tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua và thời gian sắp tới như thế nào?

Thực trạng phát triển kinh tế tư nhân ở tỉnh Bình Thuận

Thứ nhât, kinh tế tư nhân của tỉnh Bình Thuận phát triển khá nhanh. Năm 2015, toàn tỉnh có 2.765 doanh nghiệp ngoài nhà nước, tăng 46,4% so với năm 2010; tổng vốn kinh doanh 5.372 tỷ đồng, tăng 87,7%; với 56.200 lao động, tăng 25,4%; doanh thu 36.500 tỷ đồng, tăng 66%, nộp ngân sách 967 tỷ đồng, tăng 40,5% so với năm 2010.  Hiện nay, toàn tỉnh có 3.151 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động và trên 55.440 cơ sở kinh doanh cá thể, trong đó, quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 97%, số doanh nghiệp kinh doanh có lãi khoảng 57%. Với việc hàng năm đóng góp 67% GDP, cho thấy kinh tế tư nhân đang là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế tỉnh Bình Thuận phát triển trong những năm qua.

Thứ hai, UBND tỉnh Bình Thuận luôn thực hiện nhất quán theo cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương, chủ trương chung là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Một số chính sách đang áp dụng cho đầu tư tại Bình Thuận như: Đối với tiền thuê đất, thuê mặt nước: Đơn giá thuê đất, thuê mặt nước của mỗi dự án được xác định theo quy định tại Nghị định 44/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về quy định giá đất, Nghị định 46/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Đơn giá thuê đất này được ổn định trong 5 năm do UBND tỉnh Bình Thuận ban hành làm căn cứ tính toán tiền thuê đất; Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước: Thực hiện theo Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Về Ưu đãi về thuế: Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp. Thực hiện theo Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài việc được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu theo quy định của Trung ương, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư vào trong các khu, cụm công nghiệp: Chính sách hỗ trợ về lãi vay thực hiện dự án. Hỗ trợ 100% lãi suất cho vay với mức vốn vay được hỗ trợ tối đa là 20 tỷ đồng cho một doanh nghiệp, thời hạn hỗ trợ là 3 năm từ khi được ngân hàng chấp nhận bằng khế ước cho vay. Chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN -  miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Hỗ trợ một phần tiền lãi vay ngân hàng tùy thuộc vào tính chất, mục tiêu của dự án nhưng mức hỗ trợ không quá 30% tiền lãi vay ngân hàng để đầu tư dự án xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân; Áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng (VAT) theo quy định của pháp luật về thuế VAT. Được miễn, giảm và hưởng các ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Mặc dù UBND tỉnh Bình Thuận đã tạo nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư, tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tư nhân trong tỉnh vẫn còn những bất cập: xuất  phát điểm phát triển và năng lực nội tại của kinh tế tư nhân nhìn chung còn thấp; chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn yếu kém; chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. Tình trạng vi phạm pháp luật, gian lận thượng mại, trốn thuế, nợ thuế, cạnh tranh không lành mạnh, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm,… diễn biến phức tạp, có nơi, có lúc rất nghiêm trọng.

Vì vậy, để khắc phục các hạn chế nêu trên, các cấp, các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Thuận cần thực hiện các giải pháp sau:

Giải pháp thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân ở tỉnh Bình Thuận

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Chương trình hành động này để cả hệ thống chính trị va tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh thống nhất nhận thức, tư tưởng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, từ đó ra sức thực hiện nghị quyết đạt kết quả trong thời gian tới.

Thứ hai, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển kinh tế tư nhân.

Góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô: Thực hiện tốt Chương trình hành động số 32-Ctr/TU ngày 30/8/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện tốt cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường: triển khai thực hiện đầy đủ và nghiêm minh quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn pháp luật không cấm và các cơ chế chính sách, giải pháp của Chính phủ và tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp,...như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 04/2017/QH14, ngày 12/6/2017.

Mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng: triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, củng cố và khai thác hiệu quả các trường xuất khẩu truyền thống  hiện có, trong đó tập trung chỉ đạo, triển khai các kế hoạch: (1) Về triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020; (2) Về triển khai các hoạt động mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm và hàng hóa của tỉnh, đặc biệt là mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long trong và ngoài nước; (3) Về triển khai thực hiện Đề án phát triển các thị trường trong khu vực thời kỳ 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Phát triển kết cấu hạ tầng: triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 23/8/2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2020.

Tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực: thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên và môi trường, xây dựng, đăng ký kinh doanh, đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan; phát triển đa dạng các định chế tài chính, các quỹ đầu tư, các quỹ bảo lãnh tín dụng, các tổ chức tư vấn tài chính,...; chú trọng công tác cập nhật thông tin và công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, văn bản pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách của trung ương và tỉnh để tao điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận khai thác và sử dụng.

Thứ ba, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.

Khuyến khích kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động.

Triển khai hiệu quả các quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ số 04/2017/QH14, ngày 12/6/2017.

Đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân lực cho phát triển kinh tế tư nhân.

Phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh ngày càng vững mạnh. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề.

Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính nhà nước theo Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh đưa vào hoạt động trong năm 2017; đồng thời kiện toàn, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp có liên quan trong hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch,…). Xây dựng các chuyên mục Hỏi - Đáp, công khai số điện thoại đường dây nóng trên Cổng/Trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, trả lời kịp thời các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Công khai quy trình xử lý hồ sơ, đẩy mạnh thanh tra công vụ, tăng cường công tác phối hợp giải quyết hồ sơ, thủ tục giữa các sở, ngành của tỉnh với các địa phương.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi, thông thoáng hơn trong hoạt động thu hút nhà đầu tư.

Thứ năm, đổi mới nội dung, phương hướng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp đối với kinh tế tư nhân.

Bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế tư nhân trên cơ sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở. Các cấp ủy lãnh đạo thực hiện có hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong phát triển kinh tế tư nhân.

Chúng ta tin rằng, trong thời gian tới, nhờ sự quan tâm thiết thực, sự đồng hành hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị cùng với năng lực nội sinh rất lớn, sự đồng lòng chung sức của doanh nhân, doanh nghiệp, kinh tế tư nhân sẽ phát huy vai trò, vị thế, tiềm năng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số