Tin mới nhất

Đội dân phòng nữ khu phố Chăm

Điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, chế độ phụ cấp thấp, nhưng với tinh thần vì cộng đồng, các thành viên trong đội nữ dân phòng khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh luôn duy trì tốt công tác tuần tra, canh gác, góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn khu phố.

Khu phố Chăm là khu phố thuần đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gồm nhiều dân tộc như: Chăm, Raglai, Chơ - ro (chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm, theo tôn giáo Bà ni); tổng số: 304 hộ/2012 khẩu. Tình hình an ninh trật tự phức tạp chủ yếu là mâu thuẫn sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng trong nội bộ chức sắc Chăm; đồng thời tại đây nổi lên nhiều đối tượng thường xuyên ăn nhậu khuya gây mất trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, chạy xe lạng lách, đối tượng mãn hạn tù và đối tượng nghiện ma túy diễn biến phức tạp. Để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu phố Chăm; đồng thời, góp phần duy trì và thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đầu năm 2016 Ủy ban nhân dân huyện thống nhất cho UBND thị trấn Lạc Tánh thành lập Đội Dân phòng nữ tại khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh. Đây là mô hình mới, được tổ chức thí điểm; bước đầu thành lập, đội có 10 thành viên nữ, 100% các chị em là dân tộc Chăm. Mặc dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các chị rất có tâm huyết giữ vững tình hình ANTT trên địa bàn thôn xóm.

Lễ ra mắt Đội Dân phòng nữ khu phố chăm

Ít ai nghĩ rằng những phụ nữ chân yếu tay mềm, từ chị nội trợ, đến làm nương, làm rẫy lại cùng nhau hoạt động trong Đội Dân phòng nữ khu phố Chăm. Như trường hợp chị Thông Thị Kim Thảo đội trưởng; hoàn cảnh gia đình chị khó khăn, cuộc sống hàng ngày của cả gia đình đều dựa vào thu nhập từ 500.000 trụ Thanh Long; khó khăn là vậy, nhưng chị Thảo vẫn cố gắng sắp xếp công việc gia đình để tham gia công tác của đội. Chị Thảo tâm sự: “Hàng ngày, chiều đi làm về là chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào công việc bếp núc. Dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước cho chồng con xong là tối đến để đi tuần tra cùng các chị em. Công việc tuy có bận rộn, vất vả nhưng chúng tôi cảm thấy rất vui, vì được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho xã hội”.

Theo chị Thảo nhiều người vẫn cho rằng: Dân tộc Chăm theo chế độ mẫu hệ, vai trò người phụ nữ mang tính quyết định trong đời sống sinh hoạt, kinh tế, xã hội; tuy nhiên thuở ban đầu kêu gọi chị em tham gia không phải là dễ dàng; bởi vì, nhiều chị không được gia đình ủng hộ và cho rằng chị em đi làm công việc này rất nguy hiểm, việc này của nam giới…, nhưng bằng sự dịu dàng, mềm dẻo, kiên trì các chị đã thuyết phục được gia đình từ chổ không đồng ý, chuyển sang ủng hộ, động viên, chia sẽ, hổ trợ; đó chính là động lực để các chị tự nguyện tham gia và hoàn thành nhiệm vụ, các chị đều có tâm nguyện “Dù có bị thương cũng chấp nhận”, đây là điều rất trân quý.

Hơn 01 năm đi vào hoạt động, Đội Dân phòng nữ khu phố Chăm không chỉ tuần tra mà các chị trong đội còn là những nhà tâm lý giúp hòa giải khuyên can, giáo dục được nhiều trường hợp uống rượu có hành vi bạo lực gia đình, dần dần tiến bộ, phối hợp với khu phố hòa giải 02 vụ vợ chồng ly hôn thành công; đồng thời, tổ đã hòa giải thành công vụ nhà chị Thông Thị Hường rào đường không cho nhà chị Thông Thị Lực đi lại 01 năm; Các chị cũng giúp cảm hóa hàng chục thanh thiếu niên hư, chậm tiến; giải tán nhiều nhóm thanh thiếu niên trên địa bàn tụ tập ăn nhậu vượt giờ giới nghiêm. Phối hợp cùng lực lượng công an tổ chức hơn 24 cuộc tuần tra sau 20 giờ; cung cấp cho công an nhiều nguồn tin có giá trị…

Chị Thông Thị Kim Thảo cho biết: “100% chị em trong đội dân phòng nữ là người dân tộc chăm có hoàn cảnh khó khăn, các chị đều là trụ cột trong gia đình. Để đạt được những kết quả đó, các chị em đã hy sinh rất nhiều. Hiện nay, các chị rất vui và phấn khởi được xét hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương, Tổ trưởng: 450.000đ người/tháng, Tổ phó: 400.000đ người/tháng; các đội viên viên còn lại: 300.000đ người/tháng và được cấp bảo hiểm y tế, ốm đau, khó khăn, tai nạn; mặc khác, các chị đã được hỗ trợ đèn Pin, sổ công tác và trang bị mũ, quần áo. Tuy nhiên, để giúp các chị yên tâm công tác đề nghị lãnh đạo cấp trên xem xét cho các chị được huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ do Công an mở lớp huấn luyện võ thuật, kỹ năng xử lý tình huống, cấp tài liệu pháp luật và hỗ trợ các công cụ khác”.

Có thể nói, sự ra đời của Đội Dân phòng nữ khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh đã góp phần rất lớn trong việc giữ gìn ANTT, an toàn xã hội trên địa bàn trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới. Đây cũng là mô hình mới trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, khu phố tự quản không có tệ nạn xã hội. Những đóng góp bước đầu của đội nữ dân phòng cho thấy, mô hình này cần được đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai, nhân rộng tại các địa phương khác./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số