Tin mới nhất

Việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công ở Bình Thuận trong giai đoạn hiện nay

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công không chỉ là đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này, 70 năm qua, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã không ngừng hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Các địa phương, các cơ quan ban ngành trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công (NCC) và thân nhân của họ. Tuyên truyền sâu rộng và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách ưu đãi NCC với cách mạng. Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, NCC”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống, tinh thần của NCC với cách mạng và thân nhân của họ.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành các văn bản về chính sách người có công với cách mạng, như: Chỉ thị số 21-CT/TU (khóa XI) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, ngày 01/02/2007 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” trên tinh thần Chỉ thị số 07-CT/TW (khóa X) ngày 14/12/2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, Ủy ban nhân dân Tỉnh bình Thuận cũng đã ra Quyết định số 2305/QĐ-UBND ngày 26/9/2013 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch số 2137/KH-UBND, ngày 02/7/2015 yêu cầu các địa phương, các cơ quan ban, ngành trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công (NCC) và thân nhân của họ; UBND tỉnh Bình Thuận ban hành văn bản số 595/UBND-VXDL, ngày 02/3/2016 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thành lập “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh.

Tiếp đó., vào ngày 17/6/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2121/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh - liệt si (27/7/1947 - 27/7/2016) hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017); theo đó, UBND tỉnh đề nghị các ngành chức năng tăng cường hơn nữa việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng một cách đầy đủ và kịp thời; tiếp tục phát động và thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội đóng góp, chăm lo cải thiện đời sống người có công với cách mạng.

1. Một số kết quả trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có gần 4.000 đối tượng là người có công với cách mạng hưởng trợ cấp theo quy định. Với trách nhiệm và tình cảm đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng, các cơ quan chức năng đã tích cực, khẩn trương rà soát, bổ sung các hồ sơ đề nghị thực hiện chính sách cho các đối tượng còn tồn đọng. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã hoàn thành việc điều chỉnh trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; trợ cấp người phục vụ Bà mẹ VNAH; Quyết định trợ cấp cho người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày đã hưởng trợ cấp một lần chuyển sang hưởng trợ cấp hàng tháng; điều chỉnh trợ cấp cho thân nhân 02 liệt sĩ, 03 liệt sĩ trở lên theo quy định mới tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn thi hành. Có hơn 9.000 trường hợp là thân nhân liệt sỹ hưởng trợ cấp tiền thờ cúng liệt sỹ hàng năm; đã thẩm tra hồ sơ và quyết định công nhận, trợ cấp cho 1.000 người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, người có công giúp đỡ cách mạng, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thương binh, bệnh, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, Mẹ VNAH[1].

Về vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa,  giai đoạn 2011-2015, vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 33.528/30.000 triệu đồng, đạt 111,8% kế hoạch. Riêng năm 2016, vận động được 7,292 tỷ đồng, đạt 121,53% kế hoạch năm (trong đó: Quỹ cấp Tỉnh được 1,546 tỷ đồng, đạt  103,1%) và vượt 0,8% so với năm 2015).

Về phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 1.028 trường hợp (121 phong tặng, 907 truy tặng) công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Riêng năm 2016, tỉnh hoàn chỉnh trình 139 trường hợp đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 76 trường hợp đã có Quyết định của Chủ tịch Nước; Ngoài ra, Sở Lao động - TB&XH của tỉnh còn đề nghị Bộ Lao động - TB&XH trình cấp lại 491 Bằng Tổ quốc ghi công bị hư hỏng, mục nát[2].

Về hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở người có công,  việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở người có công theo Quyết định số 2305/QĐ-UBND ngày 26/9/2013 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” từ nguồn kinh phí của địa phương (Trung ương chưa cấp kinh phí cho tỉnh). Giai đoạn 2011-2015, có 2.182 gia đình người có công đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Riêng năm 2016,  Ngân hàng TMCP Công thương – chi nhánh Bình Thuận triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình chính sách người có công với cách mạng 10 tỷ đồng[3].

Về tổ chức cho người có công với cách mạng đi tham quan và đi an dưỡng, giai đoạn 2011-2015, có 800 người có công với cách mạng đi tham quan Thủ đô Hà Nội và viếng Lăng Bác Hồ và 2.800 người có công đi điều dưỡng tập trung. Riêng năm 2016, tỉnh đã tổ chức đưa 159 người có công đi tham quan Hà Nội, viếng Lăng Bác; đưa 759 người có công đi điều dưỡng tập trung. Trợ cấp điều dưỡng tại nhà cho 3.410 người có công[4].

Hiện tại, toàn tỉnh có 120/127 xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sỹ (đạt tỷ lệ 94,5%); giai đoạn 2011-2015, có 94,5% xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và 98% hộ chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú[5].

Về chỉnh trang, sửa chữa mộ liệt sĩ, giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh hoàn thành nâng cấp 8.862 mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh. Ngoài ra, tổ chức điều tra thông tin về liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ; đồng thời cập nhật dữ liệu vào phần mềm do Cục Người có công - Bộ Lao động - TB&XH triển khai.

Về rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công, hoàn thành Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, qua rà soát giải quyết dứt điểm các trường hợp người có công hưởng chưa đầy đủ, chưa được hưởng hoặc hưởng sai. Quyết định trợ cấp một lần cho 101 trường hợp ngoài Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng[6]; Quyết định trợ cấp cho 1.564 trường hợp thuộc Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng[7]; Truy lĩnh trợ cấp hàng tháng người hoạt động kháng chiến, hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày kể từ 01/9/2012 cho 579 trường hợp. Cấp BHYT cho 338 trường hợp là thân nhân người có công. Cấp mua dụng cụ chỉnh hình cho 145 trường hợp. Cấp ưu đãi giáo dục cho 227 trường hợp[8].

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công ở Bình Thuận còn một số hạn chế.

Thứ nhất, về việc nắm bắt, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng ở một số địa phương chưa sâu sát, còn lúng túng trong triển khai thực hiện, nhất là giải quyết chế độ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày.

Thứ hai, việc huy động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tuy vượt kế hoạch nhưng chưa huy động được nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia.

Thứ ba, còn nhiều đài, bia ghi tên liệt sĩ do xây dựng đã lâu, lại thiếu sự quan tâm quản lý, chăm sóc của cấp uỷ, chính quyền địa phương nên đã hư hỏng, xuống cấp, đến nay chưa xây dựng, sửa chữa lại được.

Thứ tư, một số chế độ, chính sách Trung ương ban hành nhưng gây nhiều tâm tư, thắc mắc (như thời điểm hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; khôi phục chế độ ưu đãi cho người có công sau khi mãn hạn tù; bệnh binh đồng thời là người bị nhiễm chất độc hoá học không được hưởng 02 chế độ; người hoạt động kháng chiến không được hưởng chế độ điều dưỡng;...)

Thứ năm, một số chế độ ưu đãi, như: ưu đãi về thuế, về nhà ở, về giáo dục và đào tạo chưa cụ thể đối với từng đối tượng, gây khó khăn trong quá trình hướng dẫn, tổ chức thực hiện.

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi người có công

Một là, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức triển khai, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi, bổ sung). Tập trung giải quyết dứt điểm những trường hợp phát sinh chưa xác nhận là người có công với cách mạng nhằm bảo đảm 100% đối tượng có công với cách mạng được thụ hưởng chính sách trợ cấp theo quy định.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của họ.

Ba là, tập trung nguồn lực giúp đỡ các gia đình chính sách còn nhiều khó khăn, cải thiện cuộc sống một cách thiết thực, bền vững như quan tâm đến dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ phát triển sản xuất kinh doanh. Chăm lo giáo dục, đào tạo cho con em thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công để tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông. Tập trung tuyên truyền cổ vũ những tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu trong lao động, học tập, làm kinh tế và hoạt động văn hóa, xã hội.

Bốn là, triển khai và báo cáo kết quả điều tra thông tin về liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện Đề án “tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin”. Tập trung đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các Nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ ở các địa phương trong tỉnh.

Năm là, thực hiện tốt việc tổ chức đưa người có công đi điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình; tổ chức đưa người có công đi tham quan Thủ đô Hà Nội, viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sáu là, phát động phong trào thi đua 100% xã, phường, cơ quan, đơn vị trong tỉnh làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công, trên cơ sở đó từng cấp, từng đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thiết thực. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ, thông qua đó tiếp tục giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ trong toàn tỉnh.

Bảy là, tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với người có công, đặc biệt là cần thực hiện tốt chính sách với đối tượng hưởng chế độ bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh. Kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm minh các tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm, quan liêu, tham nhũng, cố ý làm trái trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.

Thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng của các cấp, các ngành ở Bình Thuận trong thời gian qua, là việc làm thiết thực thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Hiếu nghĩa, bác ái” của dân tộc Việt Nam. Với truyền thống quý báu đó, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục chung tay, cùng với Đảng, nhà nước thực hiện tốt hơn nữa công tác "Đền ơn, đáp nghĩa", thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, phù hợp với tình hình của địa phương, cơ quan đơn vị; khơi dậy truyền thống yêu nước, động viên mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh cùng tham gia: dành những điều kiện tốt nhất về đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước.

Đặc biệt, là quan tâm đến các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017) theo Kế hoạch của UBND tỉnh Bình Thuận, điều đó, sẽ góp phần tôn vinh và tri ân công ơn to lớn đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người có công với nước đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

 


[1] Công văn số 1875/SLĐTBXH-KHTC, ngày 11tháng 11năm 2015 của Sở Lao động – TB&XH Bình Thuận về báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2011 – 2015 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, tr6.

  [2] Báo cáo số 166 /BC-SLĐTBXH, ngày 22 tháng 12 năm 2016 của Sở Lao động – TB&XH Bình Thuận về đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016; định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2017 lĩnh vực Lao động, người có công và xã hội, tr3.

[3] Báo cáo số 166 /BC-SLĐTBXH, ngày 22 tháng 12 năm 2016 của Sở Lao động – TB&XH Bình Thuận về đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016; định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2017 lĩnh vực Lao động, người có công và xã hội, tr3.

[4] Báo cáo số 166 /BC-SLĐTBXH, ngày 22 tháng 12 năm 2016 của Sở Lao động – TB&XH Bình Thuận về đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016; định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2017 lĩnh vực Lao động, người có công và xã hội, tr3.

[5] Công văn số 1875/SLĐTBXH-KHTC, ngày 11tháng 11năm 2015 của Sở Lao động – TB&XH Bình Thuận về báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2011 – 2015 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, tr6.

[6] 17 trường hợp theo Quyết định số 57/2013/QĐ-TTg; 48 trường hợp theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg; 24 trường hợp theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg; 12 trường hợp theo Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 14/6/2016). Cấp BHYT cho 698 trường hợp (86 trường hợp theo Quyết định 290; 589 trường hợp theo Quyết định số 62; 23 trường hợp theo Nghị định số 150.

[7] 05 người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; 02 người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; 01 Anh hùng LLVT; 189 Mẹ VNAH; 01 người hưởng chính sách như thương binh; 81 trường hợp HĐKC bị nhiễm chất độc hóa học (trong đó 02 con đẻ hưởng hàng tháng); 45 trường hợp người HĐKC; 24 người có công giúp đỡ cách mạng; 717 trường hợp người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 426 gia đình liệt sĩ hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ; 65 tuất thương binh, bệnh binh, CĐHH; 08 tuất vợ liệt sỹ lấy chồng khác.

[8] Báo cáo số 166 /BC-SLĐTBXH, ngày 22 tháng 12 năm 2016 của Sở Lao động – TB&XH Bình Thuận về đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016; định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2017 lĩnh vực Lao động, người có công và xã hội, tr3.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số