Tin mới nhất

Cách Mạng Tháng 10 Nga, mở ra thời đại mới cho nhân loại, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội

Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra thắng lợi năm 1917 đã khai sinh nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Đây là bước đột phá vĩ đại mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. 

Với tầm vóc lịch sử lớn lao đó, Cách mạng Tháng Mười trở thành biểu tượng của niềm tin và sự cổ vũ mãnh liệt đối với hàng triệu người bị áp bức trên hành tinh vùng lên đấu tranh tự giải phóng, đặt nền móng hiện cho xu hướng đi lên chủ nghĩa xã hội như một tất yếu khách quan, không thể đảo ngược. Năm 1960, Tuyên bố của Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân thế giới họp tại Mátxcơva đã khẳng định: Thời đại chúng ta mà nội dung chủ yếu là quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội mở đầu bằng cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại.

Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lê-nin đã khẳng định rằng, “chúng ta có quyền tự hào và quả thật chúng ta tự hào là đã có cái hân hạnh được bắt đầu việc xây dựng Nhà nước Xô-viết và do đó mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi đều đang tiến tới một cuộc đổi mới, tới chỗ chiến thắng giai cấp tư sản, tới chỗ thành lập chuyên chính vô sản, tới chỗ giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc”. Cách mạng Tháng Mười là một cuộc cách mạng khác hoàn toàn về chất so với các cuộc cách mạng đã từng diễn ra trong lịch sử loài người chỉ nhằm thay thế một phương thức bóc lột này bằng một phương thức bóc lột khác. Cách mạng Tháng Mười lần đầu tiên trên thế giới chính quyền đã từ trong tay thiểu số người bóc lột chuyển sang tay đa số người lao động bị bóc lột vươn lên làm chủ. Với ý nghĩa đó, Cách mạng Tháng Mười mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại. Khẳng định tầm vóc, giá trị to lớn của nó, Hồ Chí Minh đã viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[1]

Từ sau Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa xã hội được biết đến không chỉ là một học thuyết mà nó trở thành hiện thực, trở thành một chế độ xã hội mới tốt đẹp. Cách mạng Tháng Mười thực hiện công cuộc giải phóng triệt để những người vô sản và nông dân nghèo khổ khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, của chế độ phong kiến, và những người chủ thực sự của chế độ xã hội mới.

Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển không ngừng của cách mạng ở các nước thuộc địa, các dân tộc chậm phát triển tự quyết định con đường phát triển đất nước gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và “sự phát triển rút ngắn” của học thuyết Mác đã được V.I.Lê-nin vĩ đại sáng tạo và thể nghiệm thành công qua Chính sách kinh tế mới (NEP) trong những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, cung cấp những bài học kinh nghiệm quý báu cho các nước chậm phát triển quá độ gián tiếp lên chủ nghĩa xã hội với những bước “quá độ dần dần”; biết “lợi dụng chủ nghĩa tư bản” để xây dựng chủ nghĩa xã hội... Biến nước Nga Xô-viết và sau này là Liên Xô chỉ sau mấy chục năm, từ một nước tư bản phát triển trung bình đã trở thành cường quốc đứng hàng đầu thế giới; Đồng thời mở ra triển vọng và xu thế phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực chính là sự khẳng định, tôn vinh những giá trị của Cách mạng Tháng Mười. 

Trong thế chiến thứ I và thứ II, Liên Xô chính là chỗ dựa vững chắc cho các phong trào cách mạng trên thế giới đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống chủ nghĩa phát xít, vì hoà bình, dân chủ, chủ nghĩa xã hội và tiến bộ xã hội. Hồ Chí Minh đã nhận xét, Cách mạng tháng 10 “là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức do giai cấp công nhân và đội tiền phong của nó là Đảng Bôn-sê-vích lãnh đạo. Cách mạng Tháng Mười đã dùng bạo lực cách mạng đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của những người lao động, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một xã hội không có người bóc lột người”[2]

Noi gương Cách mạng Tháng Mười, các dân tộc bị áp bức trên thế giới đã vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc và lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa để xây dựng đất nước. Chủ nghĩa xã hội hiện thực từ thắng lợi ở một nước đã phát triển trở thành hệ thống thế giới. Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc (1945), thế giới bước vào một thời kỳ phát triển mới. Phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn kết chặt chẽ với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân ở các nước tư bản làm nên sức mạnh to lớn của ba dòng thác cách mạng trên thế giới trong nhiều thập niên qua.

Chủ nghĩa xã hội là xu thế phát triển tất yếu của thời đại, nhưng với những hình thức và bước đi rất khác nhau như chỉ dẫn của V.I.Lê-nin: “Tất cả các dân tộc đều đi đến xã hội xã hội chủ nghĩa, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ”. Điều này còn góp phần bác bỏ những quan niệm sai lầm về tính vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản./.

 


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 12, tr.300-301

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 12, tr.300, 301

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số