Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh thực hiện tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vị đại của dân tộc Việt Nam. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, Người khẳng định rõ Đảng ta phải luôn tuân thủ và giữ vững các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của một Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. 

Trong đó, Người nhấn mạnh đến nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Phê bình là trị bệnh cứu người. “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính[1]. Cho nên, mỗi cán bộ, đảng viên phải quyết tâm và nêu cao tinh thần cách mạng mới có thể tự phê bình và phê bình nghiêm túc.                

Theo quan điểm của Bác Hồ: “ Phê bình là nêu ưu điểm, vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm, vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm[2].

Người coi đây là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí để rèn luyện đảng viên nhằm làm cho mỗi người tốt hơn, tiến bộ hơn, và tăng cường đoàn kết trong nội bộ.

Để đạt được mục đích ấy, đòi hỏi cần có một phương pháp đúng, có thái độ thẳng thắn, có lý có tình và trên tình thương yêu con người, thương yêu giai cấp.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, có thái độ đúng với người có khuyết điểm, thiếu sót và tìm ra phương pháp phê bình thích hợp là vấn đề  có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao hiệu quả của tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Thực tế trong thời gian vừa qua, bên cạnh những việc đã làm được, nhiều cấp ủy, chi bộ vẫn còn một số hạn chế trong công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng. Cụ thể là:

- Tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của  một số đảng viên còn e dè, nể nang, ngại va chạm nên cấp dưới không dám phê bình cấp trên.

- Trong sinh hoạt, vẫn còn thái độ phê bình gay gắt, chỉ tập trung vào phê bình khuyết điểm mà chưa nêu được ưu điểm của đồng chí, đồng nghiệp, chưa đặt mình vào vị trí người bị phê bình nên hiệu quả chưa cao.

Để học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hiện tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, cán bộ, đảng viên và cấp ủy đảng các cấp cần quan tâm  một số nội dung cụ thể sau:

- Trước hết, để việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng ngày càng được nâng cao, mỗi đảng viên cần phải nhận thức rõ hơn ý nghĩa của việc tự phê bình và phê bình, từ đó tự mình nhìn nhận khuyết điểm của bản thân cũng như tiếp thu ý kiến đóng góp của đồng chí mình. Nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải nghiêm khắc tự phê bình và phê bình, cấp trên phải gương mẫu phê bình trước cấp dưới.

- Mở rộng dân chủ, đây là cơ sở, là điều kiện đảm bảo cho tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả. Thực tiễn cho thấy tự phê bình và phê bình chỉ được tiến hành thực sự hiệu quả khi đề cao và mở rộng dân chủ, đồng thời phải có chính sách bảo vệ và khuyến khích cán bộ, đảng viên dũng cảm tự phê bình và phê bình, nói thẳng, nói hết khi phê bình góp ý cho lãnh đạo. Trong phê bình và tự phê bình, mọi đảng viên đều được thẳng thắn trình bày những suy nghĩ và chính kiến của mình một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện nể nang, né tránh, lợi dụng sinh hoạt chi bộ để phê phán, làm mất đoàn kết nội bộ. Đặc biệt là đối với cấp ủy đảng, phải thực hiện đúng chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; phải lắng nghe, công tâm, tạo môi trường lành mạnh, không khí dân chủ thực sự trong sinh hoạt chi bộ, nhưng phải đảm bảo nghiêm túc.

- Xây dựng kế hoạch, nội dung và tổ chức thực hiện tự phê bình và phê bình chặt chẽ, coi trọng sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong suốt quá trình thực hiện. Kế hoạch tự phê bình và phê bình phải hết sức cụ thể, chi tiết, xác định rõ những nội dung cần tập trung, phương pháp tiến hành, mục tiêu cần đạt được, đồng thời phải xác định rõ quy trình tổ chức, có bước đi phù hợp để thực hiện tự phê bình và phê bình mang lại hiệu quả thiết thực.

 Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đạo đức, nâng cao uy tín của Đảng và củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, bên cạnh những thời cơ mới, vận hội mới, đất nước ta đang đứng trước không ít những khó khăn, thách thức; quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình sẽ góp phần làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh và vững vàng trước mọi thử thách của thời đại./.

 


[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H2011, tr. 301.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 500.


Các tin khác