Hiến pháp là gì?
Có nhiều quan điểm và định nghĩa về hiến pháp. Tuy nhiên nếu hiểu một cách khái quát, hiến pháp là đạo luật cơ bản của một quốc gia, dùng để xác định thể chế chính trị, cách thức tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân.
Trong hệ thống pháp luật quốc gia, hiến pháp là đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất. Tất cả các văn bản pháp luật khác phải phù hợp, không được trái với hiến pháp. Vị trí tối cao của hiến pháp là do nó phản ánh sâu sắc nhất chủ quyền của nhân dân và về nguyên tắc hiến pháp phải do nhân dân thông qua (qua hội nghị lập hiến, quốc hội lập hiến hoặc trưng cầu ý dân). Điều này khác với các đạo luật bình thường chỉ do quốc hội (nghị viện) gồm những người đại diện do dân bầu và ủy quyền xây dựng.
Tại sao cần phải có hiến pháp?
Lịch sử tồn tại và phát triển của hiến pháp gắn liền với lịch sử phát triển của loài người. Do nhu cầu chung sống, duy trì sự tồn tại và phát triển, con người cần có nhà nước. Các nhà nước cần được xây dựng dựa trên những quy tắc tổ chức để đảm bảo rằng bộ máy cơ quan của nó có thể quản lý được mọi hoạt động trong xã hội một cách hiệu quả.
Hiến pháp là sản phẩm của cách mạng tư sản, thể hiện văn minh pháp lý của nhân loại, nó nhằm mục đích: thiết lập và trao quyền cho bộ máy nhà nước; giới hạn và kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước; bảo vệ, thúc đẩy các quyền con người, quyền công dân.
Các hình thức tồn tại của hiến pháp?
Xét về hình thức biểu hiện, có 2 loại hiến pháp: hiến pháp thành văn và hiến pháp không thành văn. Hiến pháp thành văn được lập thành một văn bản riêng và được tuyên bố chính thức là luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lý tối cao điển hình Hiến pháp Hoa Kỳ, Hiến pháp Cộng hòa Pháp 1958.
Hiến pháp không thành văn là tập hợp các quy phạm, tập quán và tư tưởng phản ánh những giá trị cốt lõi của một quốc gia, được thể hiện trong một số đạo luật, văn bản chính trị, pháp lý và thậm chí cả án lệ điển hình hiến pháp của một số nước như Anh, New Zealand, Israel v.v.
Sự xuất hiện và quá trình phát triển của hiến pháp.
Cuối thế kỷ 18 đến hết thế kỷ 19, các hiến pháp chủ yếu được xây dựng ở Bắc Mỹ và châu Âu và sau đó dần lan sang một số nước châu Á và châu Mỹ La-tinh. Từ sau thập kỷ 1940, số lượng quốc gia có hiến pháp tăng nhanh, đặc biệt ở khu vực châu Á và châu Phi, cùng với thắng lợi của phong trào giành độc lập dân tộc và sự tan rã của hệ thống thuộc địa của các nước thực dân châu Âu. Trong giai đoạn đầu, hiến pháp (thường được gọi là hiến pháp cổ điển) chủ yếu quy định về tổ chức bộ máy nhà nước và một số quyền cơ bản của công dân. Từ sau năm 1917, xuất hiện mô hình hiến pháp của các nước XHCN với nội dung rộng hơn, ngoài các vấn đề về tổ chức bộ máy nhà nước và quyền của công dân, còn đề cập đến chế độ kinh tế, chính sách văn hóa, xã hội, khoa học, quốc phòng, an ninh ... Từ đầu thập kỷ 1980, hiến pháp hiện đại có xu hướng hiến định các cơ quan độc lập để giám sát quyền lực (hội đồng bầu cử quốc gia, hội đồng/tòa án hiến pháp, ngân hàng nhà nước, cơ quan nhân quyền quốc gia, cơ quan chống tham nhũng quốc gia…) những thiết chế trước đó ít hoạc chưa được quy định trong hiến pháp.
Quá trình phát triển của hiến pháp bao gồm việc sửa đổi và thay thế hiến pháp. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã nhiều lần thay đổi hoặc thay thế hiến pháp, Hiến pháp Mỹ đã trải qua 27 lần tu chính từ 1787 đến nay, Hiến pháp Thái Lan từ năm 1932 đến năm 2007 đã 16 lần thay đổi. Sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN ở Liên Xô-Đông Âu cũ vào những năm cuối thế kỷ 20 đã dẫn đến sự thay đổi của một loạt quốc gia trong khu vực và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Các bản hiến pháp của Việt Nam.
Kể từ Hiến pháp 1946 thiết lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lịch sử lập hiến Việt Nam đã có thêm Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992, Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001, Hiến pháp hiện hành được ban hành năm 2013.
Hiến pháp năm 1946.
Hiến pháp 1946 khẳng định độc lập dân tộc và chủ quyền nhân dân, phản ánh tư tưởng xây dựng một chính quyền mạnh mẽ, khẳng định khối đại đoàn kết toàn dân và bảo đảm các quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Nhận thức rõ tầm quan trọng của hiến pháp trong việc khẳng định quyền lực thuộc về nhân dân, chấm dứt chế độ quân chủ, vị thế của chính quyền cách mạng và thu hút sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới, ngay sau ngày Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sự cần thiết phải sớm ban hành một bản hiến pháp cho Việt Nam. Theo Sắc lệnh ngày 20/9/1945, Ủy ban dự thảo hiến pháp được thành lập. Dự thảo hiến pháp được thông qua tại kỳ họp thứ hai Quốc Hội khóa I ngày 8/11/1946. Do tình hình chiến tranh, Hiến pháp 1946 chưa được Chủ tịch nước công bố. Hiến pháp 1946, hiến pháp đầu tiên của nhà nước Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong việc chính thức hóa chính quyền mới được hình thành. Hiến pháp gồm 7 chương, 70 điều. Chương I quy định về chính thể, theo đó Việt Nam là nước dân chủ cộng hòa. Chương II quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân. Chương III và Chương IV Hiến pháp quy định về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, gồm các cơ quan: Nghị viện nhân dân, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Tòa án.
Hiến pháp 1959.
Sau chiến thăng lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc Việt Nam được xác định mục tiêu tiến lên xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ. Hiến pháp năm 1959 là bản hiền pháp đầu tiên mang nhiều dấu ấn của việc tổ chức nhà nước theo mô hình XHCN. Hiến pháp năm 1959 gồm 10 chương, 72 điều. So với Hiến pháp 1946, mặc dù chính thể không thay đổi, nhưng nội dung tổ chức bên trong của bộ máy nhà nước được quy định khác. Cơ chế tập trung được Hiến pháp thể hiện bằng nhiều quy định, các tổ chức chính quyền địa phương được tổ chức như nhau ở tất cả các cấp chính quyền địa phương, Viện kiểm sát nhân dân với chức năng kiểm sát chung được thành lập, các cấp tòa án được tổ chức theo đơn vị hành chính. Hiến pháp 1946, bộ máy nhà nước được quy định theo nguyên tắc phân quyền, theo Hiến pháp 1959 được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền, quyền lực tập trung vào Quốc hội. Bắt đầu từ đây, các bản hiến pháp của nhà nước Việt Nam mang tính định hướng, tính chương trình lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với sự phát triển theo con đường xây dựng CNXH.
Hiến pháp 1980
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, đất nước chuyển sang một giai đoạn mới. Hiến pháp 1980 được Quốc hội khóa VI thông qua ngày 18/12/1980. Hiến pháp 1980 gồm có 12 chương, 147 điều. So với các hiến pháp trước đây Hiến pháp 1980 là bản hiến pháp thể hiện rõ nét quan điểm cứng nhắc về việc tổ chức và xây dựng CNXH, học tập kinh nghiệm của các nước trong hệ thống Liên Xô và Đông Âu trước đây. Hiến pháp xác định chế độ chính trị của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là “nhà nước chuyên chính vô sản”. Lần đầu tiên, Hiến pháp khẳng định rõ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam là “lực lượng duy nhất lãnh đạo” nhà nước và xã hội. Hiến pháp không quy định về sỡ hữu tư nhân, nhà nước chỉ bảo hộ tài sản thuộc sở hữu cá nhân với mục đích để đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt.
Theo Hiến pháp 1980, đất đai được quy định là thuộc “sở hữu toàn dân” do nhà nước thống nhất quản lý, không thừa nhận các hình thức sở hữu tư nhân hay cộng đồng về đất đai. Bộ máy nhà nước theo Hiến pháp 1980 thể hiện rất rõ nguyên tắc trách nhiệm tập thể, các thiết chế trách nhiệm cá nhân được thay bằng các cơ quan tập thể cùng chịu trách nhiệm. Ví dụ, chế định nguyên thủ quốc gia – Chủ tịch nước được thay bằng Hội đồng nhà nước, Hội đồng Chính phủ được thay thế bằng Hội đồng Bộ trưởng. Hiến pháp 1980 là hiến pháp của cơ chế cũ – cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp đã đẩy đất nước đến khủng hoảng kinh tế và xã hội.
Hiến pháp 1992
Từ năm 1986, đất nước thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện về kinh tế, xã hội và chính trị. Hiến pháp 1992 được Quốc hội khóa VII thông qua ngày 15/4/1992, gồm 12 chương, 147 điều. Về nội dung, hiến pháp này có nhiều thay đổi, nhiều nhận thức mới so với Hiến pháp năm 1980. Hiến pháp năm 1992 thể chế hóa đường lối đổi mới, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội. Quyền lực nhà nước tập trung thống nhất vào Quốc hội, không chia các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp theo thuyết “tam quyền phân lập”. Hiến pháp năm 1992 góp phần vào việc khắc phục những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và xã hội, thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển và hội nhập quốc tế.
Một thập niên sau đó, những quy định của Hiến pháp 1992 đã bộc lộ những hạn chế, cản trở hoạt động quản lý nhà nước và sự phát triển của các thành phần kinh tế. Tại Đại hội Đảng lần thứ IX , Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII đã xác định chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tình hình mới. Trọng tâm sủa đổi Hiến pháp 1992 vào năm 2001 là các quy định về bộ máy nhà nước. Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Trước hết, có thêm việc xác định nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là “nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân”. Tiếp tục khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, phần nào ghi nhận thuyết phân quyền, theo đó quy định: “có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Đồng thời, quyền lực của Quốc hội được tăng cường bằng việc bỏ quyền phê chuẩn việc bổ nhiệm các chức danh bộ trưởng và tương đương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tăng cường trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội bằng việc quy định Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm các bộ trưởng và Thủ tướng. Chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát được cắt bỏ nhằm tránh sự chồng chéo giữa các cơ quan và tăng cường vào chức năng công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp.
Hiến pháp năm 2013
Hiến pháp năm 1992 được ban hành vào những năm đầu thực hiện chính sách Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm thể chế hóa đường lối mở cửa của đất nước được đề ra trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991. Với bản hiến pháp này, trong gần 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, mà nổi bật nhất là về kinh tế.
Mặc dù vậy, bắt đầu từ cuối thập kỷ 2000, sự phát triển kinh tế của Việt Nam đã dần chậm lại. Điều này có nguyên nhân từ một loạt bất cập về thể chế vốn tồn tại từ lâu mà chưa được giải quyết, liên quan đến các vấn đề về quản lý nhà nước, mô hình phát triển kinh tế… Hậu quả là tình trạng quan liêu, tham nhũng trở nên nghiêm trọng, kinh tế khủng hoảng, thiếu tính cạnh tranh, người dân bất bình, suy giảm lòng tin đối với nhà nước.
Thực trạng trên đã khiến Đảng Cộng sản Việt Nam nhận ra rằng cần đẩy mạnh đổi mới để duy trì sự phát triển của đất nước và bảo vệ tổ quốc. Trong bối cảnh đó, Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng (12-19/01/2011) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), trong đó xác định những mục tiêu, định hướng phát triển trong giai đoạn mới, hướng vào thực hiện 8 đặc trưng của chế độ XHCN ở Việt Nam (so với 2 đặc trưng trong Cương lĩnh năm 1991), bao gồm: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Do dân làm chủ; Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; Có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.
Bối cảnh kể trên khiến cho Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), đã trở nên lạc hậu. Nó cần được tiếp tục sửa đổi để phù hợp và thể chế hóa những định hướng, mục tiêu mới trong Cương lĩnh năm 2011 và các văn kiện khác của Đại hội Đảng lần thứ XI, cụ thể là để: “…bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế”.
Từ năm 2011, Việt Nam đã tổ chức tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Sau hơn một năm dự thảo và lấy ý kiến nhân dân, ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII bỏ phiếu thông qua Hiến pháp năm 2013, với 97,59% (486/488) đại biểu có mặt bỏ phiếu tán thành, 2 đại biểu bỏ phiếu trắng. Nhìn chung, Hiến pháp năm 2013 gợi mở nhiều cơ hội cải cách về thể chế ở Việt Nam, bao gồm thể chế về quản lý kinh tế. Hiến pháp năm 2013 có 11 chương, 120 điều, so với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 giảm 1 chương, 27 điều, bổ sung thêm chương mới (Chương X về Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước).
Sự ra đời của Hiến pháp năm 2013 đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử lập hiến gần 70 năm (tính từ năm 1946) của Việt Nam. Ý nghĩa của bản hiến pháp này không chỉ thể hiện ở những nội dung mới, chứa đụng những định hướng cải cách thể chế ở nhà nước và quản trị công, mà còn ở tiến trình thảo luận sôi động chưa từng có ở Việt Nam.
Ở các nước trên thế giới, bao gồm Việt Nam, Hiến pháp có vai trò quan trọng đối với quốc gia, nhân dân. Đối với quốc gia, một bản hiến pháp tốt là nền tản tạo lập một thể chế chính trị dân chủ và một nhà nước minh bạch, quản lý xã hội hiệu quả, bảo vệ tốt các quyền lợi của người dân. Đây là những yếu tố quan trọng không thể thiếu để một quốc gia tồn tại và phát triển. Đối với người dân, một bản hiến pháp tốt đồng nghĩa ghi nhận đầy đủ các quyền con người, quyền công dân và phù hợp với những chuẩn mực chung của cộng đông quốc tế, có cơ chế cho phép người dân bảo vệ các quyền của mình khi bị vi phạm. Hiến pháp là công cụ pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất để bảo vệ nhân quyền, dân quyền.
Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Đây là bản Hiến pháp của thời kỳ tiếp tục đổi mới đất nước trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế./.