Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là lề lối, cung cách, cách thức làm việc của người lãnh đạo mà đối tượng của sự lãnh đạo đó là cấp dưới, là quần chúng nhân dân. Cách làm việc này bắt nguồn từ sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm về mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân lãnh tụ và quần chúng nhân dân của chủ nghĩa Mác - Lênin và từ phẩm chất đạo đức cách mạng trọn đời vì dân của Hồ Chí Minh.
Tác phong khoa học là một biểu hiện đặc sắc trong phong cách làm việc của Người, nó thể hiện ở cách thức, lề lối tiến hành và giải quyết công việc.
Một trong những nét nổi bật trong tác phong làm việc khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là tác phong đúng giờ, tiết kiệm thời gian tối đa và phân bổ thời gian để giải quyết công việc một cách hợp lý, khoa học, tôn trọng công việc và tôn trọng con người. Để có tác phong làm việc khoa học, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy"[1] và "việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn"[2] . Khi ra các quyết định phải có thông tin đầy đủ và bảo đảm có phương án thực thi hiệu quả, không chủ quan duy ý chí, phải xây dựng thói quen tôn trọng thực tế khách quan, không bóp méo sự thật, làm việc với tầm nhìn xa trông rộng trên cơ sở dự báo khoa học về tình hình có liên quan để tránh bị động bất ngờ và tránh xa vào công việc mang tính sự vụ thiển cận.
Tác phong làm việc khoa học của Hồ Chí Minh đối lập hoàn toàn và xa lạ với lề lối, cách thức làm việc mang nặng cảm tính chủ quan, không quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công việc; làm việc một cách tự do, tùy tiện, thiếu điều tra nghiên cứu, thiếu kế hoạch; thiếu ngăn nắp, luộm thuộm, lề mề, chậm chạp, không coi trọng thời gian, lãng phí sức người sức của; làm việc thiếu cụ thể thiết thực; thiếu tầm nhìn xa trông rộng... Những biểu hiện như thế đã được Hồ Chí Minh chỉ ra và yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải kiên quyết khắc phục sửa chữa.
Tác phong làm việc khoa học của Hồ Chí Minh còn được biểu hiện rõ ở chỗ khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại đều có tổng kết rút kinh nghiệm để tiến hành những công việc khác tốt hơn. Người lãnh đạo phải biết sử dụng bộ máy, những người cộng sự, những cơ quan giúp việc một cách khoa học, hiệu quả và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng.
Tác phong làm việc khoa học của Hồ Chí Minh là sự vận dụng và phát triển phương pháp làm việc biện chứng và nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin. Với tư cách là nhà khoa học chân chính, Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ “con mắt ta nhìn xã hội cũng phải khoa học”[3] và trên thực tế, mọi cái nhìn của Người đối với các vấn đề đều ít nhiều mang tính khoa học. Đồng thời, Người sớm nhận thức sâu sắc trong hoạt động của người cán bộ phải xuất phát từ thực tiễn để vận dụng lý luận một cách phù hợp, sáng tạo, qua thực tế mà bổ sung, phát triển lý luận. Phải phòng chống bệnh giáo điều, xét lại và chủ nghĩa kinh nghiệm, xem thường lý luận. Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về nói đi đôi với làm và nêu gương cho mọi người học tập, làm theo.
Hiện nay, chúng ta đã xây dựng được phong cách làm việc khoa học cho cán bộ, đảng viên. Phong cách đó được thể hiện qua việc có ý thức chấp hành đúng các quy định của pháp luật về sử dụng thời gian làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động và quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị cụ thể. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức cần cù làm việc với tinh thần trách nhiệm cao; các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước đã chú ý áp dụng các biện pháp tổ chức lao động một cách khoa học, sử dụng hợp lý thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, việc quản lý lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế và yếu kém, dẫn đến lãng phí thời gian lao động, làm cho năng suất, chất lượng hiệu quả công tác chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chưa đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; ý thức kỷ luật lao động kém; vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng điều này đã ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác và tác phong, uy tín của cán bộ, công chức, viên chức. Chính vì vậy, học tập tác phong làm việc khoa học của Người có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác lãnh đạo, quản lý các cấp.
Đối với Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận, với nhiệm vụ là đào tạo trình độ Trung cấp lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ của tỉnh, thiết nghĩ cán bộ, công chức, viên chức của nhà trường cần phải có tác phong làm việc khoa học theo phong cách Bác Hồ trong cách thức, lề lối tiến hành và giải quyết công việc. Tiếp tục thực hiện tốt thực hiện Chỉ thị số 27 - CT/TU, ngày 01/10/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 30 -CT/TU ngày 08/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sinh hoạt, công tác và Chỉ thị số 40 -CT/TU ngày 15/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Kế hoạch số 31-KH/TU, ngày 30/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Để thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó có nội dung học tập phong cách của Người, chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc học tập vận dụng phong cách làm việc khoa học của Người một cách thiết thực và có hiệu quả hơn trong đội ngũ cán bộ công chức để tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, vì mục tiêu “dân giàu nước, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr. 239.
[2] Sđd, tr. 257
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.8, tr.298.