Ngay từ khi y học ra đời, người ta đã nói đến đạo đức nghề y. Gần 500 năm trước Công nguyên, Hyprocrate - ông tổ ngành y đã viết: “Tôi sẽ tránh không làm tổn hại đến họ. Khi đến bất cứ gia đình nào tôi sẽ đến với mục đích giúp đỡ những kẻ đau ốm. Tôi sẽ giữ bí mật bất cứ điều gì tôi nhìn thấy hoặc nghe được... Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”. Ở Việt Nam, vào thế kỷ XVII, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã dạy: “Suy cho cùng, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người, sống chết trong một tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ, thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đạo đức không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám học đòi làm cái nghề cao quý đó chăng”. Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe, Người luôn luôn nhấn mạnh đến tài và đức. Trong thư gửi Hội nghị Quân y tháng 3/1948, Người đã dạy: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần của những người ốm yếu” Cố Thủ tường Phạm Văn Đồng đã nói: “Ít có nghề nghiệp nào mà xã hội đòi hỏi về phẩm chất và tài năng cao như đối với với người làm công tác y tế. Đó là một nghề đặc biệt, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, từng trải và kinh nghiệm nghề nghiệp mà mọi công việc dù nhỏ đến đâu đều liên quan đến tính mạng con người và hạnh phúc của mỗi gia đình”. Như vậy trong lịch sử từ cổ chí kim, người ta luôn luôn đề cao đạo đức y tế mà trong nội hàm của khái niệm ấy, tài và đức luôn gắn bó với nhau.
Trong kinh tế thị trường cần giải quyết hài hoà mối quan hệ về vấn đề y đức của người thầy thuốc, đó là: khoa học, nhân đạo và lợi ích. Theo đó, để phục vụ tốt, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, mỗi người thầy thuốc phải có trình độ chuyên môn tốt, không ngừng học tập để nâng cao các kiến thức mới. Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc sức khoẻ, điều trị cho người bệnh, những người thầy thuốc phải luôn cẩn trọng, chính xác trong chuyên môn, thái độ phục vụ ân cần, đó là điều kiện đủ của quá trình rèn luyện y đức. Khi chất lượng phục vụ nâng cao, người bệnh lựa chọn bệnh viện tốt, bác sỹ giỏi, nguồn thu của bệnh viện tăng cao, lúc này lợi ích của người thầy thuốc được đáp ứng. Ngoài ra, Nhà nước có vai trò quan trọng trong giải quyết lợi ích người thầy thuốc, nên quy định cụ thể giá dịch vụ, các phương án tài chính giúp người bệnh, đặc biệt là những người bệnh nghèo; chế độ bảo hiểm y tế toàn dân toàn dân…
Những vấn đề đặt ra khi nói tới y đức hiện nay là nghề y từ phục vụ chuyển sang dịch vụ, vấn đề lợi ích, mưu sinh của người thầy thuốc có ảnh hưởng tới nhân đạo và y đức hay không. Trong nền kinh tế thị trường, sự phân cấp giữa người giàu và nghèo dẫn đến y tế mang tính dịch vụ có điều kiện; người thầy thuốc phải mưu sinh, lợi ích đa dạng, đa chiều và phức tạp; các cơ sở y tế phải hoạch toán thu chi… Vì vậy, vấn đề y đức lại càng phải đặt ra như một điều kiện không thể thiếu với những người thầy thuốc. Như vậy, tính mạng và sức khoẻ của người bệnh phải được đặt lên trên lợi ích của người thầy thuốc, điều này là mục đích của nghề y nhưng cũng chính là điều kiện hành nghề của người thầy thuốc.
Giáo dục y đức là một trụ cột chính để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao nền y tế chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân nên cần phải đưa vấn đề y đức vào luật. Đặc biệt, đưa các bài học y đức, trách nhiệm của người thầy thuốc vào giáo trình, vào các chương trình giảng dạy cho sinh viên y khoa và coi đó là một môn không thể thiếu trong quá trình đào tạo bác sỹ cho xã hội. Phát động việc rèn luyện và nâng cao y đức trong bối cảnh xây dựng nền y tế phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một việc làm cần thiết và rất phù hợp. Đây là một giải pháp quan trọng để chúng ta nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế đồng thời lấy lại niềm tin của nhân dân đối với ngành y tế./.