Một vài giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin, xúc tiến du lịch tại tỉnh Bình Thuận

Xúc tiến du lịch là hoạt động tuyên truyền, quảng bá, vận động nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội phát triển du lịch.

Xúc tiến du lịch là hoạt động tuyên truyền, quảng bá, vận động nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội phát triển du lịch[1]. Thông tin về du lịch và xúc tiến du lịch có vai trò như một đòn bẩy để phát triển du lịch. Hình ảnh du lịch địa phương được phổ biến rộng rãi hay không còn phụ thuộc vào sự nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương. Tại tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch (Sở VHTT&DL), Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch về hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Theo quy định tại Luật Du lịch năm 2005, UBND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch của địa phương; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến du lịch tại địa phương[2]. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm: Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, sự kiện, hội chợ, hội thảo, triển lãm du lịch của địa phương; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương và địa phương khác trong hoạt động xúc tiến du lịch[3].

Tại tỉnh ta, hoạt động thông tin, xúc tiến du lịch được chú trọng đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều hình thức, tính xã hội hóa ngày càng cao. Tỉnh ta đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch Bình Thuận gắn với các sản phẩm du lịch độc đáo mang tính đặc trưng riêng, đặc biệt là du lịch biển đảo. Nhằm tạo hiệu ứng cao trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch, thu hút sự chú ý của các các hãng lữ hành, du khách ở trong và ngoài nước, tỉnh Bình Thuận cũng đã tổ chức các sự kiện có quy mô mang tầm quốc tế, như: Festival Thuyền Buồm quốc tế, Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế, Hoa hậu Trái đất… Tuy nhiên, hoạt động thông tin, xúc tiến du lịch tại tỉnh ta vẫn chưa thật sự đạt hiệu quả cao. Xúc tiến, quảng bá du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ. Công tác quảng bá du lịch hiện nay vẫn đang trong tình trạng “mạnh ai nấy làm” khiến cho việc xây dựng thương hiệu du lịch, quảng bá sản phẩm dịch vụ du lịch gặp không ít khó khăn. Hoạt động thông tin du lịch chưa có sự phối hợp thống nhất, liên kết với nhau nên gây “nhiễu” thông tin; thông tin sơ sài, đơn điệu. Không có sự giám sát, quản lý về các thông tin du lịch được đăng tải trên mạng của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Việc phổ biến thông tin du lịch và tiến hành hoạt động xúc tiến du lịch ở trong nước và nước ngoài bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương còn phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ tương hỗ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn chưa có một cơ chế nào cho sự phối hợp này. Điều 8 Luật Du lịch năm 2005 có quy định về Hiệp hội Du lịch nhưng nội dung quy định rất sơ sài, hình thức, chưa phát huy được vai trò của Hiệp hội Du lịch cả nước nói chung và Hiệp hội Du lịch tại tỉnh Bình Thuận nói riêng. Hiệp hội Du lịch là nơi tổng hợp sức mạnh của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và các cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trọng lĩnh vực du lịch. Nếu có sự hỗ trợ của tổ chức này thì hoạt động xúc tiến du lịch sẽ có bước tiến mới.

Sau đây là một vài giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin, xúc tiến du lịch tại tỉnh Bình Thuận nhằm thúc đẩy du lịch Bình Thuận phát triển:

Thứ nhất, một trong những nội dung của hoạt động xúc tiến du lịch được quy định tại Điều 79 Luật Du lịch năm 2005 đó là nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, tạo môi trường du lịch văn minh, lành mạnh, an toàn, phát huy truyền thống mến khách của dân tộc. Theo quan điểm của tác giả, một trong những cách nâng cao nhận thức xã hội về du lịch đó là phải có sự hài hoà lợi ích trong phát triển du lịch, “cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc phát triển du lịch tại địa phương, tạo cơ chế để chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch cho người dân bản địa”[4]. Thêm vào đó, UBND tỉnh Bình Thuận nên học hỏi cách làm du lịch của Thái Lan, một đất nước có nền du lịch phát triển. Tại Thái Lan: Cộng đồng địa phương tại các điểm tham quan du lịch được thông tin đầy đủ về cơ hội nghề nghiệp của họ trong ngành Du lịch và vai trò trong hoạt động bảo tồn văn hóa và bảo tồn các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên của địa phương. Hầu hết tất cả họ cần được đào tạo để giúp ngăn chặn tội phạm và mở rộng lòng hiếu khách của họ trong việc thúc đẩy du lịch bền vững với ý thức mạnh mẽ về trách nhiệm xã hội[5].

 Thứ hai, địa phương nào cũng có bản sắc văn hóa, các điểm di tích, danh lam thắng cảnh để quảng bá hình ảnh du lịch. Kinh phí quảng bá du lịch của các địa phương có thể đầu tư nhiều hay ít tuỳ kế hoạch mà mỗi địa phương đặt ra. Mặc dù kinh phí quảng bá du lịch cũng đóng vai trò lớn nhưng cách thức quảng bá làm thế nào để hiệu quả cũng không kém phần quan trọng. UBND tỉnh ta mà trọng tâm là Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch phải xác định sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh là du lịch biển đảo, nhu cầu đi du lịch của khách du lịch để tổ chức các sự kiện, các chuyên đề về du lịch thể thao biển bên cạnh du lịch văn hoá, du lịch khám phá…

Thứ ba, xúc tiến du lịch cần phải có chương trình cụ thể và nhất thiết cần có sự hỗ trợ lẫn nhau, liên kết trong xây dựng chiến lược, chương trình xúc tiến và quảng bá. UBND tỉnh; các Sở, ban ngành có liên quan; tổ chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển khách du lịch; các doanh nghiệp lữ hành và hệ thống cung ứng dịch vụ, Hiệp hội du lịch... cùng nhau đóng góp ý tưởng, sáng kiến. Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch sẽ làm đầu mối cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch của địa phương.

Thứ tư, để hình ảnh du lịch địa phương được nhiều người biết đến, thu hút nhiều khách du lịch thì phải tiến hành hoạt động thông tin, xúc tiến du lịch không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh vai trò của Chính phủ trong kí kết các điều ước quốc tế song phương và đa phương về du lịch thì UBND tỉnh, các ngành liên quan, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, Hiệp hội du lịch phải thường xuyên tham gia các hội nghị du lịch quốc tế; các buổi tọa đàm trong và ngoài nước để mở rộng khả năng hợp tác quốc tế nhằm phát triển du lịch.

Tại Thái Lan, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được coi là điểm mấu chốt của sự thành công và đưa ngành công nghiệp du lịch nước này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc xuất khẩu dịch vụ du lịch theo phương thức “hiện diện thương mại” góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách quốc tế đến Thái Lan. Một nét nổi bật trong chính sách du lịch ở Thái Lan đó là Chính phủ trực tiếp “xắn tay áo” làm tiếp thị du lịch. Các phái đoàn các cấp của Chính phủ Thái Lan thường xuyên tiếp xúc với các công ty nước ngoài để thảo luận các cơ hội kinh doanh về du lịch[6].

Thứ năm, khách du lịch muốn tìm hiểu thông tin nơi đến, bên cạnh thông tin trên sách, báo, tạp chí… họ còn tìm hiểu thông qua mạng internet. Vấn đề đặt ra là họ sẽ truy vào vào trang web nào. Thông tin trên internet không phải lúc nào cũng đúng. Các trang thông tin điện tử về hoạt động xúc tiến du lịch và thông tin về du lịch tỉnh Bình Thuận bên cạnh ngôn ngữ Tiếng Việt thì cần thiết phải bổ sung thêm 5 thứ tiếng[7] với biểu tượng 5 lá cờ của các quốc gia góc phía trên bên phải để khách du lịch truy cập dễ dàng. Trang thông tin điện tử của Sở VHTT&DL tỉnh ta nên có một mục về thông tin các sự kiện du lịch. Mục này phải thường xuyên cập nhật. Mỗi năm, UBND tỉnh nên làm một video để thông tin về du lịch, chương trình du lịch của địa phương được tổ chức trong năm đó. Thiết nghĩ, trong video này nên có sự tham gia của Chủ tịch Tỉnh hoặc Giám đốc Sở VHTT&DL. Họ sẽ đọc lời mở đầu như là một lời chào đón du khách đến địa phương. Ngôn ngữ trong video bước đầu gồm 2 thứ tiếng đó là tiếng Việt và tiếng Anh. Video này có thể đăng trên Youtube hoặc được mở trong chương trình tivi trên máy bay.

Thứ sáu, xúc tiến du lịch đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, chủ động của chính quyền địa phương để huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch gồm các trung tâm thương mại, hệ thống khách sạn, nhà hàng, công viên, khu vui chơi giải trí… Cơ sở hạ tầng phát triển du lịch gồm hệ thống giao thông vận tải (hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không), thông tin viễn thông; cấp, thoát và xử lý nước thải… Đây được xem là những yếu tố “cốt lõi” cho sự phát triển của du lịch. Trong vài năm tới, khi sân bay Phan Thiết được đưa vào hoạt động, du lịch Bình Thuận dự kiến sẽ thu hút mạnh lượng khách du lịch.

Trên đây là sáu giải pháp mà tác giả đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin, xúc tiến du lịch tại tỉnh Bình Thuận. Tác giả hi vọng với những kiến nghị này, hoạt động du lịch ở tỉnh ta sẽ có thêm một bước tiến mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà./.

 


[1] Khoản 17 Điều 4 Luật Du lịch năm 2005.

[2] Khoản 4 Điều 81 Luật Du lịch năm 2005.

[3] Khoản 2, Điều 39 Nghị định số: 4699/VBHN-BVHTTDL ngày 25 tháng 12 năm 2013 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch (Hợp nhất Nghị định số 92/2007/NĐ-CP và Nghị định số 180/2013/NĐ-CP).

[4] Trần Thị Minh Hoà (2013), “Hoàn thiện mối quan hệ giữa các bên liên quan nhằm phát triển hoạt động du lịch tại Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 29, Số (3), tr.22.

[5] Pornphatu Rupjumlong (2012), Thailand’s Tourism Policy Law and Regulatory Framework for Competitiveness in the AEC, Published in the Law Journal by Faculty of Law, Maefahluang University, Chiangrai, page 7.

[6] Hà Văn Hội (2011), “Chính sách phát triển du lịch của Thái Lan: Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 3 (179),, tr.56

[7] Tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha.


Các tin khác