Vai trò của mỗi đảng viên Trường Chính trị đối với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta đã có nhiều Nghị quyết về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua là Nghị quyết đầu tiên của Ban chấp hành Trung ương khoá XII về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Có thể nói, việc ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII với những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là thể hiện sự nhìn nhận nghiêm túc, khách quan của Đảng ta về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Và điều đó không có nghĩa là chỉ vì suy thoái đạo đức lối sống, vì “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” mà Đảng ta đưa ra Nghị quyết này, mà bởi vì trong quá trình vận động, phát triển, để Đảng ngày càng lớn mạnh, tiếp tục lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước thì Đảng phải coi công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên, liên tục của mình. Bác Hồ đã từng nói về việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”[1].

Đúng vậy, tổ chức Đảng được xây dựng nên từ những cá nhân đảng viên. Chất lượng đảng viên có vai trò quyết định đối với sự vững mạnh của tổ chức Đảng. Đảng viên có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh sẽ góp phần làm cho tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, và ngược lại. Vì vậy, để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, ngoài việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đưa ra, điều thiết yếu là vai trò, trách nhiệm của bản thân mỗi đảng viên. Điều đó càng có ý nghĩa hơn đối với các đảng viên thuộc Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận.

Là đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo, Trường Chính trị Bình Thuận có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức của địa phương về lý luận Chính trị hành chính; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng…  Vì vậy, mỗi đảng viên đặc biệt là đảng viên thuộc Chi bộ Giảng viên cần nghiêm túc học tập, nghiên cứu sâu kỹ 27 biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết đã nêu lên, qua đó tự soi rọi, đối chiếu với những biểu hiện đó để tự kiểm điểm, tự phê bình, tự giác nhanh chóng khắc phục để ngày càng hoàn thiện bản thân. Đồng thời, mỗi đảng viên phải luôn tự trau dồi, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, bởi vì không có gì là có sẵn và tồn tại mãi mãi nếu như chúng ta không tự mình tạo ra, không tự mình rèn luyện, củng cố. Giống như “ngọc càng mài càng sáng” vậy. Một trong những nguyên nhân chủ quan, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII chỉ ra là do bản thân mỗi cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang dao động trước những tác động từ bên ngoài, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ. Cho nên thiết nghĩ mỗi đảng viên tự mình tu dưỡng, rèn luyện là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Là người làm công tác giảng dạy lý luận chính trị, mỗi đảng viên phải luôn bám sát quan điểm của Đảng, giữ vững lập trường tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào con đường cách mạng Việt Nam, nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua đó, lồng ghép vào bài giảng của mình với các phương pháp tích cực, tạo hứng thú cho người học để tuyên truyền, vận động mọi người nghiêm túc thực hiện những nội dung Nghị quyết nêu ra. Bởi vì việc lười học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng cũng là một trong những biểu hiện của sự suy thoái. Và chúng ta thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là đã thực hiện được một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.

Có thể nói, xây dựng chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên, lâu dài, không chỉ là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng mà còn là trách nhiệm của mỗi đảng viên chúng ta, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, nỗ lực, sự thống nhất ý chí của nhiều cấp, ngành, địa phương và hơn 4,5 triệu đảng viên trong cả nước. Hy vọng rằng, với tinh thần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện và đồng bộ, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ cùng toàn dân xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 


[1] Dẫn theo giáo trình: Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Lý luận chính trị, H.2014, Tr29.


Các tin khác