Lãnh đạo cách mạng Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước bắt đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đã làm thay đổi sâu sắc bộ mặt của đất nước. Có thể nói rằng, thế kỷ XX đã đi vào lịch sử dân tộc ta với những trang sử vàng chói lọi, vẻ vang, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Những thành quả to lớn mà Đảng ta, nhân dân ta giành được đã mang lại mùa xuân mới cho đất nước, cho dân tộc. Đúng như Văn kiện Đại hội XII khẳng định: “Đất nước đã thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành và phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao”[1].
Sau 34 năm đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ một nền nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển. Kinh tế tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh của thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định và từng bước được tăng cường. Báo cáo của Tổng cục thống kê, năm 2017 GDP của Việt Nam đạt 6,81%, năm 2018 tăng 7,08%, năm 2019 tăng 7,02%. Từ một quốc gia nghèo, thiếu đói liên miên, đến nay Việt Nam đã vươn lên là nước có thu nhập trung bình, có quy mô kinh tế đạt hơn 262 tỷ USD. Đất nước ta đã tham gia hầu hết các tổ chức chính trị, kinh tế lớn của thế giới, khu vực; từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến các Hiệp định Thương mại tự do song phương, đa phương,... Có thể nói, kinh tế của Việt Nam đã ngày càng hòa chung vào dòng chảy của kinh tế toàn cầu. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại; cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp. Cơ cấu kinh tế năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; dịch vụ chiếm 41,64%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91% (cơ cấu tương ứng của năm 2018 là: 14,68%; 34,23%; 41,12%; 9,97%).
Trải qua 90 năm, Đảng ta đã không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức được đẩy mạnh, được nêu ra trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng mà gần đây là Nghi quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua triển khai thực hiện, các cấp ủy đảnng đã quan tâm, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vụ việc tiêu cực, sai phạm của cán bộ, đảng viên. Tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng cao. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nhiều chuyển biến rõ nét. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, ý thức trách nhiệm với công việc của cán bộ, đảng viên được nâng lên, góp phần khắc phục một bước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Niềm tin của cán bộ và các tầng lớp nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố và nâng cao.
90 mùa xuân có Đảng đã mang đến cho đất nước ta, dân tộc ta biết bao hạnh phúc, tự hào. Nhìn lại chặng đường 90 năm dân tộc ta đi theo ngọn cờ vẻ vang của Đảng, chúng ta càng trân trọng hơn quá khứ, thấm thía hơn những hi sinh xương máu của biết bao thế hệ cha anh đi trước và biết nâng niu hơn những thành quả mà dân tộc ta đã đạt được để tiếp tục đoàn kết, góp sức mình vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.66.