Tin mới nhất

Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế ở Trường Chính trị Bình Thuận (2000 - 2017)

Để nâng cao chất lượng đào tạo, giảng viên không chỉ quan tâm đến hoạt động giảng dạy mà cần chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế thông qua việc thực hiện các đề tài, đề án, viết bài hội thảo, viết bài đăng bản tin, báo, tạp chí, nghiên cứu thực tế cơ sở; trên cơ sở đó, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế vào công tác giảng dạy.

Tuy nhiên hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận trong những năm trước đây ít được quan tâm, hơn nữa đội ngũ giảng viên của trường còn mỏng chưa đủ mạnh để tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế cơ sở. Kể từ khi Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 268/QĐ-HVCT-HCQG, ngày 03 tháng 02 năm 2010 về “Quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc của giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”; trên cơ sở những quy định chung mà các quy chế của Học viện đề cập, để các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của các trường chính trị có cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ chính trị; trên cơ sở đó, Trường Chính trị Bình Thuận đã cụ thể hóa một số nội dung trong quy chế cho phù hợp với tình hình cụ thể của Trường như sau:

* Về hoạt động nghiên cứu khoa học:

Đối với đề tài khoa học cấp tỉnh: những năm trước đây, cán bộ nghiên cứu, giảng viên của trường rất ít, hầu như nhà trường chỉ cử cán bộ, giảng viên tham gia cùng với một số ban, ngành trong tỉnh thực hiện các đề tài khoa học cấp tỉnh, như: “Địa chí Bình Thuận”; Tổng kết 10 năm (1986 - 1996) thực hiện phương châm: “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra” tỉnh Bình Thuận; “Xây dựng thực lực cốt cán trong vùng đồng bào Thiên chúa giáo tỉnh Bình Thuận”. Đến năm 2005, nhà trường chính thức được Hội đồng khoa học tỉnh duyệt triển khai thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh: “Chất lượng hệ thống chính trị các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tỉnh Bình Thuận - Thực trạng và giải pháp”, đã nghiệm thu vào tháng 11/2006 đạt loại khá. Từ năm 2007 đến nay, nhà trường rất quan tâm đến việc tham gia thực hiện đề tài cấp tỉnh, đã 03 lần đề xuất tên đề tài và thông qua Hội đồng khoa học tỉnh, vì nhiều lý do khác nhau, nên các đề tài không được duyệt; vì thế hơn 10 năm qua, Trường chưa có cơ hội để thực hiện đề tài cấp tỉnh.

Đối với đề tài khoa học cấp trường: Trước đây, thực lực có khả năng nghiên cứu khoa học của trường còn mỏng, đội ngũ chuyên trách tham mưu cho lãnh đạo trường về quản lý hoạt động khoa học còn thiếu; bên cạnh đó sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành về hoạt động nghiên cứu khoa học chưa đồng bộ, chưa thống nhất, thiếu các văn bản pháp quy, chế độ, chính sách, đặc biệt là chế độ tài chính hầu như không có quy định; vì thế nhà trường chưa thực hiện đề tài khoa học cấp trường. Từ tháng 9/1999 đến nay, khi Phòng Khoa học-Thông tin-Tư liệu thư viện được thành lập (nay là Phòng Nghiên cứu KH-TT-TL), bộ phận chuyên trách đã tham mưu giúp Hiệu trưởng quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học, song song với nhiệm vụ được giao, đội ngũ cán bộ của trường được cử đi đào tạo ở các cơ sở đào tạo lý luận chính trị ngày càng nhiều, nhờ đó đã góp phần nâng dần số lượng giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ của tỉnh, điều đó làm tăng số lượng cán bộ nghiên cứu, giảng dạy có khả năng tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó việc triển khai thực hiện đề tài cấp trường từng bước được nâng cao. Cụ thể từ năm 2001 đến nay, nhà trường đã triển khai thực hiện 15 đề tài khoa học cấp trường, trong đó đã tổ chức nghiệm thu 14 đề tài khoa học cấp trường; nhiều đề tài khoa học được ứng dụng vào thực tiễn công tác đạt hiệu quả cao.

Hội thảo: đã tổ chức 32 hội thảo khoa học cấp trường với nhiều nội dung đa dạng, phong phú gắn với các hoạt động quản lý, nghiên cứu và giảng dạy của trường.

Phát hành tập sách:Lịch sử Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận (1962 - 2012)”.

Bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn: phát hành 22 bản tin Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận, chủ đề các bản tin chủ yếu xuất bản vào các ngày lễ trọng đại của đất nước, ngày nhà giáo Việt Nam và kỷ niệm thành lập Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận.

Ngoài ra đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường còn tham gia viết bài nghiên cứu khoa học các đề tài (ngành ngoài), bài đăng các báo, tạp chí, website Đảng bộ tỉnh và một số kỷ yếu khác.

* Về hoạt động nghiên cứu thực tế:

Trên cơ sở kế hoạch nghiên cứu thực tế đã được xây dựng hàng năm, các khoa xây dựng kế hoạch cụ thể đi nghiên cứu thực tế trên một số địa bàn huyện, tỉnh. Sau các đợt nghiên cứu thực tế, các khoa viết báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế. Qua các đợt nghiên cứu thực tế, giúp giảng viên bổ sung kiến thức về hoạt động thực tiễn, từ đó gắn kết kiến thức đã nghiên cứu vào quá trình giảng dạy, góp phần phục vụ bài giảng thêm sinh động, phong phú hơn. Đặc biệt trong năm 2017 nhà trường đã cử 04 giảng viên đi nghiên cứu thực tế cơ sở với thời gian 6 tháng, đến nay 04 giảng viên đã hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu thực tế đợt 1 - năm 2017. Ngoài ra, hàng năm nhà trường tổ chức đoàn đi nghiên cứu thực tế ngoài tỉnh nhằm tạo điều kiện cho giảng viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm các trường bạn.    

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của trường cũng còn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định, đó là:  

Thứ nhất, mặc dù thực lực nghiên cứu khoa học của trường ngày càng nhiều, tính đến thời điểm hiện nay đội ngũ nghiên cứu, giảng dạy của trường có 22 đồng chí, trong đó thạc sĩ 17, cử nhân 08, đang nghiên cứu sinh 02, đang học cao học 02. Nhưng trong những năm qua Hội đồng khoa học tỉnh chưa quan tâm nhiều công tác nghiên cứu khoa học của Trường, nên chưa mạnh dạn giao đề tài khoa học cấp tỉnh thuộc lĩnh vực khoa học xã hội cho trường đảm nhận.

Thứ hai, để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh yêu cầu các trường chính trị đến năm 2018 đều có đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, trong khi đó việc đề xuất đề tài khoa học cấp tỉnh phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương đối với Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận gặp không ít khó khăn.

Yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị ngày càng nhiều, đòi hỏi cán bộ, giảng viên cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế để giúp giảng viên có thêm kiến thức thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy ngày càng tốt hơn. Muốn vậy, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên về tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế; phát huy hơn nữa vai trò chủ động của phòng tham mưu; Hội đồng khoa học trường; tiếp tục thực hiện tốt các Quy chế hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế theo quy định.

Hai là, lãnh đạo trường tạo điều kiện và cơ chế thích hợp để mỗi giảng viên độc lập trong việc đề xuất và làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp trường.

Ba là, tăng cường mối quan hệ phối hợp với một số đơn vị liên quan trong tỉnh, các huyện để thu thập thông tin, thực tiễn cuộc sống cơ sở nhằm phục vụ công tác đào tạo.

Ngoài ra, đề nghị UBND tỉnh và Hội đồng khoa học tỉnh quan tâm, tin tưởng, mạnh dạn giao nhiệm vụ nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh thuộc lĩnh vực khoa học xã hội để nhà trường có điều kiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, góp phần giúp tỉnh tổng kết thực tiễn trên cơ sở gắn lý luận với đời sống xã hội.

 Để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, từ đó gắn kết kiến thức lý luận với thực tiễn để nâng cao chất lượng giảng dạy góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo của trường./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số