Tin mới nhất

Những kết quả hoạt động của Khoa Dân vận (từ năm 2010 đến nay)

Khoa Dân vận được tách ra từ Khoa Xây dựng Đảng và Dân vận từ ngày 01/3/2010, theo Công văn số 2607-CV/BTCTU, ngày 25/02/2010 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Quyết định số 10/QĐ-TCT của Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận. Khi mới thành lập, biên chế của khoa gồm có 05 đồng chí; trong đó, 01 Trưởng khoa, 02 Phó Trưởng khoa và 01 giảng viên, 01 chuyên viên. Do yêu cầu công tác, nhân sự của khoa đã có nhiều lần biến động; đặc biệt, là từ cuối năm 2012 đến giữa năm 2014, Khoa chỉ còn 02 đồng chí; đến tháng 8 năm 2014 Ban Giám hiệu điều động từ Khoa Xây dựng Đảng sang 02 đồng chí. Tháng 12 năm 2015 luân chuyển 01 đồng chí chuyên viên phòng Tổ chức - Hành Chính - Quản trị về Khoa, đến tháng 3 năm 2016 Ban Giám hiệu điều động 01 đồng chí chuyên viên của Khoa về phòng Đào tạo. Hiện nay, nhân sự của khoa tương đối ổn định với 04 đồng chí, gồm: 01 Trưởng Khoa, 01 Phó Trưởng khoa, 01 giảng viên, 01 chuyên viên. Từ năm 2010 đến nay, tuy nhiều lần thay đổi về nhân sự, song tập thể Khoa đoàn kết, gắn bó, cộng đồng trách nhiệm phấn đấu vượt qua khó khăn và đạt được một số kết quả đáng khích lệ trên các mặt công tác được giao.

Về hoạt động giảng dạy

Đối với hệ đào tạo: Khoa được Ban Giám hiệu phân công phụ trách giảng dạy 02 môn học: Một số kỹ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở (phần VI.1) và Nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể ở cơ sở (phần VI.2) (nay đổi tên Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (phần V.1) và Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở (phần V.3) trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Kết quả từ năm 2010 - 2017, Khoa đã tham gia giảng dạy ở 49 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cả ở hệ tập trung và hệ tại chức.

Đối với hệ bồi dưỡng: Khoa tham mưu phối, kết hợp với các phòng, khoa của Trường; các tổ chức Mặt trận, các đoàn thể, ban, ngành của tỉnh, triển khai thực hiện các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân vận, Mặt trận, các đoàn thể, công tác tôn giáo, dân tộc. Đặc biệt là phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để triển khai, tham gia giảng dạy đối với lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, nhà tu hành ở 04 cụm trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, Khoa Dân vận còn đảm nhận phần xử lý tình huống trong các lớp Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ kinh nghiệm công tác; kỹ năng xử lý tình huống đối với các bộ công chức và một số chức danh không chuyên trách cấp xã giai đoạn 2011 - 2015 theo Kế hoạch số 11-KH-TU ngày 20/7/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận. Trong 07 năm qua, đã phối hợp tham gia mở được 36 lớp bồi dưỡng, tập huấn thuộc các chức danh chủ chốt trong hệ thống chính trị các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Mặt khác, để nâng cao chất lượng giảng day, mỗi giảng viên của Khoa tự đầu tư nghiên cứu trau dồi chuyên môn, kết hợp đồng bộ giữa phương pháp giảng dạy truyền thống và phương pháp giảng dạy tích cực; do vậy, 100% giảng viên của khoa soạn giảng giáo án điện tử theo chương trình Powerpoint. Bên cạnh đó, Khoa đã thường xuyên cải tiến, nâng cao chất lượng ra đề thi hết môn học, đề thi tốt nghiệp cuối khóa chương trình Trung cấp LLCT-HC (khối kiến thức 3)…thông qua nhiều hình thức thi như: trắc nghiệm (trên giấy, trên máy), vấn đáp, tự luận; dành thời gian hợp lý trên lớp cho thực hành và xử lý các bài tập tình huống. Qua đó, từng bước nâng cao ý thức chủ động tích cực của học viên trong mỗi buổi học; từ đó, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Song song với các hoạt động trên, Khoa Dân vận chú trọng thực hiện khá tốt công tác giảng tập, giảng duyệt, thao giảng, dự giờ. Trong những năm qua khoa đã giúp đỡ 02 chuyên viên giảng thành công 02 bài trước Hội đông chuyên môn nhà trường. Từ năm 2010 đến nay có 05 lượt giảng viên của Khoa được công nhận giảng viên dạy giỏi cấp trường đạt khoảng 80%; trong đó, có 01 giảng viên đạt loại giỏi trong Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc lần thứ V năm 2014 và năm 2017 nhà trường cử 01 giảng viên của Khoa tham dự thi Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc lần thứ VI.

Bên cạnh hoạt động chuyên môn, Khoa đã thực hiện khá tốt công tác xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể của nhà trường. Đảng viên và quần chúng trong Khoa tham gia học tập đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; tích cực tham gia xây dựng Đảng, góp phần xây dựng Chi bộ giảng viên và Đảng bộ nhà trường trong sạch vững mạnh; hưởng ứng và thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh” với những việc làm thiết thực hiệu quả. Hàng năm, 100% đảng viên trong Khoa được xếp loại đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, giảng viên, chuyên viên trong Khoa luôn chủ động, tham gia phong trào, đoàn kết xây dựng các đoàn thể nhà trường vững mạnh, xuất sắc; ngoài ra, còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng các loại quỹ xã hội - từ thiện do các tổ chức phát động.

Về hoạt động nghiên cứu khoa học

Bên cạnh công tác giảng dạy, các thành viên trong Khoa đã tích cực tham gia viết bài trong các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học cấp trường, cấp khoa; tham gia hội thảo khoa học do nhà trường phối hợp với Hội Liên hiệp Khoa học tỉnh tổ chức; với chủ đề “Trí thức Bình Thuận với việc học tập làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh” và Hội thảo kỷ niệm “60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” và Hội thảo “Cách mạng tháng Mười Nga và ý nghĩa đối với thời đại”. Tổ chức hội thảo khoa học cấp khoa; với chủ đề: “Trao đổi một số vấn đề về giảng dạy môn Nghiệp vụ công tác Đảng và đoàn thể ở cơ sở (phần VI.2)”, phối hợp với Khoa Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học cấp khoa; với chủ đề “Công tác thao giảng ở Trường Chính trị Bình Thuận”, và Khoa Nhà nước và pháp luật với chủ đề “Nâng cao chất lượng ra đề thi, đề kiểm tra dạng tự luận đối với các lớp Trung cấp LLCT - HC ở Trường Chính trị Bình Thuận. Đặc biệt năm 2016, khoa đã triển khai đề tài “Biên soạn đề cương phần Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở và Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở” của chương trình Trung cấp LLCT - HC do đ/c Trần Thị Minh Hoài làm chủ nhiệm đã nghiệm thu đạt loại khá và đề tài “Biên soạn bộ câu hỏi thi trắc nghiệm phần Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở và Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở” do đ/c Trần Thị Minh Hoài và Võ Thị Thanh Hải (đồng chủ nhiệm) đã nghiệm thu đạt loại khá.

Ngoài ra, các thành viên trong Khoa còn tích cực tham gia viết bài cho Nội san, Đặc san, Bản tin thông tin lý luận và thưc tiễn, Website của Trường, Bản tin của địa phương; viết bài cho báo, đài địa phương và Trung ương. Hàng năm 100% giảng viên của Khoa đã hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo quy định.

Về hoạt động nghiên cứu thực tế

Hàng năm, sau khi có sự trao đổi, bàn bạc thống nhất của các thành viên trong khoa về hoạt động nghiên cứu thực tế theo quy định của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Khoa xây dựng kế hoạch đi nghiên cứu thực tế ở các cơ quan, đơn vị các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Cùng với kế hoạch chung, các thành viên lên kế hoạch riêng để tự thực hiện. Để hoạt động này đạt kết quả cao, Khoa đã tiến hành xây dựng phiếu khảo sát, phiếu khai thác thu thập thông tin, nghiên cứu sâu theo cụm chuyên đề về tình hình hoạt động của cả hệ thống chính trị, của cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn trong tỉnh; đồng thời, thông qua học viên các lớp học tại trường và ở các huyện để nắm bắt thêm tình hình hoạt động thực tiễn của công tác dân vận ở các địa phương trong tỉnh. Qua nghiên cứu thực tế, mỗi giảng viên đã phát hiện, tổng kết nhiều vấn đề thiết thực để phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy. Từ năm 2010 đến nay, tập thể Khoa đã thực hiện được 125 ngày vượt 42 ngày nghiên cứu thực tế theo quy định của Học viện. Qua đó, đã xây dựng được 46 bài tập tình huống phục vụ cho các phần học do Khoa đảm nhận.

Bên cạnh nhưng kết quả đạt được hoạt động của Khoa Dân vận trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập như: tổ chức bộ máy nhân sự luôn có sự biến động, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, công tác giảng dạỵ và tham gia các hoạt động chung của Trường. Khoa đảm nhận giảng dạy 02 môn học, nhưng hầu hết giảng viên của khoa không được đào tạo chuyên ngành Dân vận và Nghiệp vụ, kỹ năng công tác lãnh đạo, quản lý, lại được luân chuyển từ các chuyên ngành khác sang như: Kinh tế chính trị, Triết học, Chính trị học, Lịch sử Đảng,… đây chính là những khó khăn cho giảng viên khi soạn giáo án và truyền tải nội dung kiến thức đến người học.

Khoa Dân vận được thành lập muộn hơn, do đó, Ban Giám hiệu cần tiếp tục chỉ đạo trực tiếp, toàn diện các mặt hoạt động cũng như quan tâm đến nhân sự của khoa. Đồng thời, tập thể Khoa tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, không ngừng học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên môn, khắc phục những khó khăn, chủ động sáng tạo hoàn thành nhiệm vụ được giao; nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo của nhà trường trong thời gian đến./.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số