Tin mới nhất

Tư tưởng về toàn cầu hoá trong tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và trong văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Cách đây 170 năm, được sự ủy nhiệm của “Đồng minh những người Cộng sản”, ngày 24-2-1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ănghen soạn thảo lần đầu tiên được công bố trước toàn thế giới.

Tuyên ngôn chứa đựng những nội dung đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trong đó có những nội dung thể hiện tư tưởng vượt trước của  C.Mác và Ph.Ănghen gần cả 02 thế kỷ. Một trong những nội dung đó là tư tưởng của các ông về vấn đề toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế - nói theo ngôn ngữ ngày nay.

Tuyên ngôn lần đầu tiên đã chỉ ra khả năng thế giới gắn kết thành một thị trường toàn cầu không bị hạn chế bởi các đường biên giới quốc gia. Điều này có nguyên nhân từ sự phát triển của chính nền sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo ra. Tuyên ngôn đã chỉ ra để có thể tồn tại giai cấp tư sản phải không ngừng “cách mạng hoá công cụ sản xuất”. Và với việc phát triển sản xuất thì kéo theo nhu cầu phải có thị trường tiêu thụ, cũng như phải có nguồn nguyên liệu để cung cấp cho quá trình sản xuất. Giải quyết những việc đó không thể bó hẹp trong lãnh thổ quốc gia như chủ nghĩa phong kiến mà phải mở rộng ra những thị trường, những nơi cung cấp nguyên liệu khác trên thế giới. Dĩ nhiên đi đôi với điều này là sự bóc lột tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đối với những quốc gia, dân tộc, nghèo hơn, lạc hậu hơn.

“ Vì luôn luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những nơi tiêu thụ sản phẩm, giai cấp tư sản xâm lấn khắp hoàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi.

“ Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới”1 (Nghiên cứu tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản,Vũ Tình, NXB Chính trị quốc gia, tr.129-130)

Như vậy, quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản đã làm cho tình trạng cô lập, cát cứ trước đây trong nền sản xuất phong kiến bị xoá bỏ, thay vào đó bằng “những mối quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc giữa các dân tộc”. Các quốc gia không chỉ tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra mà còn tiêu thụ sản phẩm được sản xuất từ “ những miền và xứ xa xôi nhất về”; cũng như không chỉ sử dụng các nguyên liệu bản xứ trong sản xuất mà dùng “những nguyên liệu đưa từ những miền xa xôi nhất trên trái đất đến”.

Rõ ràng, tư tưởng về sự toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế trong điều kiện phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở giai đoạn đó của Tuyên ngôn đã rất sâu sắc. Các tác giả đã chỉ ra tính tất yếu, nguyên nhân của quá trình hình thành thị trường thế giới rất dễ hiểu, logic.  Không dừng ở đó, Tuyên ngôn còn thấy được kết quả kéo theo của sự toàn cầu hoá về kinh tế đó là sự toàn cầu hoá về đời sống tinh thần. Điều này cho thấy sự hình thành đầy đủ về thế giới quan, phương pháp luận duy vật biện chứng của C.Mác và Ph.Ănghen qua tác phẩm này. “Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả và hoạt động tinh thần của một dân tộc đã trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới.” ( Sđd, tr.130)

170 năm trôi qua không làm cho Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản mất đi giá trị mà trái lại càng cho thấy giá trị trường tồn của nó.  Đúng như dự đoán của Mác bắt đầu từ nửa sau của thế kỷ XX, đặc biệt là từ những năm 70 trở lại đây, toàn cầu hóa kinh tế quốc tế đang là một xu hướng khách quan và ngày càng có nhiều nước tham gia. Chúng ta đang sống trong thời đại mà quá trình toàn cầu hoá là xu hướng không thể bỏ qua nếu muốn phát triển. Và  như Tuyên ngôn đã chỉ ra, toàn cầu hoá hiện nay trọng tâm là toàn cầu hoá về kinh tế và trong đó các nước tư bản phương Tây đang là chủ cuộc chơi. Vậy nước ta cần phải làm gì để tận dụng được những ưu điểm của toàn cầu hoá; đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của nó đối với kinh tế cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Đây là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm triển khai thực hiện trong suốt 30 năm đổi mới. Và tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá những kết quả và hạn chế của công tác này. Đảng ta nhận định trong thời gian qua “ Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào việc tăng cường nguồn lực cho phát triển, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước.” (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 151-152)

Kết quả nổi bật nhất của xu thế toàn cầu hóa là đã cho ta khả năng khắc phục khó khăn về nguồn vốn và kỹ thuật hiện đại.

Việt Nam bước vào năm 1986 với một loạt những khó khăn nghiêm trọng, với thất bại của cải cách "giá - lương - tiền", cắt giảm viện trợ từ phía Liên Xô và khối Xã hội chủ nghĩa cùng những yếu kém về tổ chức sản xuất trong nước đã buộc Việt Nam phải tiến hành cải cách. Trong hoàn cảnh đó, chính sách mở cửa, tham gia toàn cầu hóa nhằm hướng tới huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong nước là tất yếu.

Giai đoạn 1986 – 1996: ký kết một loạt các hiệp định thương mại song phương, ban hành và sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài, v.v.

Giai đoạn 1997 -1999: Quá trình hội nhập kinh tế chậm lại do những yếu kém của nền kinh tế đã bộc lộ trầm trọng hơn dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính ở nhiều nước Đông Á. Tăng trưởng kinh tế thấp. Cải cách cơ cấu trong giai đoạn này đã chững lại, thậm chí thiếu nhất quán., nhường chỗ cho một loạt các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng khó khăn của nền kinh tế, nổi bật nhất là chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng.

Trong giai đoạn 2000 - 2016, quá trình hội nhập đã được đẩy nhanh trở lại.

Quá trình đó đã đem lại nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế của đất nước giúp chúng ta có cơ hội để khắc phục khó khăn về nguồn vốn và kỹ thuật hiện đại.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trung bình 7,56%/năm trong giai đoạn 1990 - 2000 và 6,47%/năm trong giai đoạn 2001 - 2015. Tăng trưởng GDP thường ở mức cao trong những giai đoạn hội nhập sâu rộng nhất (1989 -1996 và 2000 - 2006). số người lao động trong các ngành kinh tế liên tục tăng, từ 27,4 triệu người năm 1986 lên 43,3 triệu người năm 2006 và 54,6 triệu người năm 2015 (trung bình tăng 2,4%/năm). Rõ ràng, nếu không có hội nhập kinh tế quốc tế và những cải cách khác, chính sách phát triển khu vực tư nhân và tạo việc làm của Việt Nam khó có thể đạt kết quả đáng kể trong giai đoạn 30 năm vừa qua.

Đi lên từ trình độ phát triển thấp, Việt Nam còn thiếu khá nhiều về tích lũy vốn, khoa học - công nghệ, khả năng quản trị sản xuất, v.v. Trong tình hình đó, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế tạo điều kiện cho Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lũy kế đến hết năm 2015, Việt Nam đã thu hút được gần 281,9 tỷ USD (vốn đăng ký)  từ các dự án FDI. Riêng giai đoạn 2010-2015, mỗi năm các dự án FDI giải ngân được 10,5-11,5 tỷ USD.

Bên cạnh những lợi ích và cơ hội nói trên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng làm tăng áp lực cần thiết từ bên ngoài đối với quá trình cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Hệ thống cơ sở hạ tầng (đường sá, điện, nước,...) cần liên tục được cải thiện nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đăng ký kinh doanh, sản xuất, vận tải,... phải được đơn giản hơn, trong nhiều trường hợp là do kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài. Những định hướng này cũng phù hợp với ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, song cần những "áp lực tích cực" để có thể đi vào thực thi.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó Đảng ta cũng đã cho thấy “….hội nhập quốc tế có mặt chưa chủ động và hiệu quả chưa cao. Chưa có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để hạn chế các tác động tiêu cực trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế” ( Sđd, tr.152)

Phần trên ta đã thấy những cơ hội của VN khi tham gia hội nhập, toàn cầu hóa. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng cho ta thấy những hạn chế của mình, đặt ra không ít thách thức đối với Việt Nam.

Đầu tiên và quan trọng nhất là việc cải thiện khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung cạnh tranh về giá, song đây chỉ là bước đầu. Nếu doanh nghiệp không cải thiện được khả năng cạnh tranh trên các phương diện khác - chẳng hạn như chất lượng, khả năng cung ứng đơn hàng lớn, thời gian cung ứng đơn hàng kịp thời, và kênh phân phối - thì sẽ khó thâm nhập được vào thị trường các đối tác FTA, thậm chí thua ngay trên sân nhà.

Tiếp đến là khả năng tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay không ít doanh nghiệp chỉ tranh thủ tận dụng lợi thế hiện có (lợi thế so sánh tĩnh), với chi phí thấp, dễ làm. Trong khi đó, rất ít doanh nghiệp có khát vọng, xây dựng chiến lược bài bản để tạo dựng thêm các lợi thế cạnh tranh mới (lợi thế so sánh động) với doanh thu cao hơn, do chi phí cao, rủi ro và khó làm hơn.

Thứ ba, thách thức đối với doanh nghiệp trong nước còn đến từ ưu đãi nhiều hơn cho doanh nghiệp nước ngoài. Theo các cam kết quốc tế, Việt Nam phải dành ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài không kém hơn so với doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài đều cao hơn cho doanh nghiệp trong nước.

Thứ tư, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế khác nhau. Do phạm vi, mức độ cam kết và lộ trình thực hiện khác nhau trong các FTA, các doanh nghiệp có thể không tận dụng được hết các cơ hội được tạo ra từ các hiệp định này.

Từ những thành tựu và hạn chế đó, Đại hội đã xác định mục tiêu tổng quát: “….Giữ gìn hoà bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.” ( Sđd, tr.76)

Theo đó, Đại hội chỉ ra trong số 12 nhiệm vụ tổng quát có nhiệm vụ : “ Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới .” ( Sđd, tr.79)

Để thực hiện được nhiệm vụ này Đại hội đã chỉ rõ cần phải: Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Bảo đảm hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh hội nhập trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh của đất nước; hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo điều kiện cho hội nhập kinh tế; hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu bất lợi.”  ( Sđd, tr.154-155)

Những nhiệm vụ trên phải được thực hiện trên nguyên tắc: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.”( Sđd, tr.153)

Toàn cầu hóa hoá mà trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng khách quan của thế giới hiện đại và nó phù hợp với nhu cầu đổi mới của đất nước ta. Quá trình này cần được thực hiện tích cực nhưng phải thật thận trọng, khôn khéo để đảm bảo vừa giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế, nhưng vẫn tận dụng được những thành tựu của nó. Trong quá trình đó chúng ta không được xa rời những tư tưởng, quan điểm của chủ nghĩa Mác về toàn cầu hoá đã chỉ trong tác phẩm bất hủ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C.Mác và Ph.Ăngghen./.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số