Một vài ý kiến trao đổi về nghiên cứu, giảng dạy phần học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

Dưới sự lãnh đạo lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa to lớn: giành độc lập dân tộc, tự do, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới trong cả nước.

Để  mỗi người dân nói chung, người cán bộ lãnh đạo nói riêng biết lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, như lời Bác dặn “dân ta phải biết sử ta”, đó là nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ giảng dạy phần lịch sử Đảng.

Qua nghiên cứu, giảng dạy phần Lịch sử Đảng trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận, tôi xin có vài ý kiến trao đổi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy phần học như sau:

Thứ nhất, Phải bám sát đối tượng của môn học lịch sử Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam có một quá trình lịch sử ra đời và không ngừng trưởng thành về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Vì thế, khi giảng lịch sử Đảng, giảng viên cần trình bày (lồng ghép) quá trình xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Điều này, nhằm giúp cho người học thấy rõ Đảng là lãnh tụ chính trị, là bộ tham mưu và đại diện cho lợi ích của dân tộc Việt Nam.

Đảng ta rất coi trọng công tác nghiên cứu và tổng kết những bài học lịch sử trong từng thời kỳ cũng như trong toàn bộ tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Nghiên cứu và tổng kết các bài học lịch sử của Đảng là một phương pháp nhằm góp phần khắc phục những xu hướng giáo điều và kinh nghiệm chủ nghĩa trong Đảng. Do đó, Người dạy cũng cần trình bày những kinh nghiệm, bài học lịch sử xuyên suốt trong lịch sử cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhằm nâng cao trình độ lý luận và năng lực công tác của cán bộ, đảng viên.

Và cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Đảng là người đề ra đường lối cách mạng và tổ chức lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối. Do đó, lịch sử phát triển của dân tộc từ khi có Đảng lãnh đạo là lịch sử của nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng thông qua các phong trào cách mạng. Vì vậy, Người dạy phải trình bày một cách có chọn lọc các phong trào, sự kiện điển hình, các chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng để thấy được vai trò của quần chúng trong từng bước phát triển của lịch sử.

Thứ hai, Làm rõ bối cảnh lịch sử của mỗi thời kỳ.

Mỗi giai đoạn lịch sử đều gắn với mỗi bối cảnh lịch sử cụ thể. Vì vậy, đối với mỗi thời kỳ, giảng viên cần trình bày bối cảnh lịch sử cụ thể của tình hình trong nước và quốc tế, giúp cho học viên nhận thức được sự trưởng thành về tư duy lý luận cũng như hoạt động lãnh đạo của Đảng, hiểu được vì sao trong quá trình lãnh đạo, bên cạnh những thắng lợi to lớn, có lúc Đảng ta phạm phải sai lầm khuyết điểm; đồng thời, giúp học viên hiểu lịch sử Đảng một cách rõ ràng nhất.

VD: Khi giảng về thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng, nếu không trình bày kỹ tình hình quốc tế từ năm 1917-1930, những tác động của Cách mạng Tháng Mười  Nga, sự ra đời của Quốc trế Cộng sản, những sai lầm tả khuynh trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế sau khi Lênin mất (1924), sẽ không lý giải được sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trong việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng và những nội dung hết sức đúng đắn trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng…

Có thể nói, mỗi thời kỳ lịch sử mang dấu ấn của bối cảnh lịch sử của thời kỳ đó. Giảng viên phải trình bày bối cảnh lịch sử đúng như những gì nó diễn ra, không được đưa tư duy chủ quan khi trình bày hoặc phán xét các vấn đề lịch sử tách rời khỏi bối cảnh cụ thể.

Thứ ba, Phải kết hợp giữa truyền đạt kiến thức cơ bản với cập nhật những thông tin mới.

Bên cạnh việc trình bày những kiến thức cơ bản, nêu bật những thành công của quá trình lãnh đạo của Đảng, sự trưởng thành trong hoàn thiện đường lối, xây dựng Đảng ngang tầm với thời kỳ mới… phải lồng ghép vào nội dung bài giảng những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn đang đặt ra nhằm định hướng cho học viên lý giải những vấn đề thực tế.

Hiện nay, các thế lực thù địch đã đưa ra những thông tin sai lệch, ác ý, gây ra sự hoài nghi trong nhân dân, đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Có nhiều vấn đề lịch sử đã được kiểm nghiệm, kết luận nhưng vẫn bị cố tình lật lại, như: con đường cứu nước của dân tộc ta theo lập trường nào? Có thể tránh được 2 cuộc chiến tranh gây ra nhiều mất mát và đau thương cho dân tộc không? Và dân tộc ta có phải là dân tộc hiếu chiến?...

Vì vậy nhiệm vụ của người dạy, thông qua các bài giảng, bằng kết quả thực tiễn, góp phần bác bỏ những luận điệu sai trái, phản động. Mặt khác, giảng viên bên cạnh việc phải tuân theo giáo trình chính thống thì cần phải biết nắm bắt và chắt lọc trình bày những thông tin mang tính thời sự, gợi mở cho học viên nghiên cứu góp phần vào cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Trên đây là một số vấn đề tôi muốn trao đổi khi nghiên cứu và giảng dạy phần Lịch sử Đảng. Hy vọng sẽ góp phần nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy phần học này ở Trường Chính trị tỉnh./.


Các tin khác