An toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay - vấn đề không của riêng ai

Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) lại trở nên đáng lo ngại, gây bức xúc trong nhân dân nhiều như thời gian gần đây.

Cụm từ “thực phẩm bẩn” thường xuyên được xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian gần đây. Có thể hiểu, “thực phẩm bẩn” không chỉ là vấn đề không đảm bảo vệ sinh trong khâu chế biến, nấu nướng, mà “bẩn” ở đây còn muốn nói đến việc sử dụng các chất phụ gia dùng trong thực phẩm vượt ngưỡng cho phép, sử dụng những hóa chất độc hại trong sản xuất thực phẩm, sản xuất thực phẩm giả, kém chất lượng… gây nên những tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của cộng đồng.

Vì những mục đích khác nhau, các nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm vẫn bất chấp pháp luật, bất chấp tính mạng của người dân để sản xuất những thực phẩm vi phạm quy định an toàn thực phẩm. Các loại thực phẩm từ “thượng vàng” đến “hạ cám” đều có thể bị làm giả, bị sử dụng hóa chất, chất bảo quản, thuốc kích thích tăng trưởng không hợp lý. Chỉ cần lướt qua trên mạng và cũng chỉ cần trong một vài ngày, chúng ta có thể thấy hàng loạt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ATVSTP diễn ra, theo muôn hình vạn trạng: Bún, bánh phở có Formol; miến nhuộm hóa chất; giò chả có hàn the; thịt heo có chất cấm Sabutamol; trái cây nhúng hóa chất; giá đỗ ngậm hóa chất; măng ngâm chất vàng ô; nước ngọt có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép... Hàng ngày, những thực phẩm này có mặt khắp nơi, từ các nhà hàng sang trọng, các quán ăn hè phố đến các bếp ăn tập thể và trong cả bữa ăn của các gia đình.

Tình trạng trên đã trở thành vấn đề báo động trong cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Đoàn Thanh tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra 71 cơ sở sản xuất, chế biến rau, củ, quả thì 31 cơ sở vi phạm; kiểm tra 33 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thì có 20 cơ sở vi phạm; kiểm tra 154 cơ sở kinh doanh rau, củ, quả thì có đến 70 cơ sở vi phạm. Những vi phạm của các cơ sở này là do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai quy định, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm, trang thiết bị sản xuất không đảm bảo….

“Thực phẩm bẩn”, với những hóa chất độc hại không chỉ gây nên những vụ ngộ độc cấp tính mà còn gây nên biết bao mầm bệnh nan y đang ẩn giấu trong cơ thể người tiêu dùng, đang hủy hoại từng giờ, từng phút sức khỏe của người dân Việt Nam, tràn vào từng ngõ ngách, từng mâm cơm của các gia đình, làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ tương lai của của đất nước. Với tình trạng “thực phẩm bẩn” thật giả lẫn lộn như hiện nay, người dân chỉ biết “sống chung với lũ”, phó mặc cho sự may rủi của số phận. Một vị đại biểu Quốc hội cũng đã ví von rằng: chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại ngắn và dễ dàng đến thế để nói lên sự nguy hiểm của thực phẩm bẩn đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Với thực trạng đó, thời gian qua các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao ATVSTP. Nhưng vì sự vô lương tâm của người sản xuất, vì lợi nhuận quá cao, vì chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, nên tình trạng vi phạm ATVSTP vẫn diễn ra ở nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.

Thực tế, để khắc phục vấn nạn ATVSTP không phải ngày một, ngày hai, cũng không phải chỉ riêng một ngành, một cơ quan hay cá nhân nào, mà đòi hỏi phải thực hiện lâu dài với sự chung tay của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và cả sự tham gia của người dân chúng ta với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có những giải pháp chủ yếu cần thực hiện.

Trước hết là sự mạnh tay của các cơ quan chức năng trong phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm ATVSTP để tạo tính răn đe mạnh mẽ; Đồng thời thường xuyên thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện của các cơ sở sản xuất, kinh doanh để kịp thời phát hiện và xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật; Các ngành liên quan cần phải có sự phối hợp tích cực, hiệu quả, tránh chồng chéo trong quản lý ATVSTP.

Thứ nữa là tăng cường công tác tuyên truyền về ATVSTP thông qua truyền thanh, truyền hình; các cơ quan báo chí tăng cường các bài viết, chuyên mục về ATVSTP; tăng cường đưa tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về thực phẩm an toàn, nhất là các mô hình, điển hình về sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn cũng như các vụ việc vi phạm ATVSTP cho người dân nhận biết, tạo thói quen cho người dân sử dụng thực phẩm an toàn.

Tiếp đến cần phát huy vai trò của nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh tố giác các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm ATVSTP để cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

“Có thực mới vực được đạo”, ăn, uống là nhu cầu hàng ngày, cần thiết, cấp bách của con người. Vì vậy, đảm bảo cho người dân được dùng những thực phẩm sạch, an toàn giữ vị trí vô cùng quan trọng và đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng trong việc nâng cao sức khỏe của người dân, giảm tỷ lệ mắc bệnh, dùy trì và phát triển nòi giống để thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.


Các tin khác