Ý nghĩa bài báo nói “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có giá trị lịch sử như một Cương lĩnh kháng chiến, chứa đựng những quan điểm cơ bản về tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước của dân tộc; là mệnh lệnh tiến công cách mạng, tạo khí thế để nhân dân cả nước đứng lên chiến đấu với mọi vũ khí sẵn có với một ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Vừa là một nhà cách mạng kiệt xuất, Hồ Chí Minh còn là một bậc thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Chính Người đã sáng lập và là linh hồn của nhiều tờ báo vô sản đầu tiên ở nước ta, Người đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho hoạt động báo chí của mình. Hơn một nửa thế kỷ trực tiếp tham gia và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy báo chí làm vũ khí sắc bén để tiến công kẻ thù, một phương tiện hoạt động có hiệu quả, nhanh nhạy trong quá trình vận động của cách mạng.

Trong kho tàng báo chí của Hồ Chí Minh rất đa dạng và phong phú với khoảng trên dưới 2000 bài báo, với nhiều thể loại khác nhau, trong đó một thể loại mà Người rất quan tâm đó là thể loại báo nói. Thể loại này được Hồ Chí Minh viết dưới dạng những bài phát biểu, những lời kêu gọi… Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 19/12/1946 được xem là một văn kiện chính trị quan trọng của Nhà Nước và cũng được coi là một bài báo nói của Người.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tuy đất nước được độc lập, tự do nhưng chính quyền còn non trẻ phải đứng trước những thử thách lớn lao của nạn thù trong, giặc ngoài. Nền kinh tế đất nước rơi vào tình trạng kiệt quệ do hậu quả của chiến tranh gây ra. Ngày 23/9/1945, nấp sau lưng quân đội Anh, Pháp quay trở lại nổ súng xâm lược Sài Gòn rồi mở rộng ra toàn Nam Bộ. Ở miền Bắc, quân Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa vào tước khí giới quân Nhật, nhưng thực chất là âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của ta. Trước dã tâm ấy, bằng tất cả khả năng có thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng ta đã tìm mọi cách để giữ gìn hòa bình. Nhưng bọn thực dân Pháp với dã tâm xâm lược nước ta đã liên tục gây hấn, phá hoại nền độc lập của dân tộc ta.  Con thuyền cách mạng Việt Nam đang ở vào lúc sóng gió nhất. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trách nhiệm nặng nề và cao cả của mình trước nhân dân. Lúc này, tiếng nói của Người trên báo chí đã mang thêm những danh nghĩa mới. Với cương vị là Chủ tịch nước, Người đã viết và đọc“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vào ngày 19/12/1946 với bút danh Hồ Chí Minh, tại nhà ông Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc, thị xã Hà Ðông, tỉnh Hà Tây.

Lời kêu gọi chính là sự quy tụ, đúc kết ý chí quyết tâm của toàn dân trước thử thách có ý nghĩa sống còn của dân tộc:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”[1].

Lời kêu gọi kháng chiến chính là lời của non nước kêu gọi mọi người dân phải biết hy sinh trong giờ phút đất nước hiểm nguy “Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”[2].

Khi hoàn cảnh nước ta mới giành được độc lập, chưa được các nước trên thế giới công nhận thì cuộc kháng chiến của nhân dân ta phải tự lực, cánh sinh “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước[3]

 Lời kêu gọi Người viết rất ngắn, súc tích chỉ có gần 200 chữ nhưng đã vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, trình bày lập trường và nguyện vọng thiết tha với hòa bình của dân tộc ta, biểu lộ rõ càng thiết tha với hòa bình, càng kiên quyết đập tan mọi âm mưu của bọn phá hoại hòa bình. Người cũng đã vạch ra chiến lược chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đồng thời khẳng định cuộc kháng chiến sẽ nhất định đi đến thắng lợi vẻ vang.

Lời kêu gọi của Bác có một tác dụng rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, trong điều kiện lúc bấy giờ, hoàn cảnh đất nước khó khăn, phương tiện kỹ thuật hạn chế. Đồng bào cả nước khi được nghe giọng nói ấm áp, truyền cảm của Bác trên sóng phát thanh như càng được tiếp thêm sức mạnh, động viên tinh thần lớn lao trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể để đưa ra lời kêu gọi hết sức sáng suốt, kịp thời và mang một ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà. Đó cũng chính là sự vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh riêng của nước Việt Nam. Đó cũng là một nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh cách mạng thống nhất  nước nhà./.

 


[1] Hồ Chí Minh Toàn tập (2009), Tập 4, Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang.480.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập (2009), Tập 4, Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang.480.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập (2009), Tập 4, Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang.480.


Các tin khác