Cuộc chiến chống dịch COVID - 19 và những người “hi sinh” thầm lặng

“Chống dịch như chống giặc” đó là câu nói thể hiện đầy đủ nội dung và ý nghĩa của việc chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Đây cũng là mệnh lệnh thể hiện tính khẩn trương, mạnh mẽ và quyết liệt huy động cả hệ thống chính trị cùng toàn dân đoàn kết một lòng từng bước đẩy lùi và sẽ chiến thắng dịch bệnh trên toàn quốc. Để thực hiện được điều này, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của Chính Phủ bằng các văn bản như  Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch COVID-19; Đáng lưu ý là Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về việc cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020 thì không thể không nhắc tới sự “hi sinh” thầm lặng của những tổ chức, cá nhân vì mục tiêu chung của đất nước, vì cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.

Kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào ngày 23/01/2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho đến nay 08/04/2020 chúng ta ghi nhận có 251 ca nhiễm trong đó có 126 ca đã phục hồi. Có thể nói chúng ta đang từng bước kiểm soát tốt không để dịch bệnh bùng phát và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong giám sát, bảo đảm phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm, bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành. Kết quả này ghi nhận nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 của toàn dân, các cơ quan từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt là đóng góp lớn lao của ngành y tế, Quân đội Nhân Dân và Công an Nhân Dân…

Đối với ngành y tế là sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam, từ những người làm công tác nghiên cứu khoa học, vệ sinh dịch tễ đến điều trị lâm sàng. Với lương tâm nghề nghiệp, vì sức khỏe cộng đồng, vì trách nhiệm cứu người và y đức thiêng liêng, họ đã quên thân mình, chấp nhận hiểm nguy, gian khổ để giúp phòng ngừa dịch bệnh, để cứu người bệnh, xây dựng phác đồ điều trị hữu hiệu và tìm ra vắc-xin điều trị những căn bệnh nguy hiểm. Phải yêu nghề đến mức nào họ mới vượt qua nỗi lo sợ dịch bệnh COVID-19 để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona đang khiến cả toàn cầu lo lắng. Xa gia đình, người thân, lấy bệnh viện là nhà, công việc nặng nhọc và nguy hiểm không làm họ sờn lòng. Các y - bác sĩ Bệnh viện nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, Bệnh viện Đa khoa thành phố Đà Nẵng,... và nhiều bệnh viện khác trên cả nước, cùng y - bác sĩ ở các trung tâm kiểm soát bệnh tật ở các địa phương suốt hơn ba tháng qua đã căng mình chống dịch, nhiều người làm việc xuyên Tết với lòng tin sẽ cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Xúc động biết bao những nụ cười rạng rỡ và giọt nước mắt vui mừng của bệnh nhân ngày ra viện, được cứu chữa, qua ải tử thần, trở về với cuộc sống với mái ấm gia đình của họ.

Bên cạnh các bác sĩ điều trị là sự quên mình, nỗ lực nghiên cứu của các bác sĩ, nhà khoa học trong các phòng thí nghiệm. Bằng tài năng và ý chí, các nhà khoa học Việt Nam tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus corona mới, đưa Việt Nam là nước thứ 4 trên thế giới làm được điều này. Trong phòng thí nghiệm đó, chỉ một sơ sẩy nhỏ, các mẫu bệnh phẩm phát tán virus ra ngoài, cán bộ xét nghiệm là người lây nhiễm đầu tiên thì chính họ có thể bị nhiễm virus này. Biết là nguy hiểm nhưng đã chọn nghề nên họ sẵn sàng chấp nhận và đối mặt, vượt qua. Thành công này tạo tiền đề trong việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin trong tương lai, đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn. Không chỉ có Học viện Quân y, các nhà khoa học khác của Việt Nam cũng đang tiếp tục phát triển nhiều bộ kít test nhằm xét nghiệm Covid-19. Trước đó, nhóm nghiên cứu của PGS, TS Đồng Văn Quyền và PGS, TS Đinh Duy Kháng (Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng từng tuyên bố về việc đã chế tạo thành công bộ kít phát hiện virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã phát triển thành công bộ công cụ phát hiện nhanh chủng virus corona mới cho kết quả trong vòng 70 phút. Khác với các bộ kít trước đó, bộ kít đẳng nhiệt của Đại học Bách khoa Hà Nội không cần đến các máy Real-time PCR, thay vào đó, nó sử dụng các block nhiệt hết sức đơn giản với giá thành chưa đến 2 triệu đồng. Những thành tựu y học trong nghiên cứu khoa học cùng những kết quả điều trị lâm sàng của Việt Nam là rất đáng tự hào, họ là những người chiến sĩ mặc áo blouse trắng đã đem lại điều quý giá nhất trong cuộc sống là sức khỏe và sinh mạng con người, họ xem hạnh phúc của nhân dân cũng là niềm hạnh phúc của họ.

Đối với lực lượng Quân đội Nhân Dân, Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, là sự “hi sinh” thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ Quân đội, sẵn sàng “nhường cơm, xẻ áo”, dành cho bà con Nhân dân ở khu cách ly tập trung những cơ sở vật chất tốt nhất, điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất và tiêu chuẩn văn hóa tinh thần cao nhất để bà con yên tâm và hoàn thành thời gian cách ly theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Những tâm thư, những dòng lưu bút, nhật ký, những câu chuyện được viết bằng thơ, bằng hình ảnh và những dòng cảm xúc tốt đẹp nhất trên mạng xã hội của bà con đang trong khu cách ly hoặc khi được trở về nhà sau khi hết thời gian cách ly y tế chính là tình cảm, sự ghi nhận chân thực và sinh động nhất của họ về những đóng góp của Quân đội phòng, chống dịch COVID-19. Thêm lần nữa, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được tỏa sáng trong lòng Nhân dân, góp phần tăng cường gắn bó máu thịt giữa Quân đội với Nhân dân trong tình hình mới.

Đối với lực lượng Công an Nhân Dân, họ là một trong những lực lượng đi đầu tham gia công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; họ đã thực hiện nhiều biện pháp, cách làm hết sức cụ thể để phòng, chống dịch bệnh, như: Kiểm soát chặt chẽ việc xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, hạn chế dịch bệnh lây lan vào trong nước; thường trực bảo vệ an ninh, trật tự các khu vực cách ly tập trung; phối hợp với các lực lượng quân đội, y tế thực hiện tốt công tác phát hiện, tìm kiếm, giám sát cách ly đối với những người nhiễm, nghi nhiễm dịch COVID-19; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai về dịch bệnh; tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi lừa đảo, trục lợi liên quan đến phòng, chống dịch bệnh… Các đồng chí là lực lượng tuyến đầu, không quản ngại, khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh, có thể bị lây nhiễm dịch COVID-19 trong bất cứ lúc nào để sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ. Hành động của toàn lực lượng Công an nhân dân xứng đáng là điểm tựa tinh thần của quần chúng nhân dân, là chỗ dựa vững chắc của đồng bào, đồng chí cả nước trong công cuộc phòng, chống và quyết tâm đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó còn rất nhiều những tổ chức, cá nhân sẵn sàng hi sinh lợi ích của bản thân để cùng chung tay, góp sức với Đảng, Nhà nước “chiến đấu” với dịch bệnh đang diễn ra ngày càng phức tạp. Những tấm gương tiêu biểu như cụ Lê Thị Niệm (78 tuổi) ở Thanh Hóa và cụ Nguyễn Thị Huệ (98 tuổi) ở Nghệ An... khi nghe lời kêu gọi toàn dân chống dịch của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù các cụ tuổi già, sức yếu cũng tình nguyện góp công, góp của vào công cuộc chống dịch của quốc gia.

Tuy nhiên, trong chiến dịch phòng chống dịch mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang quyết liệt thực hiện thì vẫn còn những hành vi thiếu hiểu biết của một số người dân khi vẫn tụ tập đông người, không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, hay tìm mọi cách để trốn khỏi nơi cách ly, không chấp hành chỉ dẫn của cơ quan chức năng khi hướng dẫn cách ly, chỉ trích, chê bai đồ ăn, điều kiện sinh hoạt ở nơi cách ly; những hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ, sản xuất hàng giả để thu lợi bất chính, xuất hiện nhiều tin giả, tin thất thiệt nhằm trục lợi cá nhân gây hoang mang dư luận... cần phải được xã hội đấu tranh và lên án mạnh mẽ để làm cho xã hội tốt hơn, mọi người cùng đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, đẩy lùi dịch bệnh COVID - 19.

Tình hình dịch bệnh trong thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, chưa thể nhận định được cụ thể nên nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế cũng như cuộc sống của mỗi người dân. Vì vậy, cả nước ta cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chủ động, cảnh giác để kiểm soát sự lây nhiễm, cần nhiều hơn nữa tinh thần, trách nhiệm sự sẻ chia, chung tay, góp sức, để đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yêu cho Nhân dân./.


Các tin khác