khả năng khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí - góc nhìn từ dịch COVID-19

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do hoạt động của con người gây ra.  

Ô nhiễm không khí có nguyên nhân từ yếu tố tự nhiên và từ con người. Trong đó nguyên nhân do yếu tố tự nhiên như núi lửa, cháy rừng, bão bụi, hay quá trình phân huỷ, thối rữa xác động - thực vật tự nhiên… là nguyên nhân khách quan, khó dự báo và ngăn chặn. Nguyên nhân chủ quan do hoạt động của con người gây ra từ nhiều nguồn khác nhau. Chẳng hạn như từ quá trình sản xuất của các ngành công nghiệp, tạo ra các chất khí độc hại: CO2, CO, SO2, NOx, các chất hữu cơ chưa cháy hết: muội than, bụi. Từ hoạt động giao thông vận tải, đặc biệt là ở khu đô thị và khu đông dân cư.  Hoặc từ các hoạt động trong sinh hoạt của các cộng đồng dân cư, chủ yếu do hoạt động đun nấu, sử dụng nước hoa xịt phòng, gel vuốt tóc, máy điều hoà, các thiết bị sử dụng điện… thải ra các khí độc hại.

Thế giới và Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng ngày càng nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm không khí cùng với những tác hại của nó. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Số liệu thống kê của Liên hợp quốc cũng cho thấy, mỗi giờ có khoảng 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, trung bình 13 người tử vong mỗi phút, gấp ba lần số tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm. Việt Nam cũng có tới 34.232 người tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí. Nguồn gây ô nhiễm không khí, chủ yếu từ các nguồn tại chỗ, như hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ, đốt rác và một số nguồn vận chuyển từ xa. Ô nhiễm không khí không những ảnh hưởng tới sức khỏe con người, nó còn tác động xấu tới quá trình điều trị, khiến bệnh tình nặng hơn, kéo dài thời gian chữa trị, tốn kém công sức và tiền của xã hội.

 Thế giới đã cố gắng tìm kiếm những giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng. Nhiều hội nghị toàn cầu được tổ chức trong thời gian qua, nhưng chưa đem lại kết quả khả quan, vì không đạt được sự đồng thuận của các thành viên. Một số quốc gia là những đất nước công nghiệp phát triển, từ chối ký vào các thoả thuận cắt giảm khí thải, từ chối thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ một trong những giải pháp cơ bản là thay thế các loại máy móc, trang thiết bị, dây chuyền công nghệ lạc hậu, gây nhiều ô nhiễm bằng các dây chuyền công nghệ hiện đại, ít ô nhiễm hơn. Mà điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các ông chủ tư bản.

Những tháng qua, chúng ta đang chứng kiến một thực tế từ cuộc chiến chống COVID-19 là: ô nhiễm không khí của nhiều nước trên thế giới đã giảm mạnh khi thực hiện các biện pháp phong toả, cách ly xã hội, giãn cách xã hội để phòng chống sự lây lan của vius SARS-COVI-2. Các nghiên cứu khoa học cho thấy nồng độ ô nhiễm không khí ở thành phố Rome và Milan của Italy đã giảm 50%, ở Paris ghi nhận mức giảm ô nhiễm lên tới 30%, lượng bụi mịn trong không khí ở Anh đã giảm một nửa, môi trường ở Trung Quốc cũng trong lành hơn rất nhiều…Đó là kết quả của việc người dân hạn chế ra ngoài dẫn đến giảm lưu lượng giao thông; các hoạt động sản xuất, các ngành công nghiệp ngưng sản xuất hoặc cắt giảm tối đa đã làm giảm lượng lớn khí thải độc hại vào không khí…

Rõ ràng chúng ta không mong chờ dịch bệnh để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Và một điều chắc chắn là sau khi dịch COVID-19 qua đi, các nền kinh tế dần vận hành trở lại, mà không có thay đổi gì, thì trái đất lại chìm vào tấm màn mờ mịt của ô nhiễm không khí.

Nhưng điều này, một lần nữa chứng tỏ con người với những hoạt động bất chấp quy luật tự nhiên, chính là thủ phạm của tình trạng ô nhiễm không khí; bi kịch hơn, con người lại chính là nạn nhân của những hành vi thiếu văn minh, không đạt chuẩn văn hoá của mình. Mặt khác, cũng cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí bằng nhận thức đúng đắn, bằng sự đồng lòng, hợp lực, bằng sự chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia, các cộng đồng, tầng lớp dân cư. Chúng ta buộc phải làm như vậy vì cuộc sống của chính mỗi người, mỗi quốc gia; bởi lẽ như COVID-19, tác hại của ô nhiễm không khí không chừa một ai, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, sang hèn, không phân biệt quốc gia, dân tộc. Khi nào mà nhân loại còn đối xử bất công với tự nhiên, thì khi đó còn phải nhận hậu quả không thể lường trước được. Như Ph. Ăng ghen đã viết “...chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên, và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với giới tự nhiên biểu hiện ở chỗ là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác.”[1]./.


[1] Biện chứng của tự nhiên, Ph. Ăng ghen, NXB ST, Hà Nội năm 1976, tr. 271,272.

 


Các tin khác