Đảng viên trẻ Trường Chính trị học tập và phát huy tinh thần nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, cả cuộc đời Người đều dành trọn cho quê hương, đất nước. Người ra đi để lại cho dân tộc Việt Nam một kho tàng lý luận quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách. Trong đó, cuộc đời của Người là một tấm gương mẫu mực, một phong cách sống đời thường mà dạt dào tình cảm, một nhân chứng về sự tự giác nêu gương, giữa nói đi đôi với làm. Tấm gương của Người là động lực tinh thần vô cùng to lớn, là những giá trị nhân văn trong chuẩn mực đạo đức của người chiến sĩ cách mạng có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn và lan tỏa rộng rãi cho đến ngày nay.

Đối với cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh xác định, nội dung nêu gương phải được thể hiện đầy đủ ở nhiều khía cạnh như: bản thân phải nêu gương, nêu gương trong phát huy tinh thần đoàn kết, nêu gương trong mối quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp, nêu gương trong công việc... Từng khía cạnh đều thể hiện những giá trị cốt lõi và có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đồng thời, việc học tập, nêu gương của Người không chỉ làm sáng tỏ những giá trị, những phẩm chất cao quý thể hiện trong nhân cách của Hồ Chí Minh, mà qua đó còn giúp cho cán bộ, đảng viên biết rèn luyện bản thân mình, phấn đấu vươn lên và vận dụng một cách sáng tạo những giá trị mà mình học được vào thực tiễn công việc cũng như cuộc sống. Đặc biệt, trong công tác xây dựng Đảng để góp phần xây dựng đảng bộ, chi bộ ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt, bởi theo Người “lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[1]. Vì vậy, thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là học tập, nêu gương của Người để trở thành người cán bộ, đảng viên mẫu mực, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, trong thời gian qua, các đảng viên trẻ trong Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã không ngừng nêu gương, phấn đấu, học tập rèn luyện, nâng cao ý thức trách nhiệm và được thể hiện ở những khía cạnh mà mình có thể thực hiện:

Trước hết, đối với bản thân: nêu gương tức là mình phải làm gương, phải hoàn thiện kể trong công việc cũng như trong cuộc sống, muốn hoàn thiện thì phải trải qua quá trình phấn đấu, rèn luyện và học hỏi. Nêu gương cả trong đạo đức, lối sống và phẩm chất chính trị. Là một thành viên của Đảng bộ trường, mỗi đảng viên trẻ đều có lập trường tư tưởng vững vàng, luôn chấp hành và tuyên truyền vận động Nhân dân, học viên thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với các chuyên đề hang năm. Luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, đặc biệt là công tác giảng dạy, có tinh thần cầu tiến, ý thức để tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình.

Bên cạnh đó, mỗi một đảng viên đều ý thức mình phải là tấm gương, vì vậy trong ngôn ngữ, cử chỉ, hành động đều phải chú ý và thể hiện tinh thần của một đảng viên, phải mẫu mực, trách nhiệm, khiêm tốn, giản dị, khoan dung, độ lượng, phải xông pha để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Thứ hai, nêu gương trong phát huy tinh thần đoàn kết, với đồng chí, đồng nghiệp và học viên

Có thể nói, các đảng viên luôn thể hiện nhất quán tinh thần đoàn kết, yêu thương lẫn nhau và xác định, tinh thần đoàn kết là cái cốt, là một trong những nhân tố hết sức quan trọng để xây dựng Đảng bộ nhà trường trong sạch, vững mạnh. Để thực hiện tốt, với đồng chí, đồng nghiệp của mình, các đảng viên trẻ luôn lễ phép, có ý thức tôn trọng, hòa đồng với mọi người xung quanh. Đăc biệt, trong góp ý, phê bình, nhiều đảng viên trẻ luôn thể hiện tinh thần xung kích và rất có ý thức tự giác trong tự phê bình và phê bình để giúp nhau cùng xây dựng và phát triển. Góp ý, phê bình một cách chân thành, thẳng thắn kể cả những đảng viên lớn tuổi hay những đảng viên có chức vụ. Qua đó, giúp cho các đảng viên phát huy được ưu điểm, khắc phục hạn chế để hoàn thiện bản thân mình hơn.

Đối với học viên, các đảng viên luôn thể hiện tinh thần mẫu mực, gương mẫu, trách nhiệm trong công việc, phục vụ học viên một cách tận tụy, không vụ lợi cá nhân, luôn vì mục đích chung của nhà trường mà thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Thứ ba, nêu gương trong công việc: các đảng viên trẻ luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tận tâm, tận lực, có trách nhiệm. Đặc biệt, trong công tác giảng dạy và chủ nhiệm, đảng viên trẻ luôn thực hiện công việc một cách công tâm, khách quan, làm việc khoa học, cẩn thận, chu đáo, đảm bảo sự công bằng giữa các học viên, cố gắng phối hợp tốt với các phòng, khoa chức năng để công việc của Nhà trường diễn ra một cách tốt nhất.  Đồng thời, để nêu gương cho quần chúng, hầu hết các đảng viên đều thực hiện tốt giữa lời nói và hành động, học tập những tấm gương của những đảng viên, thầy cô lớn tuổi. Trước khi thực hiện công việc, một số đảng viên còn xây dựng chương trình, kế hoạch, tiến độ thực hiện, sau khi thực hiện xong cũng tự đánh giá, rút kinh nghiệm để thực hiện những công việc tiếp theo được hiệu quả hơn.

Có thể nói, trong thời gian qua, các đảng viên trẻ của trường luôn thực hiện tốt và vận dụng một cách hiệu quả phong cách nêu gương của Bác để học tập, tu dưỡng, hoàn thiện bản thân cả trong công tác, lao động, học tập và trong cuộc sống để góp phần nhỏ bé của mình vào xây dựng Đảng bộ nhà trường ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng đó, một số đảng viên trẻ vẫn còn tình trạng làm việc chậm chạp, không theo kế hoạch, vẫn chưa phát huy hết tinh thần, trách nhiệm của mình trong công việc, còn ngại phát biểu và đóng góp ý kiến để xây dựng chi bộ, đảng bộ, còn e ngại, nể nang, né tránh trong tự phê bình và phê bình…Vì vậy, để Đảng bộ Nhà trường ngày càng trong sạch, vững mạnh, trong thời gian tới, các đảng viên trẻ cần thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng; nêu cao tính chủ động, tự giác trong rèn luyện đạo đức và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Về mặt tổ chức đảng, cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự có chất lượng, phát huy vai trò của quần chúng trong đóng góp ý kiến đối với tổ chức đảng và đảng viên, đánh giá xếp loại đảng viên thực chất hơn (chú ý đến việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình của đảng viên trẻ, việc khắc phục khuyết điểm hàng năm của cá nhân)…Với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, các đảng viên trẻ sẽ góp phần tích cực cùng với Đảng bộ Nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng, xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch vững mạnh./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, trang 672


Các tin khác