Tin mới nhất

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - ý nghĩa lịch sử và thời đại

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” được Bác Hồ viết vào ngày 19 tháng 12 năm 1946, nhằm kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên quyết tâm đánh thực dân Pháp xâm lược sau những nỗ lực đàm phán ngoại giao của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp không thành công bởi dã tâm muốn quay lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp. Đã 73 năm trôi qua, những lời bất hủ trong văn kiện đó đến nay vẫn mang giá trị và ý nghĩa đối với đất nước trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - một văn kiện lịch sử với những lời lẽ ngắn gọn, nhưng đanh thép, súc tích, phác họa những nội dung cơ bản của đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp, có sức mạnh hiệu triệu tất cả mọi người dân Việt Nam đứng lên đánh thực dân Pháp xâm lược.

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn nǎm!

Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!”

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được truyền đi trong cả nước qua đài phát thanh đã có tác dụng cổ vũ, thúc giục tinh thần chiến đấu của quân dân cả nước trong thế tương quan lực lượng có lợi cho địch. Trong điều kiện quân đội ít, vũ khí thô sơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ lực lượng tham gia kháng chiến là toàn dân tộc, bao gồm mọi giai cấp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái, không phân biệt già trẻ gái trai, hễ là người Việt Nam đều phải đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.

Đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, bộ đội và nhân dân cả nước đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhiều gia đình sẵn sàng đem các vật dụng của gia đình như tủ, giường, bàn ghế để làm chiến lũy ngăn cản bước tiến của quân Pháp, nhiều thanh niên quả cảm ôm bom ba càng lao vào xe tăng để tiêu diệt địch đã góp phần làm thất bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến, tản cư được phần lớn nhân dân, các địa phương có thời gian để chuẩn bị lực lượng, chủ động đối phó với cuộc kháng chiến lâu dài. Thành công đó là tiền đề để Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến giành thắng lợi.

73 năm trôi qua, đất nước đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn với những bước tiến dài. Văn kiện đó vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế với nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Các cấp, ngành, các đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết toàn dân, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số