Tin mới nhất

Xô Viết Nghệ Tĩnh - đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 -1931

Cách đây 89 năm, với lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quật khởi, nhân dân ta đã làm nên một cao trào cách mạng vô cùng mạnh mẽ, mở đầu cho phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng,mà đỉnh cao của nó là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong những năm 1929 - 1933 diễn ra ở các nước tư bản đã lan nhanh sang các nước thuộc địa và phụ thuộc, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam vốn hoàn toàn lệ thuộc vào kinh tế Pháp, càng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ cuộc khủng hoảng dẫn đến kinh tế bị suy sụp, chính trị ngột ngạt, đời sống của nhân dân ta vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khăn hơn. Trong thời điểm đó, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ngày càng lan rộng và phát triển mạnh mẽ, yêu cầu đòi hỏi phải có một chính đảng thống nhất đủ năng lực để dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến thành công. Chính vì vậy, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930) đã đáp ứng được yêu cầu bức thiết của cách mạng và kịp thời lãnh đạo nhân dân vùng lên đấu tranh chống lại kẻ thù.

Tuy mới ra đời, song Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo quần chúng đứng lên đấu tranh vô cùng mạnh mẽ, làm nên cao trào cách mạng đầu tiên trên cả nước - cao trào cách mạng 1930 - 1931. Đầu tiên, phong trào của quần chúng diễn ra từ Tháng Hai với hàng loạt cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân. Nổi bật là cuộc đấu tranh của 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, cuộc đấu tranh của 4.000 công nhân nhà máy sợi Nam Định… Sau đó, cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân đã tiến lên một bước cao hơn, đưa phong trào cách mạng tiến lên thành cao trào. Sự kiện đánh dấu cho thời điểm phát triển đó chính là ngày 01/5/1930, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, lần đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công công nhân và nông dân đã phối hợp nhịp nhàng với nhau trong đấu tranh và giai cấp công nhân đã bắt đầu thể hiện tính tiền phong của mình, bước đầu khẳng định được vị trí, vai trò của mình đối với phong trào của quần chúng.

Đến đầu Tháng 9, cao trào cách mạng đã phát triển đến đỉnh cao với hàng loạt cuộc đấu tranh của nhân dân ở hai tỉnh Nghệ An và Hã Tĩnh. Trong khi đối đầu với thực dân Pháp, quần chúng đã đấu tranh rất quyết liệt và đã giành được quyền làm chủ ở một số nơi.Đặc biệt,trước sự sụp đổ của chính quyền thực dân và phong kiến, các chi bộ và tổ chức Nông hội đỏ đã đứng ra quản lý và điều hành mọi hoạt động trong các làng xã và lập ra các Xô viết - chính quyền cách mạng sơ khai do giai cấp công nhân lãnh đạo. Chính quyền Xô viết được thành lập ở nhiều nơi trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ở  Hà Tĩnh, có 170 làng Xô viết. Ở Nghệ An có hàng trăm làng Xô viết, riêng Thanh Chương có 68/79 làng hình thành làng Xô viết. Xô viết vừa mới ra đời đã thể hiện bản chất của chính quyền cách mạng, đã thực hiện một số chính sách tiến bộ trên mọi mặt của đời sống xã hội.

Về chính trị: ban bố các quyền tự do cho nhân dân. Theo đó, mọi người được quyền tham gia các công tác và hưởng các quyền lợi của làng xã. Nam nữ bình đẳng trong mọi việc. Các đoàn thể quần chúng tự do hoạt động, lực lượng tự vệ đỏ được thành lập.

Về kinh tế, thi hành các biện pháp như: tiến hành chia lại công điền, công thổ, tuyên bố xóa bỏ các thứ thuế vô lý như thuế thân, thuế muối; thực hiện giảm tô, giảm tức, xóa nợ cho người nghèo; tu sửa cầu cống, đường giao thông; lập các tổ chức để nông dân giúp đỡ nhau sản xuất.

Về văn hóa - xã hội:bài trừ các hũ tục mê tín dị đoan, cấm hút thuốc phiện. Hoạt động xóa nạn mù chữ được đẩy mạnh, trật tự trị an giữ vững, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau được xây dựng.

Có thể nói, sự ra đời của các Xô viết chính là đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 - 1931, bởi vì đây là lần đầu tiên mà giai cấp công nhân và nông dân đã có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau trong đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo điều kiện để Đảng ta hình thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh công - nông - trí thức vững chắc. Cao trào diễn ra trên quy mô rộng khắp, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia, từ đó đem lại cho quần chúng nhân dân niềm tin vào con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc. Hình thức đấu tranh cũng phát triển lên một bước cao hơn, từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang tự vệ, từng bước tạo thế và lực để dân tộc ta đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cao trào đã lật đổ chính quyền của địch thiết lập chính quyền cách mạng đó chính là các Xô viết và sự ra đời của các Xô viết là nhân tố cốt lõi nhất khẳng định Xô viết Nghệ Tĩnh chính là đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 - 1931.

Tuy nhiên, trước khí thế cách mạng của quần chúng, đặc biệt trước sự phát triển mạnh mẽ của Xô viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp đã điên cuồng khủng bố, đàn áp dã man các phong trào yêu nước của nhân dân ta. Đến giữa năm 1931, cao trào cách mạng tạm thời lắng xuống.

Cao trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ Tĩnh mặc dù chỉ tồn tại được vài tháng nhưng nó có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại, đó là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho quần chúng nhân dân trong cả nước tiếp tục đứng lên đấu tranh, khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng, tổ chức tập hợp lực lượng của giai cấp công nhân thông qua chính đảng tiên phong của mình. Cao trào không chỉ đáp ứng được khát vọng độc lập, tự do của người dân Việt Nam lúc bấy giờ, mà nó còn là nguồn động lực mạnh mẽ giúp Đảng và nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đấu tranh để giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số