Tin mới nhất

Quá trình phát triển cải cách hành chính của nước ta

Ngày nay, cải cách hành chính nhà nước là một vấn đề mang tính toàn cầu, tất cả các nước trên thế giới đều xem cải cách hành chính nhà nước là một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển kinh tế, và ở Việt Nam, cải cách hành chính nhà nước cũng là một đòi hỏi tất yếu.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta đã chỉ rõ sự cần thiết phải tiến hành cải cách hành chính nhà nước, coi đây là một giải pháp quan trọng góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Dựa trên những định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước đã tiến hành cải cách hành chính nhà nước từng bước thận trọng qua nhiều giai đoạn.

Theo nghĩa rộng: “Cải cách hành chính nhà nước có thể hiểu là một quá trình thay đổi cơ bản, lâu dài, liên tục bao gồm cơ cấu của quyền lực hành pháp và tất cả các hoạt động có ý thức của bộ máy nhà nước nhằm đạt được sự hợp tác giữa các bộ phận và các cá nhân vì mục đích chung của cộng đồng và phối hợp các nguồn lực để tạo ra hiệu lực và hiệu quả quản lý và chất lượng các sản phẩm (dịch vụ hoặc hàng hoá) phục vụ nhân dân thông qua các phương thức tổ chức và thực hiện quyền lực.

Theo nghĩa hẹp: “Cải cách hành chính nhà nước là một quá trình thay đổi nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hành chính, cải tiến tổ chức, chế độ và phương pháp hành chính cũ, xây dựng chế độ và phương thức hành chính mới trong lĩnh vực quản lý của bộ máy hành chính nhà nước”.

Cải cách hành chính để hướng tới xây dựng một nền hành chính hoạt động có hiệu lực và hiệu quả là mong muốn của bất kỳ nhà nước nào, do đó, cải cách hành chính xuất hiện và tồn tại cùng với quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Kể từ khi Đảng và Nhà nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, đồng thời với việc đổi mới về kinh tế thì cải cách hành chính cũng được tiến hành, có thể chia cải cách hành chính nhà nước thành 4 giai đoạn chủ yếu sau:

Giai đoạn 1986-1995:

Đây là được xem là giai đoạn xây dựng nền tảng cho cải cách hành chính. Hoạt động cải cách hành chính mặc dù vẫn được quan tâm nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ của những cải cách nhà nước nói chung để phục vụ cho quá trình bắt đầu chuyển dịch nền kinh tế. Khởi đầu từ Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986. Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, tổ chức bộ máy nhà nước đã được sắp xếp lại một bước theo hướng gọn nhẹ, bớt đầu mối. Tuy nhiên, nhìn chung tổ chức và biên chế của bộ máy nhà nước vẫn còn quá cồng kềnh, nặng nề. 

Bước khởi sắc của quá trình cải cách hành chính giai đoạn này phải kể đến là từ khi thực hiện Nghị quyết 38/CP ngày 04/5/1994 của Chính Phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức. Việc xác định cải cách thủ tục hành chính từ năm 1994 là khâu đột phát trong cải cách là một chủ trương đúng đắn. Sự chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong 7 lĩnh vực trọng điểm và đặc biệt là trong quá trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính đã xuất hiện mô hình thí điểm mang lại kết quả tích cực, tác động đến những suy nghĩ, tìm tòi và cải cách tổ chức bộ máy, sử dụng tài chính công tạo ra những cách nhìn mới trong cải cách hành chính.

Giai đoạn 1995-2001:

Cùng với Hội nghị trung ương 8 (Khóa VII) năm 1995, cải cách hành chính được xác định là trọng tâm của hoạt động cải cách nhà nước. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 Khoá VII đã mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn chuyển biến thật sự trong cải cách hành chính ở Việt Nam; Đại hội VIII, sau đó là Hội nghị Trung ương 3, Trung ương 6 và Hội nghị Trung ương 7 (Khoá VIII) tiếp tục khẳng định chủ trương của Đảng về cải cách hành chính, xác định cải cách hành chính là trọng tâm của việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước và phải được tiến hành đồng bộ trong cả hệ thống chính trị; Đại hội IX (năm 2001) đã đưa ra một loạt chủ trương, biện pháp có ý nghĩa quan trọng trong cải cách hành chính.Và trong giai đoạn 1995-2001 này vai trò của cải cách hành chính đã được khẳng định và những hoạt động cải cách hành chính ngày càng đi vào chiều sâu, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, trở thành động lực thúc đẩy tiến trình đổi mới.

Giai đoạn 2001-2010:

Đại hội IX (năm 2001) đã đưa ra một loạt chủ trương, biện pháp có ý nghĩa quan trọng trong cải cách hành chính. Để cụ thể hoá định hướng CCHC của Đảng và Nhà nước, ngày 17 tháng 9 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 136/2001/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2001-2010 xác lập khung pháp lý cơ bản cho các hoạt động CCHC của mọi cấp, mọi ngành trong giai đoạn 2001-2010. Bên cạnh mục tiêu chung là: “Xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Đến năm 2010, hệ thống hành chính về cơ bản được cải cách phù hợp với yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Chương trình tổng thể cũng đã xác định 9 mục tiêu cụ thể, 5 nội dung cải cách hành chính, 7 chương trình hành động và 5 giải pháp thực hiện, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương các cấp trong tổ chức triển khai thực hiện.

Giai đoạn từ 2011 đến nay:

Việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 đã mang lại những kết quả to lớn, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước trên cả 5 nội dung. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được, nền hành chính vẫn còn bộc lộ nhiều nhược điểm, chưa đáp ứng các yêu cầu của tiến trình đổi mới đang đi vào chiều sâu. Vì vậy, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong giai đoạn sắp tới vẫn là yêu cầu cấp thiết.

Trên cơ sở đánh giá khách quan và nghiêm túc những thành tựu đạt được và những bất cập còn tồn tại trong quá trình thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 8/11/2011 của Chính phủ về Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 (gọi tắt là Nghị quyết số 30c/NQ-CP) xác định khung pháp lý cho chiến lược cải cách hành chính trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, trong đó xác định 05 mục tiêu; 06 nội dung; 07 giải pháp thực hiện và gồm 02 giai đoạn thực hiện gồm giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020.

Đến nay, bức tranh cải cách hành chính trên cả nước cơ bản đã đạt được nhiều kết quả tốt được xem là điểm nhấn quan trọng, bên cạnh đó vẫn còn một số mặt hạn chế, vì vậy trong thời gian tới cần phải tiếp tục phát huy những mặt đạt được và khắc phục về một số điểm còn yếu kém để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của nhà nước.

Từ thực tiễn hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, có thể khẳng định rằng cải cách hành chính nhà nước luôn là một chủ trương nhất quán, thể hiện tầm nhìn của Đảng trong lãnh đạo tổ chức và hoạt động của nhà nước, thông qua các biện pháp cụ thể ở từng giai đoạn phát triển của đất nước để cải cách, đổi mới nền hành chính nhà nước phù hợp với yêu cầu của quá trình phát triển ngày càng tốt hơn./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số