Tin mới nhất

Chất lượng đảng viên quyết định chất lượng tổ chức đảng

Xây dựng một tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh cần những đảng viên tốt bởi đảng viên là tế bào của tổ chức đảng, ngược lại tổ chức đảng là cơ sở là môi trường phát huy lý tưởng, phẩm chất của mỗi đảng viên.

Đảng viên là tế bào cấu thành tổ chức đảng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng được quyết định bởi chất lượng đội ngũ đảng viên. Điều lệ Đảng quy định, cứ 03 đảng viên chính thức trở lên có thể thành lập một chi bộ có đủ thẩm quyền theo quy định. Như vậy, nếu Đảng là một “cơ thể chính trị” thì đảng viên là những “tế bào” cấu thành “cơ thể chính trị” đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu”[1]. Nói về mối quan hệ giữa đảng viên với tổ chức đảng, Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng đã từng nhấn mạnh: tổ chức mạnh khiến cho từng người mạnh, từng người mạnh khiến cho cả tổ chức mạnh. Một đảng viên khi tách khỏi tổ chức họ sẽ không biết mình là ai và làm được những gì. Vì thế đảng viên có chất lượng là cơ sở để xây dựng tổ chức đảng vững mạnh.

Tổ chức đảng cũng tác động trở lại các đảng viên. Cụ thể là tổ chức đảng trong sạch vững mạnh là điều kiện quan trọng quyết định chất lượng đội ngũ đảng viên, tổ chức đảng mạnh thì mới có đảng viên tốt. Tổ chức đảng đoàn kết, thống nhất là điều kiện hết sức thuận lợi cho các đảng viên phát huy đầy đủ phẩm chất của mình. Đảng viên được rèn luyện trong môi trường tổ chức mạnh sẽ nhanh chóng trưởng thành về lí luận và thực tiễn, tổ chức đảng là nơi khẳng định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của từng đảng viên.

Vì thế, một tổ chức đảng, nếu muốn phát huy được sức mạnh của từng đảng viên, từng cá nhân trong tổ chức mình, trước hết cấp ủy đó, những người đứng đầu tổ chức phải thật sự gương mẫu, phải thật sự có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa đảng viên với tổ chức đảng còn được chi phối bởi nguyên tắc hoạt động của tổ chức đảng. Cụ thể và căn bản nhất chính là nguyên tắc tập trung dân chủ và việc vận dụng, cụ thể hóa nguyên tắc này trong hoạt động của tổ chức đảng, nhất là trong xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế làm việc, trước hết là quy chế làm việc của cấp ủy. Quy chế là văn bản mang tính nguyên tắc với những điều khoản quy định thành chế độ để mọi người chấp hành, nhằm hoàn thành những công việc theo chức trách nhiệm vụ được giao. Quy chế bảo đảm cho hoạt động của cấp ủy, từng thành viên được thống nhất thực hiện trong toàn bộ hoặc một lĩnh vực công tác nhất định; giúp phát huy được vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đảng. Quy chế đã cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, góp phần khắc phục một bước tình trạng bao biện, làm thay, không rõ trách nhiệm hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, góp phần quan trọng trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Đại hội XII xác định:  “phải xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị”[2]. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình cách làm việc không có kế hoạch, cách sắp xếp, phân công công việc không hợp lý, ảnh hưởng đến việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, công việc được giao của cán bộ, đảng viên, công chức, thì có cần cù, siêng năng đến mấy cũng không hoàn thành, có khi còn hỏng việc. Cụ thể: “Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng. Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được...”[3]

Mối quan hệ giữa đảng viên với tổ chức đảng cùng với mối quan hệ giữa đảng viên với đường lối và nhiệm vụ chính trị, cũng như mối quan hệ giữa đảng viên với phong trào cách mạng của quần chúng đã làm toát lên vị trí, vai trò, tầm quan trọng của người đảng viên. Cùng với việc xây dựng và củng cố hai mối quan hệ còn lại, trong tình hình hiện nay, để mối quan hệ giữa đảng viên và tổ chức đảng được giữ vững và phát triển, bản thân thiết nghĩ cần phải thực hiện tốt những vấn đề sau:

Một là, nâng cao nhận thức của đảng viên trong mối quan hệ với tổ chức đảng. Trên cơ sở đó đó xác định được vị trí vai trò của mỗi cá nhân, đồng thời xây dựng động cơ, hành động phù hợp để góp phần xây dựng và phát triển mối quan hệ này. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”[4]. Điều này đòi hỏi cá nhân từng đảng viên phải luôn có ý thức tự vươn lên trong cuộc sống và công tác, tự giác học tập, tìm tòi những tri thức mới, từ đó vận dụng trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của bản thân, với từng vị trí, yêu cầu, đòi hỏi khác nhau.

Hai là, phải gắn việc xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ giữa đảng viên với tổ chức đảng với mối quan hệ giữa đảng viên với đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng và mối quan hệ giữa đảng viên với phong trào cách mạng của quần chúng. Cả ba mối quan hệ này đều rất quan trọng, có tác động qua lại với nhau, quy định lẫn nhau. Chính vì vậy, tránh tuyệt đối hóa bất kỳ một mối quan hệ nào, thực hiện tốt điều này cũng có nghĩa là chúng ta đang xây dựng và củng cố vững chắc nhận thức, tư tưởng của đảng viên về chủ trương, đường lối của Đảng, tạo điều kiện cho đảng viên tham gia tốt vào quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ba là, mỗi tổ chức đảng cần hết sức quan tâm tới hoạt động xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, tổng kết, đánh giá và hoàn thiện quy chế hoạt động của tổ chức, trước hết là quy chế làm việc của cấp ủy. Trên cơ sở đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cá nhân với nhau, giữa cá nhân với tập thể và giữa tập thể với nhau trong cùng một hệ thống. Đó cũng chính là cơ sở để tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân đảng viên và tổ chức đảng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa đảng viên và tổ chức đảng có vai trò quan trọng trong quyết định sự phát triển của tổ chức đảng và đảng viên. Bởi vì, trong mối quan hệ này là mối quan hệ biện chứng tác động qua lại lẫn nhau. Do vậy, từng đảng viên phải nhận thức đúng trong tư tưởng cũng như hành động của mình góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh giữ vững uy tín của Đảng, chiếm trọng niềm tin của nhân dân đối với Đảng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta./.

                                                                            


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 10, tr.270

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (lưu hành nội bộ), Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 202 - 203

[3]Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 4, tr.38

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 6, tr.346


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số