Tin mới nhất

Nhớ về ngày 09/01 - ngày học sinh, sinh viên

Từ khi Đảng ra đời, Đảng đã lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đứng lên giành chính quyền, trong đó có học sinh - sinh viên cũng đã có những cống hiến to lớn cho đất nước.

Sau thành công của cách mạng Tháng Tám năm 1945, học sinh, sinh viên cả nước hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện ba nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác Hồ và Chính phủ đề ra.

Năm 1949, Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến đã được thành lập và phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Với khẩu hiệu: “Tích cực cầm cự chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công” đã tiếp thêm sinh lực mới cho phong trào học sinh, sinh viên. Cuộc đấu tranh của học sinh đã lan ra cả Đông Dương.

Từ ngày 09 đến ngày 22 tháng 11 năm 1949, các cuộc bãi khóa của học sinh, sinh viên ở Huế và Sài Gòn nổ ra liên tiếp yêu cầu: chấm dứt khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh; trả tự do cho các học sinh bị bắt sau ngày chống bù nhìn Bảo Đại; bảo đảm an ninh và quyền lợi học tập của học sinh, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục. Giữa lúc ở Huế, Sài Gòn đang trong không khí đấu tranh sôi nổi, thì tại Hà Nội, học sinh cũng đang căm tức vì Pháp và bù nhìn bắt bớ một số anh chị em sau kỳ nghỉ học kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Ngày 25/11/1949, toàn trường vang dậy những khẩu hiệu “học sinh bãi khoá”, “trả lại tự do cho bạn chúng ta”, “đả đảo bù nhìn”.

Ngày 09/01/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Trong cuộc biểu tình, đấu tranh này, anh Trần Văn Ơn đã bị chính quyền Pháp nổ súng bắn chết. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 09/01/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm đã dấy lên lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai. Anh đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2000.

Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 02 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09 tháng 01 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22 - 23/11/1993) tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 09 tháng 01 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.

Từ đó, ngày 09/01 hàng năm đã được các trường học lấy làm ngày Hội trại, Hội diễn văn nghệ, Hội thi học sinh - sinh viên thanh lịch và ngày họp lớp… Đây là hoạt động vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có ý nghĩa thực tiễn. Có thể nói Trần Văn Ơn đã tạo nên một ngày truyền thống, để lại dấu ấn trong lòng công chúng và học sinh - sinh viên từ thời kháng chiến đến nay, đồng thời góp phần khuyến khích, cổ vũ học sinh - sinh viên tiếp tục học tập, rèn luyện tốt, duy trì phong trào nếp sống văn hóa trong nhà trường, nhất là trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân sắp đến./.

                                                                                   


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số