Tin mới nhất

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc

Trong những ngày tham dự lớp tập huấn kiến thức và phương pháp giảng dạy chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính chuyên ngành Xây dựng Đảng, chúng tôi được Ban tổ chức lớp học tổ chức một buổi đi nghiên cứu thực tế, tìm hiểu về quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Lạc - một vùng quê đi đầu trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Vĩnh Phúc và không khỏi ngỡ ngàng trước mắt một vùng quê nông thôn bắc bộ với những con đường được đổ bê tông sạch sẽ, những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc san sát…

Thực hiện Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009, Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đại hội Đảng bộ huyện Yên Lạc lần thứ XX (2010 – 2015) đã đưa vào Nghị quyết về mục tiêu xây dựng Yên Lạc thành huyện nông thôn mới vào năm 2015. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, Yên Lạc đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện nông thôn mới vào tháng 12/2015. Bộ mặt nông thôn Yên Lạc nay đã được đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt.

Trên các trục đường và đường vào trung tâm UBND huyện, trước mắt chúng tôi là các tuyến đường được đổ bê tông, rải nhựa, đường trục chính nội đồng cơ bản được bê tông hóa. Hệ thống thủy lợi, kênh mương tưới tiêu được đầu tư nâng cấp, cải tạo, kiên cố hóa.

Được biết, hiện nay hơn 90% số hộ gia đình ở Yên Lạc có đời sống kinh tế ổn định, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Hầu hết đường làng, ngõ xóm được lát gạch, đổ bê tông. Các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, y tế, giáo dục được trang bị theo hướng hiện đại từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân, toàn huyện có 14/16 trung tâm văn hóa xã, trong đó, 3 trung tâm đạt tiêu chí nông thôn mới; 155/162 nhà văn hoá thôn; 100% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó, có 6 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đặc biệt, 100% các thôn trong huyện đều có sân thể thao, nhiều thôn có 3 – 5 sân cầu lông, bóng chuyền.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ và nhân dân được quan tâm, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 85%. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, đơn vị văn hóa được triển khai tích cực. 76/83 làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, 160/162 thôn văn hóa. Công tác bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường đã có chuyển biến tích cực, 100% các xã đã có hố tập kết rác thải, 100% số thôn đã có tổ vệ sinh môi trường hoạt động thường xuyên, có hiệu quả…

Những kết quả đạt được đó là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và động viên toàn dân ra sức xây dựng nông thôn mới.

Thứ nhất, Đảng đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành toàn diện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để đạt mục tiêu xây dựng Yên Lạc thành huyện nông thôn mới đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Huyện đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Yên Lạc do đ/c Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban, các đồng chí Phó Bí thư làm phó ban, cùng các thành viên là các đồng chí trong cấp ủy và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn. Đồng thời, chỉ đạo Đảng ủy các xã ban hành nghị quyết về xây dựng nông thôn mới và quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã. Trong đó, đồng chí Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, các đồng chí Phó Bí thư làm phó ban, có các tổ công tác giúp việc cho Ban chỉ đạo.

Thứ hai, phân công các cá nhân, tập thể phụ trách và chịu trách nhiệm với từng tiêu chí hoặc nhóm tiêu chí.

Hàng năm căn cứ vào điều kiện thực tế, Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện ban hành kế hoạch giao chỉ tiêu thực hiện từng tiêu chí nông thôn mới đối với từng xã, phân công thành viên phụ trách xã; các chỉ tiêu, tiêu chí phải cụ thể. Từ đó, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc kiểm tra, rà soát, đánh giá, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, xử lý những vướng mắc trong tổ chức thực hiện các tiêu chí.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng bằng mọi hình thức (trong hội họp, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức thi văn nghệ, thể thao…), tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân ở mọi lúc mọi nơi về kế hoạch xây dựng nông thôn mới, mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng, cơ chế chính sách xây dựng nông thôn mới để mọi người dân dễ hiểu, dễ nhớ, để người dân thấy được lợi ích và nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua tuyên truyền sâu rộng, đã thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp tiền của, công sức, hiến đất cho xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác thi đua – khen thưởng, phát động phong trào thi đua rộng khắp, nêu gương, động viên khuyến khích các điển hình tiên tiến.

Huyện thực hiện công khai, minh bạch về công tác thi đua khen thưởng những tập thể, cá nhân, kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới. Từ huyện đến cơ sở đã bầu chọn để biểu dương, khen thưởng cho 237 tập thể và 738 cá nhân điển hình tiên tiến. Huyện cũng có nhiều cơ chế để hỗ trợ, khen thưởng cho các xã có thành tích xây dựng nông thôn mới, tạo ra phong trào thi đua sâu rộng để đạt huyện nông thôn mới.

Như vậy, ngoài những ưu đãi của thiên nhiên đối với Yên Lạc, thì với cách làm sáng tạo, hiệu quả của các cấp ủy chính quyền địa phương, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Yên Lạc được đông đảo cán bộ đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng tham gia. Từ việc thành công trong xây dựng nông thôn mới, người dân trong huyện được thụ hưởng thành quả đó, ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của các cấp ủy đảng, tích cực duy trì giữ gìn và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng cộng đồng văn hóa, ấm no hạnh phúc.

Đây sẽ là những kinh nghiệm quý cho các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong thời gian đến./.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số