Tin mới nhất

Hành động như vậy đâu phải là người yêu nước!

Lấy cớ dự thảo Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật đặc khu) quy định cho thuê đất 99 năm (không phải cho mọi đối tượng mà chỉ với các dự án đặc biệt quan trọng) nên một số nơi, có những nhóm người đứng ra tổ chức, lôi kéo nhiều người dân xuống đường biểu tình phản đối dự Luật đặc khu, trong đó trên địa bàn Bình Thuận, ngày 10/6/2018 đã xảy ra ở thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong từ 10 giờ trưa cho đến hơn 21 giờ khuya vẫn chưa vãn hồi. Dòng người mỗi lúc mỗi đông, kèm theo phương tiện xe gắn máy đã tụ tập, chặn đường, gây cản trở giao thông trên tuyến QL 1A suốt nhiều giờ liền; đồng thời cùng ngày, tại TP Phan Thiết, nhiều người quá khích đã tràn vào cổng UBND Tỉnh, la hét, gây náo động cả khu vực; càng về sau, nhiều người càng hung hăng chống trả lực lượng bảo vệ, xô cổng, đập bể cửa kính vọng gác bảo vệ và lao vào đốt xe và ném đá vào các phòng làm việc trong trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận. Hành động quá khích như vậy gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội và tổn hại đến tài sản của Nhà nước và công dân.

Những ngày qua, tại diễn đàn kỳ họp thứ V của Quốc hội Khóa XIV đã và đang bàn thảo nội dung dự thảo Luật đặc khu; trong khi còn có những quan điểm khác nhau về quy định cho thuê đất đối với những dự án đặc biệt quan trọng là không quá 99 năm; trước tình hình đó, Chính phủ đã tôn trọng lắng nghe ý kiến nhiều phía, từ người dân và các nhà nghiên cứu, các chuyên gia nên đã công khai công bố rút quy định cho thuê đất 99 năm; đồng thời UBTV Quốc hội đã quyết định lùi thời gian thông qua dự luật này để tiếp tục hoàn thiện dự thảo và sẽ thông qua trong kỳ họp tới của Quốc hội; thông tin này đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông suốt những ngày qua. Vậy nhưng không ít người đã cố tình làm ngơ, bất chấp trước sự thật đó và cứ vẫn ngấm ngầm lôi kéo dụ dỗ, kích động nhiều người tham gia xuống đường biểu tình phản đối việc cho thuê đất 99 năm, phản đối dự luật đặc khu để rồi dẫn đến kết cục chẳng mang lại lợi ích gì cho họ, nhưng gây tổn thất lớn cho xã hội, để rồi kẻ được chính là những phần tử chống đối, kích động bạo loạn nhằm âm mưu chống phá, gây mất ổn định chính trị đối với chúng ta! Hành động như vậy đã không còn cái gọi là thể hiện lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, mà là hành động quá khích, càn quấy để thỏa mãn ý đồ cá nhân, đã chuyển sang một thái cực khác rất xa với cái cớ họ xuống đường biểu tình.

 Bày tỏ quan điểm phải trên tinh thần xây dựng mới là người yêu nước; còn việc lợi dụng tình hình để gây bạo loạn là hành động vi phạm pháp luật.

Biểu tình là một trong những quyền cơ bản của con người, của công dân Việt Nam được Hiến pháp năm 2013 quy định; nhưng biểu tình phải tuân theo pháp luật. Nhà nước ta đã ngày càng hoàn thiện các thể chế pháp lý để phát huy quyền dân chủ, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, do đó nhiều đạo luật được ban hành như Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân và Luật về quyền được tiếp cận thông tin. Ở địa phương Bình Thuận đã triển khai thực hiện một cách đầy đủ các đạo luật đó, hằng năm với sự nỗ lực của lãnh đạo và chính quyền các cấp ở địa phương đã giải quyết được hơn 80% đơn thư tố cáo, từ 92 đến 95% đơn thư khiếu nại, kiến nghị, phản ánh. Chính vì vậy nên khi trao đổi với phóng viên báo chí vào chiều 10-6/2018, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Bí thư Tỉnh ủy cho biết:“ Chính quyền địa phương luôn lắng nghe ý kiến và tuyên truyền các chính sách pháp luật đến người dân, người dân có thể bày tỏ chính kiến của mình, nhưng bày tỏ trong khuôn khổ luật pháp. Người dân bày tỏ nhưng lại có hành vi vi phạm luật pháp là không thể chấp nhận được...”.

Việc lợi dụng biểu tình để thực hiện hành vi manh động, gây náo loạn trong xã hội như đã xảy ra có thể chưa dừng lại. Lúc này là cơ hội để các thế lực thù địch và phần tử chống đối rình rập để kích động nhằm tiếp tục làm cho tình hình phức tạp thêm; điều đó mọi người chúng ta cần nêu cao ý thức trách nhiệm và lưu ý cho con em, người thân của mình không bị sự lôi kéo, dụ dỗ vào việc tụ tập đông người, xuống đường biểu tình. Các cơ quan chức năng nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về tinh thần nâng cao cảnh giác trong nhân dân, và có sự chủ động với nhiều phương án để xử lý “điểm nóng”, bởi như những gì đã diễn ra hôm 10/6/2018 đã chứng tỏ “kịch bản” tổ chức của các nhóm biểu tình rất bài bản; đồng thời tiến hành các biện pháp để kiên quyết xử lý những kẻ cầm đầu, chủ mưu kích động nhiều người thực hiện những việc làm trái pháp luật./. 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số