Tin mới nhất

Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng tháng Tám; giải phóng miền Bắc, tạo cơ sở vững chắc để tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Có được chiến thắng lịch sử ấy là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố; trong đó, tinh thần quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược của toàn thể dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định nhất.

Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ, như “ một pháo đài không thể công phá”; là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta và là quyết chiến điểm của Kế hoạch Nava. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp và nhận định, đánh Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn nhất của quân đội ta từ trước tới nay và có ý nghĩa quân sự, chính trị và ngoại giao rất quan trọng. Trên tinh thần đó, Bộ Chính trị đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng uỷ mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ chiến dịch. Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, bạt rừng, xẻ núi mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch; dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.

Tinh thần quyết chiến,  quyết thắng thể hiện qua chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được"; qua lời dặn của Bác trước khi Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận: “Chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn”!

Tinh thần quyết chiến, quyết thắng thể hiện ở ý chí quyết tâm, tinh thần khắc phục khó khăn của bộ đội và dân quân. Để chuẩn bị tấn công Điện Biên Phủ, ta đã sửa chữa và mở hàng trăm km đường. Việc mở đường vượt qua địa hình đồi núi trong điều kiện quân và dân ta chỉ dựa vào sức người với các phương tiện thô sơ, khó khăn nhất là khi bạt núi làm đường ta lại có ít thuốc nổ. Tuy vậy, đương đầu với khó khăn, những người lính, người dân công Việt Nam vẫn kiên trì và lạc quan, làm việc liên tục 12 - 13 giờ trong một ngày; có người đã quai liên tục được 3.000 nhát búa liền hơi không nghỉ - một sức khỏe phi thường mà chỉ có nhờ tinh thần quyết chiến, quyết thắng kẻ thù mới có được!

Tinh thần quyết chiến, quyết thắng thể hiện qua câu hát: “Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù”. Xung quanh thung lũng Mường Thanh có hai dãy núi, có những ngọn cao trên dưới 700m. Để đảm bảo pháo bắn chính xác, ta chủ trương mở đường kéo pháo trên hai dãy núi ấy. Pháo được xe kéo dừng lại ở km 69, đường 41. Từ đó, phải mở một con đường vượt qua một hệ thống núi dài 15km, từ phía Đông Bắc sang phía Tây Bắc Điện Biên Phủ. Chỗ cao nhất phải vượt qua là đỉnh Pú Pha Sỏng 1.150m, chỗ thấp nhất là vực Nậm Kho Hu, ở độ cao 600m so với mặt biển. Đường kéo pháo lại trong tầm pháo địch, trong tay ta lại không có một tấm bản đồ chi tiết, không một khí tài đo ngắm hiện đại. Ấy vậy mà, chỉ sau 20 giờ lao động khẩn trương và chỉ với cuốc xẻng, dao và mìn phá đá, 5.000 chiến sĩ đại đoàn 308 đã hoàn thành tuyến đường.

Mở đường kéo pháo đã khó, việc kéo pháo vào trận địa cũng là một kỳ tích. Đưa những khẩu pháo nặng trên 2 tấn vượt qua những đoạn dốc có khi đến 60 độ mà chỉ dùng sức người là một điều không tưởng. Vậy mà, với tinh thần quyết chiến quyết thắng, bộ đội ta đã đưa được pháo vào trận địa đặt trên sườn núi để dội bão lửa xuống lòng chảo Mường Thanh tiêu diệt quân Pháp.

Tinh thần quyết chiến quyết thắng thể hiện qua kỳ tích đảm bảo lương thực cho đội quân gồm mấy đại đoàn. Lúc bấy giờ, gần 30 vạn dân công đi phục vụ chiến dịch. Chiến trường Điện Biên cách các vùng tự do của ta trung bình 400 đến 500 km nên việc tiếp tế lương thực rất khó khăn. Ấy vậy mà, hàng ngàn xe đạp thồ đã được sử dụng để tải gạo lên Điện Biên; trung bình mỗi xe đạp thồ chở được 150 đến 200 kg mà chỉ cần 2 người, kỷ lục thồ hàng là 325 kg – gấp 13 lần dân công gánh.

Tinh thần quyết chiến, quyết thắng thể hiện ở sự nỗ lực phi thường của những chiến sĩ Điện Biên. Trong suốt chiến dịch, đào hào khoét núi là trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ; từ sỹ quan đến chiến sỹ, ai cũng giữ cái xẻng, cái quốc như bùa hộ mệnh. Với nỗ lực phi thường, kiên nhẫn và thầm lặng của những chiến sĩ Điện Biên, một hệ thống hầm, hào chằng chịt đã được hình thành tạo điều kiện để các đơn vị và hỏa lực mạnh của ta trút lửa xuống lòng chảo Điện Biên. Nhờ có hệ thống giao thông đặc biệt này quân ta đã đưa khối bộc phá nặng gần ngàn cân vào sát với nơi đồn trú của quân Pháp ở Đồi A1. Tiếng nổ của khối bộc phá chính là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tinh thần quyết chiến, quyết thắng thể hiện rõ ở “quyết định lịch sử trong một chiến dịch lich sử”, một“quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc đầu, ta xác định phương châm là “đánh nhanh, thắng  nhanh”; mọi hoạt động đều triển khai theo phương châm này. Tuy nhiên, tình hình tại mặt trận Điện Biên Phủ diễn biến rất nhanh từng ngày. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ không còn ở trạng thái phòng ngự lâm thời nữa. Nếu đánh theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” thì khó mà bảo đảm “chắc thắng”. Chính vì vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định này phản ánh một quá trình tư duy quân sự sắc sảo và xử lý thực tiễn linh hoạt, sáng tạo, trước hết là của Chỉ huy trưởng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tập thể Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch trên cơ sở thấu triệt sâu sắc tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự ủy thác của Bộ Chính trị. Với quyết định này, ngày mở màn trận đánh được lùi lại một tháng rưỡi so với kế hoạch đã được xác định. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta đã chủ động chuyển sang vây hãm dài ngày; triệt phá đường tiếp tế; xây dựng trận địa và đường cơ động cho pháo binh, đào hàng trăm km đường hào, bảo đảm cho bộ đội có thể tác chiến được trong mọi điều kiện; tập trung binh hỏa lực tiêu diệt từng cứ điểm; tạo thế chia cắt cô lập với bên ngoài và giữa các cứ điểm, các trung tâm đề kháng với nhau… tiến tới tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến‏‏ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược của quân dân ta trong chiến dịch lịch sử này sẽ mãi mãi in đậm trong tim mỗi người Việt Nam, truyền lửa cho toàn thể dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay và mai sau!


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số