Tin mới nhất

Ngày gia đình Việt Nam - ý nghĩa lớn, hạnh phúc to

Khi nhắc đến 2 tiếng “gia đình” ai cũng hiểu rằng: “Có một nơi để về, đó là nhà, có một nơi để yêu thương, đó là gia đình”. Gia đình là chốn bình yên và an toàn nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Chỉ có gia đình con người mới cảm nhận được tình yêu thương thực sự, sự bao dung, sự bình an và cảm giác thoải mái khi trở về, đó có lẽ là mong muốn của tất cả chúng ta nhưng không phải ai cũng có được niềm hạnh phúc to lớn ấy.

Gia đình là tế bào của xã hội - nơi duy trì nòi giống, là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Nếu nhân cách của con người bao gồm hai mặt đức và tài, thì gia đình là nơi nuôi dưỡng đạo đức và gieo mầm tài năng, nơi bảo tồn và phát huy truyền thống, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo nguồn nhân lực để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “…Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”[1]. Bác gọi gia đình là hạt nhân của xã hội, nghĩa là gia đình rất quan trọng đối với xã hội. Gia đình có được xây dựng bền vững, giàu đẹp, vẻ vang …thì xã hội mới bền vững, giàu đẹp. Văn hóa gia đình được giữ gìn và phát triển thì văn hóa xã hội mới trở nên tốt đẹp.

Ở nước ta hiện nay, vấn đề gia đình đang được đặt ra với vị trí mang tầm chiến lược quốc gia. Gia đình với ý nghĩa “hạt nhân” của xã hội có vai trò duy trì những giá trị văn hóa, đạo đức của mỗi cộng đồng, góp phần xây dựng nền văn hóa, đạo đức của cả xã hội, có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự ổn định và phát triển xã hội.

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam đã có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày nay, khi đất nước đang trong quá trình hội nhập, mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường đã tác động nhiều đến sự phát triển của gia đình. Một số giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam bị mai một; mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng rời rạc, thiếu chặt chẽ. Vật chất, tiền bạc đã trở thành thước đo giá trị của mỗi con người. Gia đình với tư cách là một tế bào của xã hội, là môi trường văn hóa gần gũi nhất của con người đang có xu hướng ngày càng nhỏ bé và kém bền vững do hoạt động kinh tế thị trường ngày càng bành trướng và có tác động tiêu cực rất khó lường đến đất nước ta.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngày 04/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, một số các quy định khác cũng được ban hành để bảo vệ truyền thống Gia đình Việt Nam: Nghị định 02/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ về Công tác Gia đình; Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về phòng chống bạo lực gia đình; Luật hôn nhân và gia đình năm 2014...

Ngày Gia đình Việt Nam không những là một sự kiện văn hóa lớn, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt mà còn là dịp để mỗi gia đình quay quần bên nhau, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm đời thường, là điểm tựa, tình yêu thương cho mỗi thành viên. Đó là ngày có ý nghĩa rất lớn đối với tất cả mọi người, trong đó chứa đựng một hạnh phúc to nhưng không phải ai cũng may mắn có được một gia đình hạnh phúc.

Gia đình không chỉ gói gọn trong một phạm vi nhỏ hẹp mà rộng lớn hơn, đó là nơi mà xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ, người già neo đơn, con cái quan tâm đến ông bà, ba mẹ, vợ chồng cùng nhau vượt qua khó khăn để có một gia đình hạnh phúc. Gia đình là môi trường sống đầu tiên và quan trọng nhất của mỗi con người. Trước mọi sóng gió cuộc đời, gia đình vẫn luôn là bến cảng bình an nhất, là “tổ ấm” hạnh phúc nhất, là nơi chia sẻ mọi nỗi buồn vui, sự thành đạt cũng như nỗi bất hạnh… của mỗi người. Gia đình là một thiết chế xã hội đặc biệt trong cơ cấu của xã hội. Sự ổn định và phát triển của gia đình có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 đã trở thành ngày ghi nhớ và phát huy truyền thống, nề nếp, gia phong; đánh thức mỗi người suy ngẫm sâu sắc hơn và hành động thiết thực hơn để xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình và của Tổ quốc./.


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2000.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số