Cùng với việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động” theo Chương trình số 1464/CTr-TLĐ ngày 08/10/2013 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 -2020”, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm giúp cho cán bộ, đoàn viên, người lao động nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp nhằm từng bước trí thức hóa giai cấp công nhân, xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh, xứng đáng là giai cấp tiên phong, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Thông qua phong trào học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, các cấp công đoàn đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước gắn với đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các tiêu chí xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt “chuẩn văn hóa”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh- trật tự tại địa phương.
Để thực hiện tốt chương trình, các cấp công đoàn đã phối hợp triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phối hợp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể... Nội dung về tạo điều kiện cho đoàn viên, người lao động được tiếp tục học tập đã được các công đoàn cơ sở đưa vào nghị quyết hoặc thỏa ước lao động tập thể. Theo đó, đã có 100% cơ quan, đơn vị đưa nhiệm vụ vào nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động; 100% doanh nghiệp Nhà nước đưa nhiệm vụ vào thỏa ước lao động tập thể; 70% doanh nghiệp tư nhân đưa nhiệm vụ vào thỏa ước lao động tập thể; số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đưa nhiệm vụ vào thỏa ước lao động tập thể là 63,16%.
Tính đến cuối năm 2017, tổng số công đoàn cơ sở toàn tỉnh là 1.443 với tổng số 82.601 người (nơi có tổ chức công đoàn). Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” và Chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động” đã đạt được những kết quả khá ấn tượng:
Cán bộ, công chức, viên chức và công nhân, lao động có trình độ học vấn trung học phổ thông trở lên là 66.031 người, đạt 79,94%.
Cán bộ, công chức, viên chức và công nhân, lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 38.128 người, đạt 46,16% (trong đó, trình độ cao đẳng: 11.745 người, trình độ đại học: 25.509 người, trình độ trên đại học: 874 người).
Cán bộ, công chức, viên chức và công nhân, lao động có trình độ chính trị sơ cấp là 22.314 người, đạt 27,01%; trình độ trung cấp là 6.739 người, đạt 8,16%; trình độ cao cấp là 1.098 người, đạt 1,33%.
Cán bộ, công chức, viên chức và công nhân, lao động có kiến thức cơ bản về tin học là 41.665 người, đạt 50,44%.
Cán bộ, công chức, viên chức và công nhân, lao động có kiến thức cơ bản về ngoại ngữ là 27.432 người, đạt 33,21%.
Trong 5 năm, số công nhân, lao động được đào tạo chuyên môn, tay nghề là 31.785 người, đạt 38,48%. Về xếp bậc thợ của công nhân, từ bậc 1 đến bậc 2 là 5.112 người, đạt 6,19%; bậc 3 đến bậc 4 là 2.347 người, đạt 2,84%; bậc 5 đến bậc 6 là 628 người, đạt 0,76%; bậc 7 là 529 người, đạt 0,04%.
Nhằm góp phần nâng cao trình độ cho người lao động, từ 2013-2018, Trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật Công đoàn tỉnh Bình Thuận đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đào tạo hệ trung cấp, sơ cấp gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Trường đã tổ chức 97 lớp đào tạo hệ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho 3.137 học viên; đào tạo an toàn vệ sinh lao động cho 2.045 học viên; tổ chức 87 lớp đào tạo nghề hệ trung cấp cho 1.927 học viên; phối hợp tổ chức 40 lớp liên thông trung cấp, cao đẳng lên đại học cho 1.630 học viên. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức tư vấn việc làm cho 28.529 lao động, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động (trong và ngoài nước) cho 5.895 lao động.
Cũng trong 5 năm qua, công đoàn các cấp đã tổ chức 159 lớp bồi dưỡng, tập huấn để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của công đoàn, góp phần nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho 20.900 cán bộ công đoàn các cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh các mặt đạt được, việc thực hiện Chương trình tại tỉnh Bình Thuận còn khá nhiều hạn chế. Một số nơi, tổ chức công đoàn chưa thật sự chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn, doanh nghiệp cùng cấp trong việc cụ thể hóa quy chế, chương trình cho phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp. Đoàn viên, người lao động ít nhận được sự hỗ trợ kinh phí học tập từ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nên cũng khó khăn trong việc tham gia học tập; một số ít đoàn viên, lao động có tư tưởng ngại học, lười học. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền việc thực hiện Chương trình còn yếu, nhất là trong các doanh nghiệp nên chủ doanh nghiệp và công nhân, lao động vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc học tập nâng cao tay nghề. Hơn nữa, quan niệm về việc học nghề chưa được xã hội chưa được xem trọng, thích chạy theo bằng cấp, học cao đẳng, đại học chứ không học nghề. Điểm tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp thấp nên đã thu hút lượng lớn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông theo học dẫn đến tình trạng các trường cao đẳng, trung cấp nghề khó tuyển sinh.
Để tiếp tục thực hiện Chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động” tại tỉnh Bình Thuận trong thời gian đến, các cấp công đoàn cần tiếp tục tuyên truyền, vận động chủ sử dụng lao động, đoàn viên, người lao động nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và lợi ích của công tác này. Đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp cần chú trọng việc nâng cao trình độ chính trị, học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, tác phong lao động công nghiệp, ý thức công dân... cho đoàn viên, người lao động. Các công đoàn cơ sở cần tiếp tục thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động để đưa nhiệm vụ nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động vào nghị quyết hội nghị hoặc thỏa ước lao động tập thể, nhất là trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; vận động các doanh nghiệp (đã có tổ chức công đoàn) xây dựng “Quỹ khuyến học” để hỗ trợ công nhân học tập và con của công nhân nghèo hiếu học.
Hy vọng rằng, với những quyết tâm của các cấp công đoàn, sự tham gia của người sử dụng lao động cùng với sự nỗ lực của đoàn viên, người lao động, trong thời gian đến, Chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động” trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được những kết quả tốt, góp phần xây dựng giai cấp công nhân xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đóng góp tích cực cho việc xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng giàu mạnh./.