Tin mới nhất

Vận dụng bài học “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của cách mạng tháng Tám năm 1945 vào giai đoạn hiện nay

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã để lại cho Đảng và dân tộc ta nhiều bài học quý báu, một trong những bài học đó là nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Bài học này vẫn giữ nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, trước bối cảnh thế giới và đất nước hiện nay.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành thắng lợi đầu tiên trong thế kỷ XX. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đập tan xiềng xích hơn 80 năm thống trị của chủ nghĩa thực dân, phát xít và chế độ phong kiến đã tồn tại hàng chục thế kỷ. Từ đây Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đảng Cộng sản Đông Dương từ một đảng hoạt động bí mật trở thành một đảng cầm quyền. Nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, một nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Lịch sử đã chứng minh một đất nước không có độc lập thì dân tộc đó mất đi quyền tự do. Đất nước ta trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, ở các thời kỳ đất nước ta bị đô hộ thì nhân dân ta phải chịu cảnh áp bức, bóc lột, cuộc sống cùng cực. Ở thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ta đã giành lại độc lập, tự do, trở thành người chủ của đất nước, có quyền quyết định tương lai, vận mệnh của mình và đi theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự soi sáng của Chủ nghĩa Mác - LêNin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong quá trình tái thiết và xây dựng đất nước đã gặp không ít khó khăn bởi các thế lực thù địch rêu rao về sự sụp đổ của hệ thống XHCN thế giới vào cuối thế kỷ XX. Chúng chĩa mũi nhọn đả kích vào các nước XHCN còn lại, trong đó có nước ta. Trong nước, các thế lực chống đối và thù địch phụ họa theo, lớn tiếng phủ nhận những thành tựu của cách mạng, đòi ta từ bỏ con đường XHCN và xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng. Trong nội bộ nhân dân ta cũng nảy sinh không ít những băn khoăn và sự phân tâm. Trước tình hình đó, Đại hội VII của Đảng ta, với “Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” đã khẳng định rằng: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới CNXH vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”[1]. Tiếp theo đó,  Đại hội XI, với việc khẳng định lại trong Cương lĩnh bài học “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH”[2] .Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở vững chắc cho độc lập dân tộc. Ngoài ra, “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta”[3], điều này đã cho thấy: với nước ta, đi lên CNXH là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Sau hơn 30 năm đổi mới với những thành quả đạt được đã cho thấy sự đúng đắn trong việc “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Vận dụng bài học“nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” trong giai đoạn hiện nay được Đảng và nhà nước thể hiện như sau:

Thứ nhất: Đảng thể hiện vai trò lãnh đạo thông qua việc tự chỉnh đốn, tự đổi mới phù hợp với thực tiễn, phát huy truyền thống cách mạng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong của Đảng, xây dựng đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn liền với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, cải cách bộ máy nhà nước, đổi mới công tác quần chúng, bảo đảm cho Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai câp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Làm tròn trách nhiệm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta

Thứ hai: Đảng và Nhà nước thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình thông qua việc đưa ra các chủ trương, chính sách về cải cách thể chế, cải cách về cơ cấu tổ chức bộ máy và cải cách các thủ tục hành chính nhằm là cho bộ máy nhà nước gọn hơn, hoạt động hiệu quả hơn để đáp ứng được yêu cầu của thực tế là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Thứ ba: Đảng lãnh đạo nhà nước và nhân dân đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trước pháp luật. Đầu tư phát triển kinh tế tri thức bảo vệ tài nguyên môi trường.

Thứ tư: Đảng và nhà nước ban hành các chính sách nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển toàn diện thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; xây dựng con người mới, nâng cao đời sống nhân dân thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống, gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật đảm bảo.

Thứ năm: Đảng và Nhà nước không ngừng xây dựng và củng cố lực lượng cách mạng. Tăng cường đại đoàn kết dân tộc, mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất, phát triển đường lối nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân và lý luận, khoa học an ninh nhân dân. Chủ động tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Thứ sáu: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn ven lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước, góp phần đưa quan hệ quốc tế của đất nước đi vào chiều sâu.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có nghĩa lịch sử sâu sắc không những đối với Đảng, Nhà nước và mỗi người dân Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quốc tế to lớn, đồng thời, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho Đảng, Nhà nước và mỗi chúng ta. Quá trình vận dụng, cần nắm vững nội dung của bài họcnắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” vì độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở vững chắc cho độc lập dân tộc thì hiệu quả đạt được cho công cuộc xây dựng đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế sẽ hết sức to lớn, toàn diện. Nhất định Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta sẽ ngày càng cường thịnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, như lúc sinh thời Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong muốn./.

 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 51, Nxb CTQG, Hà Nội, 2007, trang 139.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, trang 65.

[3] Sđd, tr. 24.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số