Tin mới nhất

Nhận thức xã hội tư bản hiện đại từ góc độ quy luật “phủ định của phủ định”

Quy luật phủ định của phủ định là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật. Nếu như quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập chỉ ra nguồn gốc, động lực của sự vận động phát triển, quy luật sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất vạch ra cách thức của sự vận động phát triển thông qua sự tác động giữa lượng và chất của sự vật thì quy luật phủ định của phủ định nói lên khuynh hướng của sự vận động phát triển của sự vật và con đường xuất hiện cái mới thay thế cái cũ. Từ góc độ biện chứng của quy luật này, chúng ta có thể vận dụng để nhận thức sự tồn tại, phát triển của xã hội tư bản hiện đại.

Sự biến đổi mạnh mẽ theo chiều hướng tiến bộ xã hội diễn ra trong các xã hội Tư bản chủ nghĩa (TBCN) phát triển là một thực tế. Ở phương Tây, trong khi những nhà lý luận tư sản xem xét đó là bằng chứng về tính ưu việt trường tồn của CNTB thì không ít người lại có cách nhìn khác. Có người khẳng định đó là sự đấu tranh do tiến bộ xã hội với các động lực từ Chủ nghĩa xã hội (CNXH), nhưng đa số cho rằng, nhờ thích nghi với những điều kiện cách mạng khoa học và công nghệ, CNTB đã tạo ra được một tiềm năng mới và tiếp tục còn khả năng tồn tại và phát triển. Nếu như vậy, lại nảy sinh ra vấn đề, phải chăng CNTB có những tiềm năng mới và tiếp tục tồn tại, phát triển nên sự thay thế nó chưa phải là tất yếu khách quan? Phải chăng một chế độ xã hội cho phép “lợi dụng” được những thành tựu khoa học tạo nên tiềm năng mới thì sự tồn tại và phát triển của nó là một tất yếu?

Từ những vấn đề nêu trên, chúng ta hãy trở lại luận điểm nổi tiếng về quá trình lịch sử tự nhiên và đặc biệt là vận dụng quy luật “phủ định của phủ định” để nhìn nhận xã hội tư bản hiện đại.

Với việc phát hiện ra quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất (QHSX) với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất (LLSX) và vận dụng vào việc xem xét phương thức sản xuất TBCN, học thuyết Mác cho thấy sự diệt vong của CNTB và sự ra đời của CNXH là tất yếu. CNXH ra đời chính là từ tiền đề của CNTB tạo ra. Theo quan điểm biện chứng Mác xít, quá trình diệt vong của một chế độ xã hội không loại trừ những bước phát triển. Lênin cũng đã nói về điều kiện chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn “tột cùng”, “mục nát” của CNTB. Vấn đề là ở chỗ phải thấy được xu thế khách quan trong sự phát triển của CNTB hiện đại.

Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, Mác và Ăngghen đã chỉ ra tính năng động của sự phát triển xã hội trong thời đại tư sản: Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hoá công cụ sản xuất, nghĩa là cách mạng hoá toàn bộ những quan hệ xã hội... sự đảo lộn liên tiếp của sản xuất… làm cho thời đại tư bản khác với tất cả các thời đại trước!. Sức sống vốn có của CNTB là ở chỗ sở hữu tư nhân tư bản đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của LLSX, tăng cường tính chất xã hội hoá của LLSX, nhưng do đó lại là mâu thuẫn vốn có của CNTB, giữa tính chất xã hội hoá của LLSX với tính chất tư nhân của chế độ sở hữu tư sản. Mâu thuẫn này khiến cho chế độ sở hữu tư nhân không thể thay đổi hình thức biểu hiện của nó. Sự thay đổi như vậy khiến cho sự phát triển của PTSX TBCN diễn ra một cách khách quan như một quá trình phủ định đối với sở hữu tư nhân TBCN. Với thắng lợi của cách mạng tư sản, CNTB tồn tại với tính chất là cái khẳng định - một chế độ xã hội mới, một xã hội tự do và bình đẳng như đã được phản ánh trong tư tưởng của các nhà Khai Sáng thế kỷ XVIII. Nhưng rồi quá trình củng cố, phát triển của nó lại làm cho bất công xã hội tăng lên. CNTB càng phát triển thì chủ nghĩa tự do tư sản lại càng tăng lên đáng nghi ngờ. Đó là vòng khâu phủ định trong biện chứng khách quan của sự phát triển của CNTB. CNTB tiếp tục phát triển và đạt tới trình độ chín muồi nhất, hoàn thiện nhất, hoàn thiện nhất ở sự phủ định của phủ định. Nhưng đó là sự “phủ định của phủ định” đối với một sự vật “vừa là nó vừa không phải là nó”, chính vì vậy, đã tạo ra trong bản thân nó những tiền đề cho sự ra đời một sự vật mới. Bằng phương pháp biện chứng khoa học, Mác đã chỉ ra xu hướng biến đổi như vậy của CNTB.

Ngày nay, xu hướng “quá độ từ PTSX TBCN sang PTSX tập thể” trong giới hạn của CNTB được bộc lộ một cách rõ nét trong các nước TBCN phát triển. Dù có điều chỉnh thích nghi nhưng chủ nghĩa tư bản ngày nay vẫn không thể vượt qua khỏi mâu thuẫn vốn có của nó. Đó chính là “mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa”. Mâu thuẫn đó được biểu biện cụ thể ra là mâu thuẫn giữa sản xuất có khả năng vô hạn và tiêu dùng có khả năng thanh toán bị hạn chế, giữa tư bản và người lao động làm thuê, giữa tư bản và tư bản, trong một nước và trên phạm vi quốc tế, giữa các nước tư bản với nhau, giữa các nước tư bản với các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, các mâu thuẫn mới cũng ngày càng thể hiện rõ nét đó là mâu thuẫn giữa sức sản xuất có khả năng phát triển vô hạn với sự giới hạn của các nguồn tài nguyên và môi trường, giữa nhu cầu nhất thể hóa và toàn cầu hóa với lợi ích của từng quốc gia và của toàn bộ cộng đồng các nước, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu khi chuyển đổi cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế. Tính gay gắt của các mâu thuẫn hiện nay thể hiện nổi bật ở những giới hạn mà chủ nghĩa tư bản đang vấp phải trong cùng một lúc chưa từng thấy. Đó là, tài nguyên hạn chế trong khi lực lượng sản xuất có khả năng phát triển vô hạn; guồng máy sản xuất có khả năng mở rộng không ngừng trong khi khả năng thanh toán vẫn còn bị hạn chế; tốc độ tăng năng suất lao động và tăng trưởng nói chung không thể cao và vẫn còn nguy cơ thấp; bất bình đẳng xã hội gia tăng trên phạm vi quốc gia và quốc tế với nguy cơ ngày càng trầm trọng; khủng hoảng kinh tế và tính không ổn định trên nhiều lĩnh vực; những mặt trái trên các lĩnh vực văn hóa, đạo đức chính trị, tình trạng bạo lực, tội phạm, xung đột sắc tộc tôn giáo có nguy cơ phát triển trầm trọng, khó lường. Những giới hạn không thể vượt qua trên cho thấy, chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn đang và sẽ tiếp tục phải đổi mặt với những nguy cơ của khủng hoảng về kinh tế, xã hội, chính trị thậm trí nguy cơ một cuộc khủng hoảng toàn diện mới có thể xuất hiện. Như vậy có thể thấy rằng, chủ nghĩa tư bản hiện đại trong khi chưa phát triển đến giai đoạn diệt vong gần kề nó đang tiếp tục tiến triển một cách khách quan đến một xã hội khác cao hơn, bất chấp ý nguyện chủ quan của bất cứ lực lượng xã hội nào và do đó trong lòng nó đang chín muồi dần không chỉ những tiền đề vật chất, kỹ thuật mà cả những mầm mống, những yếu tố nhiều mặt, những điều kiện ngày càng đầy đủ hơn cho sự ra đời xã hội mới sau chủ nghĩa tư bản.

Tóm lại, trước những vấn đề mà xã hội đặt ra thì vai rò và tư duy lý luận ngày càng quan trọng, Ăngghen chỉ ra rằng, một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao khoa học thì không thể không có tư duy lý luận. Triết học Mác - Lênin kế thừa tư tưởng triết học trong lịch sử, tạo nên sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật với phép biện chứng và làm cho chủ nghĩa duy vật biện chứng trở nên triệt để cả trong việc nhận thức xã hội. Đương nhiên triết học Mác - Lênin không phải là một hệ thống giáo điều trước sau như vậy; không phải là một bộ kinh thánh, nó là một phương pháp luận, trước hết, một phương pháp luận của khoa học xã hội. Nó không chứa đựng mọi giải pháp cho mọi vấn đề lịch sử đặt ra. Hẳn rằng lịch sử không đặt ra những vấn đề lớn lao nào không thể giải đáp, nhưng giải đáp đúng hay sai là tuỳ thuộc vào cách vận dụng của từng người, tức là luôn luôn bổ sung, phát triển không ngừng./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số