Tin mới nhất

Một vài lưu ý khi xác định các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam hiện nay

Để góp phần duy trì, ổn định trật tự cũng như điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nhà nước đã ban hành pháp luật, pháp luật được xem là công cụ hiệu quả đối với mỗi nhà nước. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật có vai trò quan trọng trong việc giúp các cơ quan nhà nước thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được quy định và quản lý xã hội, vậy văn bản quy phạm pháp luật là gì và hiện nay gồm những văn bản nào?

Theo Điều 2, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Dựa và khái niệm trên, nhận thấy một văn bản được xem là văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo hai yếu tố: thứ nhất, văn bản đó phải chứa “quy phạm pháp luật” và thứ hai, văn bản đó được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nội dung của văn bản quy phạp pháp luật chứa đựng các quy phạm pháp luật. Đây là đặc điểm quan trọng nhất của một văn bản quy phạm pháp luật, dựa vào đây giúp nhận định được văn bản nào là văn bản quy phạm pháp luật. Theo Khoản 1, Điều 3, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

 Văn bản quy phạm pháp luật là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành khác nhau theo hình thức, trình tự, thủ tục luật định. Vì vậy, nó có tên gọi khác nhau và có hiệu lực pháp lý cao thấp khác nhau,  và văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực về thời gian, không gian và đối tượng áp dụng.

Theo Điều 4, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật  năm 2015 quy định hệ  thống văn bản quy phạm pháp luật gồm: Hiến pháp; Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;  Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Như vậy, dựa và những quy định trên chúng ta có thể xác định các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam hiện nay, tuy nhiên, khi xác định các văn bản quy phạm pháp luật cũng cần chú ý thêm, không phải quyết định nào của Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định nào của Uỷ ban nhân dân các cấp ban hành đều là văn bản quy phạm pháp luật.

Một số trường hợp không được xem là văn bản quy phạm pháp luật được hướng dẫn tại  Điều 3, Nghị định 34/2016/NĐ - CP ngày 14/05/2016 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như sau:

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ không phải là văn bản quy phạm pháp luật trong các trường hợp đó là: Phê duyệt chiến lược, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch; Giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho cơ quan, đơn vị;Thành lập trường đại học; thành lập các ban chỉ đạo, hội đồng, ủy ban để thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian xác định; Khen thưởng, kỷ luật, điều động công tác; Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức; Các quyết định khác không có nội dung quy định tại Điều 20 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Nghị quyết do Hội đồng nhân dân ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật trong các trường hợp như: Nghị quyết miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và các chức vụ khác;Nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và bầu các chức vụ khác; Nghị quyết giải tán Hội đồng nhân dân; Nghị quyết phê chuẩn cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;Nghị quyết thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân; quyết định thành lập các ban, ban chỉ đạo, hội đồng, Ủy ban để thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian xác định;Nghị quyết tổng biên chế ở địa phương; Nghị quyết dự toán, quyết toán ngân sách địa phương.

Quyết định của Uỷ ban nhân dân không phải là văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp: Quyết định phê duyệt kế hoạch; Quyết định giao chỉ tiêu cho từng cơ quan, đơn vị; Quyết định về chỉ tiêu biên chế cơ quan, đơn vị; quyết định về khoán biên chế, kinh phí quản lý hành chính cho từng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân;Các nghị quyết, quyết định khác không có nội dung quy định tại các Điều 27, 28, 29 và 30 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Qua thực tiễn công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, việc xác định văn bản nào là văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn nhiều lúng túng, và có nhiều tranh cãi, nhất là hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, chính vì thế theo tôi các cơ quan tư pháp cần phải có sự hướng dẫn cụ thể hơn nữa, và nên có văn bản quy định chi tiết những văn bản ban hành điều chỉnh đối tượng nào do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ban hành là văn bản quy phạm pháp luật, để dựa vào đó việc thực hiện pháp luật được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Tóm lại, khác với các văn bản khác, văn bản quy phạm pháp luật mang tính chất bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần có vai trò rất quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước, chính vì thế việc xây dựng hệ thống văn bản này và việc xác định văn bản nào là văn bản quy phạm pháp luật là vấn đề chúng ta cần phải quan tâm./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số