Tin mới nhất

Hội Nông dân xã Tân Phước, thị xã La Gi, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế nông nghiệp của xã nhà

Xã Tân Phước là cửa ngõ phía Tây của Thị xã, cách trung tâm hành chính thị xã LaGi khoảng 6 km, nằm dọc theo Quốc lộ 55; có các loại đất khá phong phú như: đất cát, đất phù sa, đất xám thích hợp với nhiều loại cây trồng như lúa, rau, đậu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn quả. Đây là điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân xã Tân Phước, thị xã LaGi tập hợp, vận động nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng; sự quan tâm của Hội Nông dân thị xã LaGi; sự tạo điều kiện của chính quyền và sự phối hợp của Mặt trận các đoàn thể đã tạo thêm động lực cho cán bộ, hội viên, nông dân xã Tân Phước ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp góp phần tích cực giảm nghèo bền vững trong nhân dân.

Với chức năng tập hợp, vận động nông dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được Hội Nông dân xã tuyên truyền, triển khai đến hội viên, nông dân như: Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đề án Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020 và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chính sách tín dụng đối với phát triển nông nghiệp; chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu, đánh bắt xa bờ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Với sự quan tâm, hướng dẫn đầy trách nhiệm của các cán bộ Hội Nông dân xã trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp của nông dân: hiện nay diện tích deo trồng cây hàng năm 747 ha; sản lượng lương thực 1680 tấn. Toàn xã có 23 trang trại, trong đó có 15 trang trại trồng cây lâu năm (10 trang trại trồng cây thanh long, 05 trang trại trồng cây mãng cầu); nhiều trang trại sản xuất hiệu quả cao, thu nhập hàng năm đạt hàng trăm triệu đồng.Việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật được mở rộng, cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt trên 90%, các mô hình luân canh, xen canh được ứng dụng khá phổ biến, hạn chế các loại sâu bệnh; năng suất, sản lượng các loại cây trồng tăng, chăn nuôi đàn trâu, bò, heo và gia cầm phát triển ổn định; các dự án trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp đạt hiệu quả. Tổng đàn gia súc khoảng 6014 con, đàn gia cầm khoảng 34.000 con. Khai thác, đánh bắt thủy sản được chú trọng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ven biển thu hoạch hàng năm trên 57 tấn. Năng lực đánh bắt hải sản theo hướng đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, khai thác xa bờ tăng, sản lượng đánh bắt hàng năm trên 400 tấn các loại.

Để tiếp tục giúp nông dân ổn định, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Hội Nông dân xã đã xây dựng chương trình hành động nhằm vận động, hướng dẫn nông dân tích cực tham gia tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của địa phương như: định hướng vùng chuyên canh một số cây trồng phù hợp, chăn nuôi tập trung theo hướng nông sản sạch. Đồng thời, xây dựng mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: mô hình vườn mãng cầu của bà Lã Thị Y, mô hình trồng rừng và cây ăn quả của ông Nguyễn Hữu Tân, mô hình nuôi gà thương phẩm của ông Phạm Văn Sơn, mô hình nuôi vịt trên sàn của ông Nguyễn Văn Sáng... Song song với đó, Hội còn tổ chức cho các hộ nông dân đăng ký danh hiệu “Hộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” nhằm tạo động lực thi đua tăng gia sản xuất phát triển kinh tế trong nông dân. Hằng năm có trên 90% hộ nông, ngư dân đăng ký, qua bình xét có trên 60% đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đặc biệt, Hội thường xuyên tổ chức vận động các hội viên giúp nhau vượt qua khó khăn, thoát nghèo và vươn lên làm giàu, thông qua phong trào các hộ sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ các hộ nghèo về vốn, cây giống, con và thức ăn chăn nuôi trả chậm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và tạo việc làm như: hỗ trợ vốn cho 03 hộ nghèo mua giống vật nuôi; hỗ trợ cây giống điều, mãng cầu (Na) cho 25 hộ, hướng dẫn kỹ thuật cho 327 lượt cán bộ, hội viên, nông dân... 

 

Hội thường xuyên tổ chức các dịch vụ tư vấn hỗ trợ nông dân về vốn (Ngân hàng Chính sách xã hội từ 5.8 tỷ đồng/241 hộ nay tăng lên 8,043 tỷ đồng/249 hộ; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn từ 230 triệu đồng/11 hộ nay tăng lên 2,3 tỷ đồng/39 hộ; Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp 310 triệu đồng); hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật thông qua việc phối hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh và Trung tâm dạy nghề LaGi, các ngành chức năng chuyên môn mở các lớp dạy nghề về chăn nuôi, thú y, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả trong sản xuất (06 lớp học nghề về chăn nuôi gia cầm; lớp thú y cho 230 hội viên, nông dân; 41 lớp tập huấn và hội thảo về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả trong sản xuất); hỗ trợ nông dân thông tin, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản nhằm đảm bảo cho các hộ chăn nuôi, trồng trọt xuất bán cho thương lái có địa chỉ rõ ràng; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân thông qua Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”. Nhờ vậy, nhận thức về pháp luật của hội viên, nông dân ngày càng được nâng lên.

Bên cạnh đó, Hội đã phát động phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới thông qua việc xây dựng kế hoạch về thực hiện phong trào chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới và phát động, triển khai, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới như: đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất, chặt một cây trồng lâu năm để mở rộng các tuyến giao thông, bắt điện chiếu sáng qua đó đã vận động thực hiện 82 tuyến đường bê tông, với tổng chiều dài 22,145km, với tổng số tiền nhân dân đóng góp 5,963 tỷ đồng; Qua phong trào có nhiều gương điển hình như hộ ông Trương Văn Trúc hiến 500m2 đất ruộng để mở rộng đường giao thông liên thôn, hộ ông Nguyễn Thỉu chặt hạ hàng chục cây keo, ông Phạm Tý, ông Nguyễn Mặc vận động con cháu hỗ trợ trên 100 triệu đồng để làm đường bê tông và bắt điện chiếu sáng.... Do đó, hội viên, nông dân trong xã luôn phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền và Hội Nông dân xã trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thời tiết có lúc nắng hạn kéo dài, mưa trái vụ. Sản phẩm nông nghiệp tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh rất lớn của thị trường. Tập quán sản xuất với quy mô nhỏ, phân tán, lạc hậu, năng suất và chất lượng sản phẩm thấp, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn, giá cả nông sản, vật nuôi không ổn định. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ. Trình độ văn hóa, tay nghề, chất lượng nguồn nhân lực trong nông dân còn thấp. Hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên chưa cao, tình hình tranh chấp biển đảo diển biến khó lường ảnh hưởng đến việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Một số mô hình hoạt động hiệu quả nhưng chưa duy trì được. Hoạt động của tổ chức Hội ở một số địa bàn đôi khi chưa đi vào chiều sâu, nội dung sinh hoạt chưa phong phú, có đổi mới nhưng còn chậm.

Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Tin tưởng rằng, Hội Nông dân xã Tân Phước sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cần cù, chịu khó, khát vọng vươn lên từ những khó khăn cùng với sự đoàn kết, đổi mới, sáng tạo của hội viên, nông dân. Chắc chắn rằng, Hội Nông dân xã Tân Phước sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, xứng đáng là chỗ dựa đáng tin cậy của hội viên, nông dân xã nhà; góp phần vào công cuộc xây dựng xã Tân Phước ngày càng phát triển./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số