Trong chuyến nghiên cứu thực tế tại địa phương, sau khi nghe lãnh đạo địa phương báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi đến thăm vườn rau thủy canh có quy mô lớn của gia đình chị Nguyễn Thị Hòa ở xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh. Vườn rau xanh mướt được trồng theo phương pháp thủy canh với đầy đủ các loại rau như: cải ngồng, cải thìa, cải bó xôi, xà lách, rau gia vị,…được bố trí khoa học theo từng khu, từng tầng ngăn nắp, theo độ tuổi của từng loại rau. Trong quá trình rau phát triển cho đến lúc thu hoạch, từng giàn rau sẽ được theo dõi sát sao các yếu tố kỹ thuật như nhiệt độ, nồng độ dinh dưỡng của nước và độ PH để đảm bảo năng suất đạt chất lượng cao. Tùy từng loại rau mà thời gian thu hoạch có thể thay đổi, mặt khác do được trồng trong điều kiện môi trường thuận lợi nên hoàn toàn có thể chủ động quay vòng sản xuất sau thu hoạch, phát triển các loại rau trái vụ, tăng năng suất.
Trao đổi với chúng tôi, Chị Hòa cho biết: trước tình hình biến đổi khí hậu, nạn ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã và đang xảy ra rất trầm trọng, nhu cầu người tiêu dùng rất cần nguồn rau sạch an toàn, đảm bảo sức khỏe phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Từ suy nghĩ trên, để thực hiện ý tưởng đó, đầu năm 2018 chị mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng xây dựng nhà lồng, lắp ráp hệ thống dẫn nước trên 300m2 đất để trồng rau theo phương pháp thủy canh. Lứa rau đầu tiên do kinh nghiệm chưa có nên chị Hòa gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc, ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm. Tuy nhiên, không bỏ cuộc, chị chủ động đi tham quan các mô hình ở các tỉnh bạn; đồng thời học hỏi, tìm tòi về kỹ thuật trồng rau thủy canh trên internet. Nhờ đó, đợt rau thứ 2 chất lượng cũng như năng suất tốt hơn nhiều so với đợt đầu.
Thủy canh là kỹ thuật trồng cây trong dung dịch dinh dưỡng hay được gọi là trồng cây trong nước hoặc trồng cây không cần đất. Để có được những bó rau xanh mơn mởn, đạt chuẩn chất lượng, ban đầu các hạt giống được cấy mầm trong các giá thể chứa mùn dừa đã qua xử lý, đảm bảo cây giống có thể phát triển tốt tại đây. Sau 10 -12 ngày cây con được chuyển lên giàn hệ thống thủy canh tuần hoàn. Lúc này, nước từ bể dinh dưỡng được bơm từ máy bơm 2 chiều chảy qua hệ thống ống dẫn và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Thêm vào đó, vì được trồng trong môi trường nhà kính nên rau được cách ly với môi trường nhiễm bẩn, không bị các côn trùng phá hại, cây phát triển nhanh hơn so với cách làm truyền thống. Không chỉ thời gian thu hoạch nhanh mà gia đình không phải sử dụng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào; mặt khác, giảm chi phí công lao động do không phải thực hiện một số khâu như làm đất, làm cỏ, vun xới và tưới, chị Hòa chia sẻ thêm. Ước tính, mỗi tháng, vườn rau sản xuất và cung ứng khoảng 600 - 700 tạ rau các loại cung cấp rau tại một số chợ trung tâm của huyện Đức Linh và một số cửa hàng rau sạch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với sản lượng tiêu thụ ổn định, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng vườn rau của gia đình chị Hòa thu lợi nhuận bình quân từ 15 - 20 triệu đồng.
Từ những hiệu quả và thành công của vườn rau, chị Hòa tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích lên 600m2 và hoàn thiện hệ thống thủy canh để đầu tư nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chị chia sẻ cách làm và liên kết với những người trồng rau trong vùng thành lập Hợp tác xã (HTX) rau Tiến Phát với mục tiêu xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân trong HTX. Vào tháng 9 năm 2019, HTX rau Tiến Phát ra đời, không chỉ chuyên sản xuất kinh doanh các loại rau thủy canh mà HTX còn tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm của các thành viên để cung cấp cho thị trường. Đến nay, HTX có 9 thành viên với diện tích rau thủy canh khoảng hơn 2.500m2.
Với phương châm đẩy mạnh liên kết, tạo ra vùng sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất cây trồng và đặc biệt đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, HTX thường xuyên mở các buổi tham quan, chuyển giao mô hình trồng rau thủy canh sạch cho các bạn trẻ khởi nghiệp, nông dân… trong và ngoài tỉnh.
Có thể thấy đây là mô hình mới mang lại hiệu quả tích cực, bước đầu cho thấy tiềm năng phát triển và tầm nhận thức của người nông dân ngày một vươn lên để tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong thời kỳ biến đổi khí hậu và tính cấp bách của tình hình sản xuất bị ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm giải quyết cho nhu cầu cung cấp hàng nông sản sạch an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người dân; đồng thời, là điều kiện để phát triển kinh tế gia đình và xã hội cho huyện Đức Linh nói riêng, tỉnh Bình Thuận nói chung./.