Tin mới nhất

Một số giải pháp giữ vững mức sinh thay thế, điều chỉnh mức sinh của tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn hiện nay

Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Về công tác dân số trong tình hình mới” bên cạnh đánh giá công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng đã chỉ ra những thách thức, hạn chế chủ yếu trong công tác dân số, trong đó có sự chênh lệnh đáng kể về mức sinh giữa các vùng, tình trạng mức sinh giảm xuống quá thấp đã xuất hiện ở nhiều tỉnh/thành. Hiện nay, Bình Thuận là một trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp nhất cả nước. Do đó cần phải thực hiện nhiều giải pháp để giữ vững mức sinh thay thế, điều chỉnh mức sinh đồng đều giữa các khu vực.

Mức sinh thay thế là mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống. Thông thường, nếu mỗi người mẹ sinh được 2 con là đạt mức sinh thay thế, vì theo quy luật tự nhiên và tính trên phạm vi rộng thì trong 2 con sẽ có 1 con gái để thay thế mẹ mình thực hiện chức năng sinh đẻ (tái sản xuất dân số). Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi các yếu tố như tuổi thọ của phụ nữ, tỷ suất chết trẻ em, tỷ lệ người độc thân, vô sinh… nên mức sinh thay thế thường là hơn 2 con[1].

Để tiếp tục giữ vững được thành quả của công tác dân số với sự phát triển của đất nước, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII yêu cầu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), đến năm 2030 quy mô dân số đạt 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế. Đồng thời “giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Ngày 28/4/2020 Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTG phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030".  Trong đó,  ngoài xác mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, cũng đã nêu rõ 21 tỉnh, thành phố thuộc vùng mức sinh thấp gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang. Như vậy, Bình Thuận hiện nay là một trong những tỉnh có mức sinh thấp và không đồng đều giữa các khu vực, do đó cần có nhiều giải pháp kịp thời để điều chỉnh.

Tại Bình Thuận, theo Kế hoạch số 4053/KH-UBND ngày 20/10/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về chương trình điều chỉnh mức sinh tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, thời gian qua tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác dân số:

Về kiểm soát tốc độ gia tăng dân số: Trong những năm qua, nhờ thực hiện thành công các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình nên tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh quy mô dân số, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 14‰ vào năm 2005 xuống còn 8,8‰ vào năm 2019; tỉ lệ sinh con thứ 3 từ 21,7% (2005) giảm còn 14,6% (2019). Đây là thành công lớn mà Chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.

Bình Thuận đã đạt mức sinh thay thế vào năm 2009 (2,04 con/phụ nữ) trước 10 năm so với mục tiêu đề ra và tiếp tục duy trì đến nay. Tổng tỉ suất sinh của tỉnh năm 2019 là 1,91 con/phụ nữ. Trong đó, vùng thành thị mức sinh thấp 1,68 (con/phụ nữ), mức sinh ở vùng nông thôn là 2,06 (con/phụ nữ); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng là 7,5% (mức bình quân toàn quốc là 5,5%); tỷ suất tử vong mẹ là 11.2/100.000 trẻ sinh ra sống thấp so với toàn quốc là 14.2/100.000 trẻ. Tỉ số giới tính khi sinh 112% cao hơn toàn quốc (111,5%). Tuổi thọ trung bình đạt 74,5 năm cao hơn mức bình quân cả nước 0,9 năm và cao hơn mức bình quân vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 1,5 năm.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên công tác dân số trong tình hình mới còn nhiều tồn tại, hạn chế, như:  Bình Thuận là tỉnh có mức sinh thấp và vẫn có xu hướng tiếp tục giảm. Mức sinh tại các huyện, thị xã, thành phố không đồng đều. Tỉ lệ sinh con thứ 3 một số huyện còn cao, như: Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh; Chênh lệch về mức sinh giữa nhóm đối tượng có điều kiện sống khác nhau, giữa các vùng, địa phương khác nhau; Tỉ số giới tính khi sinh cao: Nam nhiều hơn nữ; Công tác truyền thông, giáo dục chậm đổi mới, còn tập trung vào nội dung vận động giảm sinh, kế hoạch hóa gia đình.

 Nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế: Do tập trung thực hiện mục tiêu giảm sinh nên trong thời gian qua các chính sách và thông điệp truyền thông chưa kịp chuyển đổi phù hợp với biến động mức sinh của từng vùng, từng đối tượng; Xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao; việc lựa chọn giới tính khi sinh vẫn còn xảy ra trong một bộ phận Nhân dân; đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ; học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ có tác động nhất định đến mức sinh thấp; hạ tầng giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội cơ bản còn nhiều bất cập; thiếu chính sách khuyến khích để người dân sinh đủ hai con.

Để khắc phục hạn chế trên, góp phần điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng trong những năm tiếp theo, Bình Thuận cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hình thức đa dạng, phong phú, sinh động, hấp dẫn và thuyết phục. Nâng cao hiệu quả của truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng việc sử dụng các phương tiện truyền thông đa phương tiện, internet và mạng xã hội. Sử dụng hợp lý các loại hình văn hóa, văn nghệ, giải trí. Phát huy vai trò của những người có ảnh hưởng với công chúng, gia đình và dòng họ như: những người nổi tiếng trong các lĩnh vực chính trị, khoa học, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, già làng, trưởng bản… Đặc biệt quan tâm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp, nhất là các hoạt động truyền thông tại nhà, tại cộng đồng thông qua đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên, nhân viên y tế thôn bản.

Thứ hai, nhanh chóng triển khai các giải pháp cụ thể hóa Thông tư 01/2021/TT-BYT của Bộ Y tế về “Hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số” được ban hành ngày 25/01/2021. Nghiên cứu, đề xuất, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.

Thứ ba, cần rà soát bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên; Sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các chính sách về lao động, việc làm, nhà ở; phúc lợi xã hội; giáo dục; y tế, … đến việc sinh ít con; xây dựng, triển khai các mô hình can thiệp thích hợp.

Thứ tư, cấp ủy đảng, chính quyền chủ trì, huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức tham gia thực hiện kế hoạch; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương trong tổ chức thực hiện; Ban hành quy định đảm bảo sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc; Gắn kết quả thực hiện các mục tiêu điều chỉnh mức sinh được giao cho các địa phương với đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là đối với người đứng đầu.

Thực hiện giữ vững mức sinh thay thế, điều chỉnh mức sinh đồng đều giữa các khu vực ở cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Bình Thuận nói riêng sẽ giúp ổn định quy mô dân số, duy trì dân số trong độ tuổi lao động luôn ở mức cao cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, đây cũng chính là một trong những mục tiêu quan trọng của công tác dân số trong tình hình mới./.


Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới.

2. Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh mức sinh phù hợp giữa các vùng, đối tượng đến năm 2030.

3. Quyết định số 2324/QĐ-BYT ngày 05/6/2020 của Bộ Y tế về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.

4. Kế hoạch số 4053/KH-UBND ngày 20/10/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về chương trình điều chỉnh mức sinh tỉnh Bình Thuận đến năm 2030.

 

[1] https://baodanang.vn/channel/6059/201307/muc-sinh-thay-the-2253656/


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số