Tin mới nhất

Sự đột phá về phát triển phương tiện vận tải ở huyện đảo Phú Quý

Từ Đại hội lần thứ IV, Đảng bộ tỉnh Thuận Hải (nay là Đảng bộ tỉnh Bình Thuận), diễn ra vào trung tuần tháng 10 năm 1986 đến Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh Bình Thuận hôm nay, 34 năm đã qua nhưng trong tôi vẫn lưu giữ mãi một dấu ấn kỷ niệm, đó là tờ Báo Thuận Hải (nay là Báo Bình Thuận) số 685, ra ngày 17/10/1986, lúc diễn ra Đại hội lần thứ IV Đảng Bộ tỉnh Thuận Hải, Đại hội mở đầu của thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Tại số báo này, trong mục “Góp ý kiến với Đại hội Đảng” đã đăng bài viết đầu tay của tôi “Chú ý trang bị phương tiện vận tải cho huyện đảo Phú Quý”. Khi cầm tờ báo này trên tay, thấy đăng bài viết của mình, trong tôi trào dâng một niềm vui khôn xiết và một cảm xúc lạ thường, bởi lần đầu tiên bài viết của mình được lên báo, và trang trọng hơn, bài báo được đăng trong thời điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Thuận Hải, một sự kiện chính trị quan trọng của địa phương tỉnh nhà.

Tôi viết bài báo này khi đang công tác tại huyện đảo Phú Quý, nơi cách xa Phan Thiết khoảng 120 km đường biển. Thời đó, tuyến vận tải từ Phan Thiết - Phú Quý chỉ bằng tàu gỗ, người dân địa phương còn gọi là ghe, một loại phương tiện rất thô sơ, nhưng trên từng chuyến đi, chất chứa tổng hợp mọi thứ loại, từ hành khách cho đến đủ các loại hàng hóa, như: cá, mực, heo, bò; các loại hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng, chuyến nào cũng đầy ắp, tải trọng nặng, nước biển mấp mé mạn thuyền. Những lúc sóng to, gió lớn phải đối mặt với bao hiểm nguy, nhất là tính mạng của con người “treo” đầu ngọn sóng. Đã bao phen, chủ thuyền phải vứt bớt hàng để cứu nguy cho hành khách. Nỗi gian nan vất vả nhất của người dân và cán bộ, công chức công tác ở Phú Quý lúc bấy giờ là phải gồng mình để chịu đựng say sóng trong mỗi chuyến đi, được ví như qua mỗi trận ốm. Và mỗi dịp biển động, sóng lớn (gió cấp 6) kéo dài thì Phú Quý như bị cô lập, vì tàu gỗ không thể ra, vào trong những lúc này.

Ngày ấy là thế, nhưng bây giờ, qua 10 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ Bình Thuận, cùng với sự phát triển đi lên của tỉnh nhà thì Phú Quý đã có bước tiến rất dài và rất xa. Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực vươn  mình đi lên của Đảng bộ và nhân dân Phú Quý, do đó đã có bước phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, mà rõ nét nhất phải kể đến là lĩnh vực giao thông, vận tải. Phương tiện từng bước được nâng cấp từ tàu gỗ lên tàu sắt, đã rút ngắn thời gian đi lại Phan Thiết – Phú Quý từ 8 -10 tiếng đồng hồ trước đây, xuống còn 6 tiếng. Chưa dừng lại ở đó, do có chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển giao thông vận tải, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nên những năm gần đây các nhà đầu tư đã yên tâm bỏ vốn đóng tàu vận chuyển hành khách công suất lớn, không ngừng tăng cường năng lực vận tải cho tuyến Phan Thiết – Phú Quý. Theo bà Trần Thị Hòa, Giám đốc Cảng Phú Quý cho biết: hiện tại Phú Quý có 4 tàu trung tốc và cao tốc hoạt động, gồm Tàu Express, Tàu Superdong 1, Superdong 2, Tàu Hưng Phát, có công suất máy từ 2700 đến 3000kW, với sức vận chuyển từ 250 cho đến 300 khách. Điều mà người đi lại, vào ra Phú Quý hài lòng nhất là thời gian trên tàu chỉ từ 2 tiếng mười lăm phút cho đến 2 tiếng rưỡi. Hành khách được phục vụ trên những con tàu với trang bị nội thất đầy đủ tiện nghi cao cấp, ghế ngồi bằng nệm xốp và giường nằm, phòng lạnh khá sang trọng, trang thiết bị bảo hiểm đầy đủ, khoang chở khách và khoang chứa hàng hóa được bố trí rất chuyên nghiệp, tách rời nhau. Như vậy khâu vệ sinh và mức độ an toàn rất đảm bảo, ngay cả khi sóng to, gió lớn, tàu trung, cao tốc vẫn duy trì hoạt động bình thường, hành khách rất yên tâm. Cùng với việc phát triển tàu khách hiện đại thì các tàu vận tải hàng hóa tuyến Phan Thiết – Phú Quý cũng được quan tâm đầu tư. Hiện nay có 5 tàu sắt chuyên vận chuyển hàng vật tư để đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển ở huyện đảo ngày càng cao.

Do được trang bị phương tiện vận tải ngày càng hiện đại, an toàn nên người dân và cán bộ, công chức công tác ở Phú Quý không còn coi việc đi lại là một sự gian khó, nhọc nhằn như xưa, đặc biệt là đã thu hút ngày càng nhiều du khách từ muôn phương tìm đến với Phú Quý. Trên mỗi chuyến hành trình về nơi biển đảo, họ thả mình để ngắm trời mây, biển biếc và chẳng bao lâu được đặt chân đến Phú Quý, nơi mảnh đất và con người rất đỗi hiền hòa, thân thương.

Người dân ở huyện đảo Phú Quý cảm nhận sâu sắc và bày tỏ sự biết ơn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm cho lĩnh vực trọng yếu nhất là phương tiện vận tải, yếu tố hàng đầu của sự phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở nơi vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, do đó  đã tạo bước đột phá vượt bậc, đem lại sự đổi thay ngoạn mục cho hiện tại; đồng thời tạo đà cho tương lại đầy hứa hẹn trên con đường phát triển đi lên của huyện Phú Quý./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số