Tin mới nhất

Tìm hiểu một số Di tích lịch sử văn hóa qua chuyến đi nghiên cứu thực tế Miền Tây

Nghiên cứu thực tế là một nghĩa vụ bắt buộc đối với giảng viên các trường chính trị, bởi thông qua đó, giảng viên tiếp thu thêm những kiến thức thực tiễn áp dụng vào bài giảng để nội dung thêm sinh động và có tính thuyết phục hơn. Thời gian qua, Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã thực hiện nhiều chuyến nghiên cứu thực tế không chỉ ở các địa phương trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh khác. Mới đây, từ ngày 20-23/7/2020, các giảng viên thuộc Chi bộ Giảng viên của trường đã có một chuyến nghiên cứu thực tế ở một số tỉnh Miền Tây, có thể nói đây là một chuyến đi đầy ý nghĩa, có nhiều ấn tượng sâu sắc, nhất là được nghiên cứu về các di tích lịch sử văn hóa tại vùng đất nơi đây.

Miền Tây là tên gọi ngắn gọn của vùng đồng bằng Sông Cửu Long, vùng Tây Nam Bộ, là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử. Trong 04 ngày nghiên cứu thực tế tại các tỉnh miền Tây, ngoài thời gian làm việc với Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp,  Trường Chính trị tỉnh Tiền giang để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về hoạt động quản lý đào tạo và giảng dạy, đoàn chúng tôi đã được nghiên cứu một số Di tích lịch sử nổi tiếng như: Di tích Nhà mồ Ba Chúc, Khu di tích lịch sử - văn hóa Núi Sam (An Giang), Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Xẻo Quýt (Đồng Tháp), Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang).

Thứ nhất, Di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc

Nhà mồ Ba Chúc thuộc trị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang được xây dựng vào cuối năm 1979 và được công nhận là Di tích quốc gia từ tháng 7 năm 1980. Đây là minh chứng cho tội ác của quân Khmer Đỏ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam trong suốt 12 ngày chiếm đóng là 18-30/4/1978 với hành động tàn bạo giết chết 3.157 dân thường.

Năm 1979, quần thể Nhà mồ được xây dựng gồm 7 hạng mục: Nhà mồ, bia căm thù, nhà truyền thống, nhà thủy tạ, hồ sen, nhà khách và vòng rào. Trong đó có Nhà mồ là công trình chính hiện tại chứa đựng sọ của 1.160 nạn nhân.

Năm 2013, nhà mồ được xây dựng lại, là một quần thể công trình rộng khoảng 5ha, gồm Nhà mồ, Nhà lưu niệm, hội trường và Chùa Tam Bửu, Phi Lai. Điểm nhấn công trình Nhà mồ Ba Chúc hiện tại được thiết kế hình hoa sen úp ngược, với 8 cánh hoa sen được sơn màu trắng, nhằm giảm bớt cảnh tang thương chết chóc. Mỗi cánh hoa sen là nơi trưng bày một nhóm hài cốt theo độ tuổi, giới tính khác nhau. Ngày càng có nhiều du khách tới tham quan, nhất là vào 16/3 âm lịch hàng năm, khi diễn ra lễ giỗ tập thể tưởng niệm nạn nhân trong vụ thảm sát. 

Thứ hai, Khu di tích lịch sử- văn hóa Núi Sam

Núi Sam có tên khác là Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn cao 284m thuộc Phường Núi Sam, Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Trên và quanh núi Sam có rất nhiều chùa miếu và những thắng cảnh đẹp, trong đó nổi tiếng nhất là Miếu Bà Chúa Xứ, Chùa Tây An, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền là những hạng mục được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Tọa lạc dưới chân Núi Sam, Miếu Bà Chúa Xứ được xem là trung tâm thu hút khách của danh thắng Núi Sam. Được xây dựng với kiến trúc cách điệu hình hoa sen nở với mái tam cấp lợp ngói xanh cùng với các hoa văn đậm nét nghệ thuật, trong miếu có tượng Bà khổng lồ bằng Sa thạch an vị ở vị trí trung tâm, được xác lập kỷ lục là Tượng Bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là nơi được nhiều du khách tìm đến để thỉnh lộc và cầu nguyện may mắn.

Thứ ba, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, đây là nơi an nghỉ của Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1929) là một nhà nho yêu nước và là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia ngày 09/4/1992.

Trong khu di tích có một số công trình như: Mộ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Đền thờ và tượng Nguyễn Sinh Sắc, Nhà trưng bày giới thiệu về cuộc đời của Nguyễn Sinh Sắc, Nhà sàn Bác Hồ, mô hình làng Hòa An xưa trong đó Mộ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là quan trọng nhất.

Phần mộ được ốp bằng đá hoa cương. Nấm mộ hình chữ nhật màu xám tro, yên vị trên nền mộ bằng đá mài trắng, hình lục giác không đều mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Vòm mộ hướng về phía Đông, là một cánh hoa sen cách điệu, có dáng dấp hình bàn tay xòe úp xuống, trên là chín con rồng cách tân đậm nét dân gian, vươn ra trước thành 9 đầu hồi, tượng trưng cho hình ảnh nhân dân Đồng bằng Sông Cửu Long chở che, ôm ấp phần mộ. Đặc biệt, tại đây có cây khế gần 300 tuổi (nằm bên trái mộ) và cây sộp hơn 300 tuổi (nằm bên phải mộ). Cách vòm mộ 25m về phía trước là hồ sen hình ngôi sao năm cánh, giữa hồ sừng sững một đài sen trắng cách điệu cao 6,5 m, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch, lương tâm trong sạch của Nguyễn Sinh Sắc, và cũng là biểu tượng cho quê hương Đồng Tháp luôn yêu quý ông.

Thứ tư, Khu di tích Xẻo Quýt

Được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 1992, Khu di tích Xẻo Quýt với diện tích khoảng 50 ha, trong đó có 20 ha rừng tràm nguyên sinh, thuộc 2 xã Mỹ Hiệp và Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp. Khu di tích lịch sử kết hợp khu sinh thái Xẻo Quýt là điểm du lịch về nguồn chứa đựng muôn điều thú vị của tự nhiên hoang sơ và là nơi lưu giữ vết tích của thời kì đấu tranh gian khổ của quân dân Đồng Tháp.

Xẻo Quýt là căn cứ Cách Mạng từ năm 1960 - 1975 của Tỉnh ủy Đồng Tháp lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Mỹ. Trong suốt hành trình cuộc kháng chiến, Xẻo Quýt đã phải hứng chịu rất nhiều trận mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Ở đây môi trường sinh thái hết sức đa dạng với hơn 170 loài thực vật: tràm, gáo, sậy, trâm bầu, sen, sún  và 200 loài động vật hoang dã, trong đó có 13 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như trăn mốc, rắn hổ trâu, rái cá, rùa hộp… Vì vậy mà người ta gọi Xẻo Quýt là Đồng Tháp Mười thu nhỏ.

Thứ năm, Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút

Di tích chiến thắng lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút tọa lạc tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, Tiền Giang, nằm bên bờ sông Tiền, cách thành phố Mỹ Tho chừng 12km về phía Tây và nằm trên tỉnh lộ 864, Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút là một công trình kỷ niệm ghi dấu chiến công chống ngoại xâm của nhân dân xứ Đàng Trong. 

Với tổng diện tích hơn 2ha, khu di tích gồm tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, hai nhà trưng bày và một ngôi nhà cổ Nam bộ. Tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ nằm ngay trung tâm của di tích. Tượng làm bằng đồng nặng 20 tấn, cao hơn 8 mét, được đặt trên bệ cao mô phỏng hình chiến thuyền. Tượng vị anh hùng trong tư thế rút gươm rất uy dũng; bên cạnh ông là một binh sĩ đang giương cung và một người dân bản địa đang chèo thuyền tạo thành một thể thống nhất hài hòa.

Ngày 02/12/1992 di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút đã được xếp hạng di tích quốc gia và đến ngày 31/12/2014 được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Với thời gian hạn hẹp, đoàn nghiên cứu thực tế Trường Chính trị Bình Thuận chỉ đi được một số tỉnh và nghiên cứu một số vấn đề, một số di tích lịch sử Miền Tây. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ấn tượng sâu sắc về tính cách vui vẻ, hoạt bát, cần cù, mến khách của người dân Nam bộ, ngưỡng mộ về cách khai thác, phát triển du lịch sông nước Miền Tây và đặc biệt là sự giữ gìn sáng tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa nơi đây, không chỉ là nơi về nguồn của thế hệ trẻ mà còn là nơi tham quan phục vụ du lịch góp phần phát triển quê hương, đất nước./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số