Tin mới nhất

Đền thờ Hùng Vương tại Thị trấn Phan Rí Cửa, Huyện Tuy Phong

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”

Mùng 10 tháng ba Âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ Hùng Vương; đây là ngày lễ trọng đại, là biểu tượng văn hóa tâm linh, điểm tựa tinh thần thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ Đền Hùng - trung tâm thờ tự đầu tiên ở tỉnh Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần dần lan tỏa ra cả nước, tồn tại lâu bền qua nhiều đời cho đến ngày nay.

Đền thờ Hùng Vương, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong. Ảnh: Thu Thủy, Báo Bình Thuận

Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đều có đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương[1] và hàng năm đều lấy ngày mùng 10 tháng ba Âm lịch làm ngày giỗ Tổ tại địa phương mình để nhân dân có điều kiện tham dự, dâng hương bày tỏ lòng thành kính lên các vua Hùng tại quê nhà.

Tại tỉnh Bình Thuận, qua các đợt khảo sát, kiểm kê di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo từ năm 1995 đến nay; đã xác định có hơn 30 điểm di tích, cơ sở tín ngưỡng có thờ phối tự các vua Hùng. Tuy nhiên, việc thờ cúng Hùng Vương chỉ ở mức độ nhỏ lẻ và không phải thờ riêng các vua Hùng Vương mà là thờ phối tự (thờ chung) với các vị thần linh khác. Trong đó, địa bàn có nhiều cơ sở thờ phối tự các vua Hùng đáng kể nhất là huyện Tuy Phong, cụ thể như: Đình làng Bình An (Bình Thạnh), đình làng Lâm Lộc (Hòa Minh), đình làng Long Phước (Phước Thể), miếu Thanh Minh (Chí Công) và một số cơ sở tín ngưỡng ở thị trấn Liên Hương, xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân...

Chỉ duy nhất có Đền thờ Hùng Vương ở thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong[2] vẫn duy trì tên gọi, chức năng, nội dung thờ phụng chính là các Vua Hùng và đây cũng là ngôi đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương duy nhất hiện có trên địa bàn huyện Tuy Phong nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng[3].

Tiền thân của Đền thờ Hùng Vương ngày nay vốn là ngôi đình của làng Cam Hải[4] do nhân dân địa phương đóng góp tiền của xây dựng và hoàn tất vào năm Tự Đức thứ 12 (1859) để thờ Thành hoàng Bổn cảnh và các bậc Tiền hiền, Hậu hiền có công khai khẩn đất đai, quy tập dân cư, lập làng. Về sau, người dân địa phương đã đưa Phật vào thờ trong đình làng Cam Hải, đồng thời sử dụng nơi đây làm cơ sở hoạt động của Hội Phật học Phan Rí Cửa phục vụ cho việc phát triển Phật giáo.

Đến năm 1958, người dân Phan Rí Cửa đã đưa thêm các vị vua Hùng vào thờ phụng tại đình làng Cam Hải. Như vậy, bên cạnh tín ngưỡng thờ Phật, đình làng Cam Hải lại có thêm chức năng thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Do Sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo trên vùng đất Phan Rí Cửa lúc bấy giờ đòi hỏi phải có một ngôi chùa rộng lớn hơn để làm nơi thờ Phật. Trước nhu cầu đó, chính quyền sở tại đã cho xây dựng ngôi chùa Hải Hội bên cạnh đình làng Cam Hải để làm nơi hoạt động của Hội Phật học và sinh hoạt của các tín đồ Phật giáo. Đến năm 1964, sau khi chùa Hải Hội được xây dựng hoàn chỉnh, Hội Phật học Phan Rí Cửa đã chuyển tất cả chức năng và tín ngưỡng thờ Phật qua chùa và đình làng Cam Hải từ đó trở về sau chỉ còn lại chức năng chính là thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương. Từ đó trở đi, tên gọi Đền thờ Hùng Vương đã ra đời và trở thành tên gọi chính thức thay cho đình làng Cam Hải tồn tại đến ngày nay.

Theo các bậc cao niên có am hiểu về lịch sử tạo lập và dựng đình Cam Hải ngày trước cho biết, thuở mới tạo lập di tích gồm có các hạng mục: chính điện, nhà khách, nhà khói, nhà kho, cổng chính và cột cờ. Tuy nhiên, trải qua thời gian gần 02 thế kỷ tồn tại, hiện đền thờ Hùng Vương còn lại các hạng mục: chính điện, nhà nhóm, cổng chính và cột cờ.

Chính điện là hạng mục kiến trúc quy mô và bề thế nhất của quần thể kiến trúc đền thờ Hùng Vương, nơi bảo lưu và thể hiện rõ nhất những giá trị của di tích trên các mặt lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, là nơi diễn ra các nghi thức tế lễ chính trong các dịp lễ hội… Chính điện được bố trí ngay tại vị trí trung tâm của di tích có kích thước bề ngang 11,9m x bề dọc 16m; được kiến tạo, lắp ghép thành 02 nóc trước và sau nối liền nhau thông qua hệ thống máng xối hứng nước mưa trước khi thoát ra hai bên theo dạng “Trùng thiềm điệp ốc”[5].

Nhà nhóm: nằm về bên hữu (nhìn từ ngoài vào) liền kề và ngang hàng với nóc trước chính điện là nhà nhóm được kiến tạo dạng nhà hai mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch Bát Tràng. Nhà nhóm có kích thước bề ngang 10m x bề dọc 10m, sử dụng 08 cột gỗ tròn được bố trí thành 02 hàng ngang, tạo nên nội thất 03 gian khá rộng rãi. Nhà nhóm là nơi các thành viên trong Ban quản lý đền, các bậc cao niên trong làng họp bàn những vấn đề hệ trọng liên quan đến việc thờ phụng, tổ chức tế lễ hàng năm tại đền; đồng thời đây cũng là nơi để tiếp đón du khách và nhân dân địa phương đến dâng hương, bái yết các vị vua Hùng.

Cổng chính và cột cờ: nằm lệch về bên trái và cách chính điện 4m về phía trước là cột cờ cao 5,5m là nơi dùng để treo cờ đại trong các kỳ lễ hội diễn ra tại di tích, góp phần tôn thêm nét trang nghiêm của đền thờ.

Nằm phía ngoài cùng và cách cột cờ 3,8m về phía trước là cổng chính, đỉnh nóc cao 4,1m. Cổng chính được kiến tạo dạng cửa tam quan, với 3 lối đi được ngăn cách bởi 04 trụ xây. Lối đi giữa có kích thước rộng 2,6m, cao 3,2m. Bên trên lối đi giữa đắp nổi nhiều họa tiết: ở chính giữa là mặt hổ phù, tỏa ra hai bên là các vân xoắn tạo hình hoa lá, dây leo. Hai lối đi hai bên có kích thước bằng nhau rộng 1,2m, cao 2,5m, bên trên không có họa tiết trang trí gì nổi bật. Nối liền hai bên cổng chính là hệ thống tường thành vững chắc xây bằng vôi vữa.

Theo truyền thống và tập quán có từ lâu đời của người dân địa phương, lễ hội Giỗ Tổ tại Đền thờ Hùng Vương ở Phan Rí Cửa diễn ra hàng năm vào mùng 10 tháng ba âm lịch, nhưng cứ 05 năm phải tổ chức đại lễ 01 lần, trang nghiêm theo tục lệ xưa. Đại lễ Giỗ Tổ tại đền thờ Hùng Vương ở thị trấn Phan Rí Cửa bao gồm nhiều nghi thức lễ long trọng mang đậm tính nhân văn diễn ra liên tục và nối tiếp nhau trong 02 ngày 01 đêm, nhưng các nghi thức tế chính diễn ra vào ngày 10 tháng ba âm lịch.

Trong ngày 09 tháng ba âm lịch, chính quyền và các ban ngành đoàn thể của địa phương phối hợp với Ban quản lý Đền thờ Hùng Vương và các đình, chùa, đền, miếu, lăng vạn… tổ chức nghi thức nghinh đón các bậc tiền, hậu hiền của các làng và các anh hùng liệt sĩ của địa phương từ Đài liệt sĩ của thị trấn về Đền thờ Hùng Vương chứng giám lễ hội. Đồng thời bà con nhân dân địa phương và các vùng lân cận cũng đến dâng hương bái yết các vị vua Hùng tại đền.

Ngày mùng 10 tháng ba âm lịch; các đình, chùa, đền, miếu, lăng vạn… tổ chức đoàn lễ trang nghiêm (có cờ lễ, tàn lọng, chiêng trống, kiệu lễ…) thỉnh rước các vị thần, tiền hậu hiền…của làng mình lần lượt đến ra mắt, bái yết và dâng lễ vật lên các vị vua Hùng tại Đền thờ Hùng Vương và báo cáo tình hình cuộc sống, làm ăn của dân làng trong năm qua và cầu nguyện các vua Hùng phù hộ, độ trì cho dân chúng trong năm mới có cuộc sống ấm no và sung túc hơn. Sau nghi thức các đoàn lễ của các làng đến ra mắt và bái yết Hùng Vương, Ban quản lý đền thờ thực hiện nghi thức chánh tế các vua Hùng với nhiều nghi lễ trang nghiêm diễn ra theo đúng tập tục và truyền thống vốn có do cha ông truyền lại.

Bên cạnh phần lễ được thực hiện một cách trang nghiêm đúng với nghi lễ thì phần hội được diễn ra với không khí náo nhiệt, sôi nổi và không kém phần phong phú bởi các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc như: chèo bả trạo, múa lân, đua thuyền trên sông…

Năm 2016, nhân dịp tham dự giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng, Phú Thọ; Đoàn tỉnh Bình Thuận đã long trọng thỉnh rước “Đất, nước và chân hương”, lấy nước từ Giếng Ngọc, đất và chân hương tại Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh về quê hương Bình Thuận. Đền thờ Hùng Vương, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong được chọn làm nơi an vị, thờ phụng các di vật quý giá, thiêng liêng này đồng thời lễ hội giỗ Tổ các vua Hùng tại Đền thờ Hùng Vương từ lễ hội riêng của người dân thị trấn Phan Rí Cửa trở thành lễ hội chung của nhân dân trong tỉnh[6]; để từ đây về sau, nhân dân trong tỉnh có thể đến đây kính cẩn dâng nén hương lên các vua Hùng mà cảm thấy như mình đang có mặt nơi quê cha đất Tổ. Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với người dân Phan Rí Cửa nói riêng và người dân Bình Thuận nói chung; để các thế hệ người dân thêm gắn bó, yêu thương và chung sức, chung lòng xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng giàu đẹp hơn, xứng đáng là thế hệ con cháu của các Vua Hùng.

Tài liệu tham khảo:

- Chuyên đề: Nghiên cứu quá trình bảo tồn, tôn tạo đền thờ Hùng Vương gắn với việc tổ chức lễ hội giỗ Tổ phục vụ đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận.

- Hồ sơ khoa học: Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Hùng Vương, thị trấn Phan Rí Cửa,  huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận - Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận./.


[1] Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 1.417 di tích, riêng tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc có 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương (http://btgtu.binhthuan.dcs.vn/uploads/News/files/Decuonggiotohungvuong.pdf).

[2] Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh theo Quyết định số 1994/QĐ-UBND ngày 07/9/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

[3] Bảo tàng tỉnh Bình Thuận - Hồ sơ khoa học Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Hùng Vương (thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

[4] Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn tỉnh Bình Thuận, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, năm 1996, trang 150: làng Cam Hải thuộc tổng Hồng Phước, huyện Hòa Đa, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận (năm Minh Mạng thứ 17, 1836).

[5] Trùng thiềm điệp ốc: đây là một kiểu kiến trúc nhà kép hai mái trên một nền. Nhà trước và nhà sau của điện được nối với nhau bằng một hệ thống trần vòm mai cua dưới máng nước nối của hai mái nhà (thuật ngữ kiến trúc gọi là máng thừa lưu).

[6] Quyết định số 1575/QĐ-UBND, ngày 12 tháng 6 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận phê duyệt Đề án tổ chức lễ hội giỗ Tổ các Vua Hùng tại Đền thờ Hùng Vương, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số