Tin mới nhất

Bài học về sự lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội

Sinh thời, C.Mác, Ph.Ăngghen và đặc biệt là Lênin thường xuyên khẳng định rằng, trong cuộc đấu tranh giành chính quyền và lãnh đạo nhân dân lao động xây dựng xã hội mới, giai cấp công nhân không có vũ khí nào quan trọng hơn là tổ chức. Hình thức tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân là Đảng Cộng sản. Theo các ông, nếu không có một Đảng vô sản cách mạng có thể đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, biết tập hợp quần chúng thì giai cấp công nhân không thể tiến hành cuộc đấu tranh giai cấp có ý thức và không thể trở thành giai cấp lãnh đạo quần chúng lao động bị áp bức, bóc lột lật đổ giai cấp tư sản, cải tạo xã hội theo chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Khi nói đến bài học sự lãnh đạo của Đảng, đây là hạt nhân lãnh đạo cả hệ thống chính trị, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều đó để thấy rằng, thành công hay thất bại của cách mạng phụ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn hay sai lầm của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện thông qua đường lối, chủ trương cũng như thông qua hoạt động chỉ đạo việc thực hiện đường lối chủ trương đó.

Nói về bài học kinh nghiệm, nhờ tiếp thu lý luận Mác – Lênin, ngay từ khi vận động thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã nhận thấy sự cần thiết phải có Đảng cách mạng; Người chỉ rõ Đảng có vững thì cách mạng mới thành công. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” - Nguyễn Ái Quốc khẳng định rằng, muốn làm cách mạng “trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động tổ chức quần chúng, ngoài liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi.  Đảng có vững thì cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[1].

Tiếp thu quan điểm đó, ngay khi mới thành lập, trong cương lĩnh đầu tiên của mình, Đảng ta đã xác định: “Điều cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường lối chính trị đúng đắn, có kỷ luật tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải trong chiến tranh và trưởng thành”[2].

Suốt 90 năm qua, kể từ ngày có Đảng, dân tộc ta và nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đứng lên đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thành quả vĩ đại của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, xây dựng nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhưng với dã tâm của chủ nghĩa đế quốc hòng cướp nước ta, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã thay nhau xâm lược Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã nhất tề đứng dậy thực hiện cuộc trường kỳ anh dũng kháng chiến suốt 30 năm, làm nên những chiến công vang dội lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu, với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên xây dựng CNXH.

Tiến hành cách mạng XHCN, Đảng ta đã thực hiện công cuộc đổi mới và đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, đất nước có được cơ đồ như ngày hôm nay là nhờ vào sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng, đó là một thực tế không thể phủ nhận.

Để tiếp tục lãnh đạo đất nước tiến lên hoàn thành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn thì Đảng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, việc đề ra đường lối đúng đắn phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước là yếu tố quan trọng quyết định đến thắng lợi.

Đường lối đúng đắn là một trong những yếu tố hết sức quan trọng dẫn tới sự thành công của cách mạng. Thực tế lịch sử của những năm trước và sau đổi mới đã chứng minh rằng nếu thiếu đường lối đúng đắn của Đảng lãnh đạo, cách mạng có thể bị mất phương hướng, thậm chí bị chệch hướng, nhưng đồng thời nếu thiếu sự linh hoạt về chính trị, sự nghiệp cách mạng có thể bị mất thời cơ, vận hội hoặc lún sâu vào nguy cơ. Có thể nói, đường lối đổi mới là kết quả của sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể và điều kiện mới của nước ta. Đường lối đó phù hợp với mục tiêu và định hướng xã hội chủ nghĩa, xác định rõ những nguyên tắc chỉ đạo đổi mới, cũng như những hình thức và bước đi phù hợp. Bên cạnh đó, Đảng ta thường xuyên chú trọng cụ thể hoá đường lối, nhạy bén nắm bắt cái mới, độc lập, tự chủ và linh hoạt, sáng tạo trong đề ra đường lối…

Thứ hai, một khi đã có đường lối, chủ trương đúng đắn rồi thì việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương ấy mang lại hiệu quả đến mức nào, điều đó do đội ngũ cán bộ quyết định.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác cán bộ. Người khẳng định rằng, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Người thường xuyên căn dặn: Đảng phải coi công tác huấn luyện, giáo dục, đào tạo là công việc đầu tiên của Đảng. Người viết: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi người có ích cho công việc chung của chúng ta”[3].

Thực hiện lời căn dặn đó, trong quá trình lãnh đạo Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và tuyển chọn cán bộ. Trong chiến tranh  bảo vệ Tổ Quốc, Đảng ta đã đào tạo được đội ngũ cán bộ tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sẵn sàng hi sinh vì sự tồn vong của dân tộc. Đó là một trong những yếu tố quyết định dẫn tới thắng lợi của hai cuộc kháng chiến vĩ đại.

Tuy nhiên, từ khi đất nước hoàn toàn được giải phóng đến nay, do những điều kiện khách quan có nhiều thay đổi, một bộ phận cán bộ, đảng viên không còn đáp ứng được những yêu cầu của công cuộc đổi mới; đồng thời khi chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, một bộ phận cán bộ đảng viên đã không giữ được phẩm chất đạo đức, bị sa ngã trước sự cám dỗ của vật chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, sa vào tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, hách dịch cửa quyền, xa rời quần chúng nhân dân.

Trước tình hình đó, Đại hội lần thứ IX của Đảng đã nêu lên sự cần thiết phải có cơ chế và chính sách phát hiện, đào tạo, tuyển chọn và bố trí cán bộ; đồng thời thực hiện tốt khâu quy hoạch và chính sách cán bộ, trọng dụng những người có đức, có tài. Đó là việc làm vừa dân chủ, công bằng vừa là yêu cầu đối với sự lãnh đạo của Đảng và có ảnh hưởng quyết định đến sự sống còn của Đảng. Bởi lẽ, nếu Đảng không tinh tường phát hiện ra những người có khả năng để bồi dưỡng thành các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nếu không sử dụng cán bộ đúng lúc, đúng sở trường thì sẽ thiệt hại cho Đảng, cho nhân dân. Đồng thời, nếu không có cơ chế tuyển chọn khách quan, công khai, công tâm thì những người tốt, có năng lực không được sử dụng, còn những kẻ cơ hội, kém phẩm chất, năng lực có thể chui sâu vào bộ máy lãnh  đạo trong các cơ quan của hệ thống chính trị.  Do đó, công tác tuyển chọn cán bộ phải căn cứ vào nhu cầu về cán bộ, phải dựa trên sự đánh giá chính xác cán bộ, đồng thời thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong quy hoạch và nâng cao chất lượng cán bộ. Đặc biệt trong Chỉ thị số 35- CT/TW, ngày 30/5/2019 khẳng định: Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm"; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm; quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao.

Thứ ba, Đảng luôn coi trọng việc nâng cao sức chiến đấu dựa trên cơ sở củng cố, tăng cường sức mạnh về tổ chức, tăng cường sự đoàn kết, kỷ luật của Đảng.

Với tư cách là một Đảng cách mạng chân chính, giữ vai trò lãnh đạo, Đảng ta rất coi trọng những nguyên tắc về tổ chức và phương thức hoạt động. Nói về nguyên tắc và phương thức hoạt động của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Nguyên tắc tổ chức thì cực kỳ nghiêm, tức là bất kỳ ở hoàn cảnh nào, mọi đảng viên và cán bộ phải thật thà và triệt để chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng phải làm đúng chế độ gửi báo cáo và xin chỉ thị”[4]. Người đề ra ba nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và sinh hoạt Đảng là: nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo và nguyên tắc Đảng phải tăng cường mối liên hệ mật thiết với quần chúng. Trong Di chúc, người căn dặn Đảng ta phải “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” lấy đó làm “cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”[5]. Người cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa khuyết điểm như mỗi ngày phải rửa mặt. Người khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[6].

Những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo của Đảng qua các thời kỳ là hết sức cần thiết. Chính những bài học ấy giúp Đảng ta tránh được những sai lầm, vấp váp, đồng thời nâng cao được sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của mình. Tất nhiên, việc tổng kết, đúc rút những bài học không phải là công việc đơn giản; trái lại, nó đòi học trình độ, trí tuệ cao về lý luận và khả năng tổng kết thực tiễn. Công tác tổng kết thực tiễn càng khoa học, đúng đắn bao nhiêu thì sự lãnh đạo của Đảng càng có hiệu quả thiết thực bấy nhiêu. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là ở chỗ tổng kết, đúc rút những bài học kinh nghiệm mà ở chỗ làm thế nào để sửa chữa được những thiếu sót yếu kém đã nhận ra. Nói cách khác, điều quan trọng chính là làm thế nào để đưa những bài học đã được rút ra vào thực tế. Đây là vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới./.


[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, HN.2011, tập 2, tr.289

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, Phần 1, tr. 14, 2

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 2, trang 260

[4] Hồ Chí Minh. Sđd, t.7, tr.335.

[5] Hồ Chí Minh. Sđd, t12,tr.510.

[6] Hồ Chí Minh. Sđd, t5,tr.261.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số