Tin mới nhất

Quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ Việt Nam trong Quốc hội Khóa I

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời”. Bản Tuyên ngôn khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(1).

Quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam được khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố ngày 02/9/1945 đã đặt cơ sở pháp lý quan trọng, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Việc ban hành Hiến pháp, thành lập Chính phủ chính thức là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền của nhân dân. Ngày 03/9/1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”(2).

Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 14-SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ: “Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17/8/1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”. Điều 2 của Sắc lệnh quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”.

Ngày 17/10/1945, Sắc lệnh số 51-SL được ban hành ấn định thể lệ tổng tuyển cử. Với các quy định về ngày mở cuộc tổng tuyển cử, quyền bầu cử và ứng cử, vận động tuyển cử, đơn vị tuyển cử, danh sách ứng cử, danh sách bầu cử, tổ chức bầu cử, trường hợp đặc biệt, điểm phiếu, kiểm soát cuộc bầu toàn tỉnh/thành phố, khiếu nại và triệu tập Quốc dân đại hội. Sắc lệnh quy định: “Tất cả những công dân Việt Nam 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ đều có quyền bầu cử và ứng cử”.

Ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “… Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…”.

Trong ngày Chủ nhật 06/01/1946, từ sáng sớm, báo Sự Thật đã phát lời kêu gọi nhân dân “Tất cả hãy đến thùng phiếu”. Báo Quốc hội số đặc biệt ngày 6/1/1946 đã dành khổ lớn trên trang nhất để in ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bút tích Lời kêu gọi của Người: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”.

Thông qua các sắc lệnh cũng như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trên thì ngoài những nguyên tắc đối với công dân nói chung thì nguyên tắc bầu cử, ứng cử bình đẳng không phân biệt nam nữ có ý nghĩa và giá trị tiến bộ, nhân văn sâu sắc. Bởi trong hoàn cảnh nước ta lúc ấy, một đất nước trải qua hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến với lễ giáo hà khắc trói buộc người phụ nữ, vốn không có địa vị gì cả trong xã hội và gia đình, nay được hưởng quyền bầu cử, ứng cử như nam giới, ngang hàng địa vị với nam giới. Điều mà phụ nữ các nước trên thế giới lúc bấy giờ còn phải đấu tranh, kể cả các nước đế quốc, thực dân, tự xem mình là nước văn minh, đi khai hóa các xứ thuộc địa - vẫn chưa làm được.

Chẳng hạn tại Mỹ, cách mạng Mỹ thành công và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa kỳ tuyên bố độc lập từ năm 1776. Nhưng quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ được đưa ra lần đầu từ năm 1848, tuy nhiên đến năm 1920 khi bổ sung sửa đổi Hiến pháp lần thứ 19 của Mỹ, phụ nữ mới được trao quyền bầu cử. Ở một nước dân chủ như Mỹ mà phụ nữ cũng phải mất 72 năm đấu tranh mới có quyền đi bầu cử và phải mất 144 năm sau kể từ ngày tuyên bố Độc lập, phụ nữ mới được hưởng quyền này. Tương tự ở Anh, quyền bầu cử của phụ nữ bắt đầu có từ năm 1928, Italia là năm 1945. Nước Pháp, lúc đó đang là nước xâm chiếm Việt Nam thì phải mất 150 năm sau kể từ cách mạng Tư sản pháp, đến năm 1946 phụ nữ mới được hưởng quyền bầu cử và thậm chí Thụy Sỹ phải mãi đến năm 1971 phụ nữ mới được hưởng quyền này(3).

Còn ở Việt Nam, ngay từ Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên, trong số hơn 300 đại biểu được bầu có 10 đại biểu nữ là các bà: Nguyễn Thị Thục Viên (đại biểu Hà Nội), Vũ Thị Khôi (đại biểu Bắc Ninh), Trương Thị Mỹ (đại biểu Hà Đông), Lê Phương (đại biểu Hải Dương), Cao Thị Khương (đại biểu Hưng Yên), Tôn Thị Quế (đại biểu Nghệ An), Lê Thị Xuyến (đại biểu Quảng Nam), Trịnh Thị Miếng (đại biểu Gia Định), Nguyễn Thị Thập (đại biểu Mỹ Tho), Ngô Thị Huệ (đại biểu Bạc Liêu).

Các bà đã tham gia 02 cuộc kháng chiến và đã được Quốc hội cử giữ những trọng trách ngay từ phiên họp đầu tiên. Bà Lê Thị Xuyến tại kỳ họp thứ nhất, khóa I đã được bầu làm Ủy viên Thường trực Quốc hội, đến kỳ họp thứ 2 của khóa I, bà Lê Thị Xuyến lại được bầu tiếp làm Ủy viên Thường trực Quốc hội và bà Nguyễn Thị Thục Viên là Ủy viên dự khuyết Ủy ban Thường trực Quốc hội. Trong kháng chiến có bà đã là Thứ trưởng như bà Lê Phương. Bà Trương Thị Mỹ đã từng là Phó chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thập là Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam nhiều khóa...(4)

Quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ trong cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên ở nước là điểm tiến bộ, nhân văn trong hoạt động lập hiến, lập pháp ở nước ta, tiếp tục được quy định cụ thể hơn trong các bản Hiến pháp sau này như Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013. Từ đó tỷ lệ nữ đại Quốc hội không ngừng tăng lên qua các khóa Quốc hội, cụ thể đã tăng hơn 20% từ khóa I (2,5%) đến khóa XII (25,7%), trong đó có 06/12 khóa có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 25% trở lên. Điều này chứng minh sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý ở nước ta ngày càng gia tăng, đúng chủ trương “Bình đẳng giới” của Đảng cũng như quy định của pháp luật./.


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.3. tr.12.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.3. tr.16.

(3) http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=43633.

(4) https://phunuvietnam.vn/10-nu-dai-bieu-quoc-hoi-viet-nam-dau-tien-4379.htm.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số